Còn nhiều trúc trắc
Theo tinh thần Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, thì thành phố cần tận dụng cơ hội để khuyến khích doanh nghiệp (DN) chuyển đổi sang sản xuất xanh, sản xuất sản phẩm xanh, nhất là các DN ở các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX).
Vậy nhưng, Nghị quyết 98 chỉ cho phép UBND TPHCM quyết định sử dụng mái nhà ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công, chưa cho phát triển điện mặt trời mái nhà ở các KCN, KCX, trong khi những nơi này có diện tích lớn.
Bộ Công Thương cho rằng, với cơ chế lắp đặt hệ thống điện áp mái cho nhà xưởng, các nhà máy, KCN, KCX cần có thời gian để nghiên cứu chính sách, kiểm soát công suất cho phù hợp với hệ thống, tránh phát triển ồ ạt.
Một vấn đề khác, theo Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC), thời gian nghỉ trưa là lúc bức xạ nhiệt mặt trời lớn nhất, có khả năng “phát” điện lớn nhất và trong những ngày nghỉ, sản lượng điện sản xuất được sẽ dôi dư. Do vậy, EVNHCMC kiến nghị có hệ thống lưu trữ năng lượng ở thời gian nghỉ trưa, ngày nghỉ.
Ông Phạm Đăng An, Phó Tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group, nhận định việc sớm có chính sách, cơ chế để có hành lang pháp lý phát triển điện mặt trời mái nhà là rất cần thiết. Hiện nhiều DN sản xuất, nhất là trong các KCN, KCX đang rất cần đầu tư điện mặt trời mái nhà để đáp ứng các mục tiêu về giảm phát thải, thực hành phát triển bền vững, hay đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường xanh, các yêu cầu về tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo từ chuỗi cung ứng toàn cầu…
Vậy nhưng, cơ chế để lắp điện mặt trời mái nhà vẫn còn đang được Bộ Công thương xây dựng, nhiều công trình điện mặt trời lắp đặt sau năm 2020 đến nay vẫn chưa có phương án xử lý.
Trong khi đó, ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội các DN KCN TPHCM, cho biết, nếu thành phố tận dụng toàn bộ các mái nhà của cơ quan nhà nước trên địa bàn để lắp đặt điện mặt trời thì được khoảng 166MW.
Trong khi đó, TPHCM có 18 KCN với diện tích được chính phủ quy hoạch là khoảng 7.000ha; thời gian tới sẽ mở rộng thêm khoảng 4.000ha. Chỉ riêng năm 2019, các KCN của TPHCM đã lắp được 80MW. Sau đó, do có nhiều khó khăn trong triển khai lắp đặt nên các bên liên quan phải dừng lại.
Cấp thiết hoàn thiện cơ chế
Nghị quyết 98 cho phép trụ sở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công… được lắp đặt hệ thống điện mặt trời để tự dùng, UBND TPHCM tổ chức việc lắp đặt này để đảm bảo cảnh quan.
Theo tính toán, tiềm năng có thể lắp đặt các hệ thống điện mặt trời mái nhà tại TPHCM đạt khoảng 5.081MWp, được xác định cho 4 nhóm gồm: cơ quan hành chính chiếm 3,27%, sản xuất chiếm 31,28%, thương mại dịch vụ chiếm 3,1% và hộ gia đình chiếm 62,34%. Trong đó, công suất điện mặt trời có thể lắp đặt trên mái nhà các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công tại thành phố khoảng 160MWp.
Một dự án điện mặt trời áp mái tại huyện Bình Chánh, TPHCM
Tại cuộc họp báo về kinh tế - xã hội định kỳ của TPHCM vừa diễn ra, ông Nguyễn Phương Duy, Phó trưởng Phòng Quản lý năng lượng Sở Công thương, chia sẻ, mục tiêu đến năm 2030, thành phố phủ sóng 50% hộ dân dùng điện mặt trời mái nhà.
Hiện nay trên địa bàn thành phố có 14.210 hệ thống điện mặt trời mái nhà đã được lắp đặt, với tổng công suất khoảng 358,3MWp. Về cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà, Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8, trong đó có nội dung phân bổ công suất điện mặt trời mái nhà tại các địa phương để trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, trong đó có nội dung quy định về trình tự, thủ tục triển khai việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Sở Công Thương đã tham mưu UBND TPHCM gửi công văn đến Bộ Công Thương góp ý hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà. Sở cũng kiến nghị Bộ Công Thương nghiên cứu cơ chế chính sách đặc thù phát triển điện mặt trời mái nhà cho thành phố.
Sau khi Chính phủ ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà, Sở Công Thương sẽ căn cứ công suất được phân bổ trong kế hoạch triển khai Quy hoạch điện 8 và Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà để tham mưu UBND TPHCM triển khai thực hiện lắp đặt trên địa bàn thành phố.
Trong lúc này, Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) kiến nghị thành phố cần có cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà của các nhà máy, xí nghiệp, dự án… để tự dùng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác nhưng được nối lưới với hệ thống điện quốc gia. Điều này giúp TPHCM tăng lượng điện cung ứng, DN có thêm nguồn thu nhập, tận dụng cơ sở vật chất hiện có.