Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc EVNHCMC, cho biết thời gian qua, EVNHCMC đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại TPHCM. Trong đó, tổng công ty đã phối hợp với Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM, Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TPHCM triển khai tuyên truyền điện mặt trời trong các khu công nghiệp - khu chế xuất.
Tổng công ty ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với nhiều nhà cung cấp giải pháp điện mặt trời để triển khai những gói sản phẩm ưu đãi đến doanh nghiệp, khách hàng sử dụng điện...
Với những giải pháp đồng bộ, tính đến hết tháng 5-2020, toàn Thành phố đã có 7.341 công trình điện mặt trời mái nhà, với tổng công suất lắp đặt 94,49MWp. Sản lượng điện năng phát lên lưới đạt 33,33 triệu kWh (chưa bao gồm sản lượng điện được chính khách hàng sử dụng). Dù vậy, theo đánh giá của lãnh đạo EVNHCMC, công suất lắp đặt trên vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng điện mặt trời mái nhà của TPHCM (hơn 6.000MW). Đó là chưa kể, phần lớn công trình điện mặt trời mái nhà trên địa bàn TPHCM hiện nay đều do hộ gia đình đầu tư (chiếm 88% tổng số công trình), với quy mô nhỏ; tỷ lệ các doanh nghiệp tham gia vẫn còn thấp.
Tại hội thảo, một số nhà cung cấp điện mặt trời, tổ chức tài chính đã có các bài tham luận về giải pháp kỹ thuật, giải pháp tài chính cho từng nhóm khách hàng cụ thể. Qua đó, giúp khách hàng hộ gia đình/doanh nghiệp có cái nhìn đầy đủ về lợi ích của điện mặt trời mái nhà để nghiên cứu, đầu tư.
TPHCM đặt ra mục tiêu tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo so với công suất cực đại của hệ thống điện Thành phố đạt tối thiểu 15% (tương ứng trên 1.000MW vào năm 2025 và từ 1.330MW vào năm 2030). Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc đưa ra các giải pháp thiết thực thúc đẩy điện mặt trời mái nhà trên địa bàn phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới là hết sức cần thiết, nhất là đối với các khách hàng doanh nghiệp.