TPHCM trăn trở tìm hướng đột phá

LTS: TPHCM luôn thể hiện vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Tuy nhiên với tinh thần “Nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật”, mới đây Hội nghị BCH Đảng bộ TP lần thứ 9 (khóa IX) đã nhận định: Tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa cao; kết cấu hạ tầng yếu kém và ngày càng quá tải; chất lượng nguồn nhân lực chưa tương xứng với yêu cầu phát triển và hội nhập…. Do đó, tìm lối đi riêng, có tính đột phá luôn là trăn trở của lãnh đạo và nhân dân TPHCM.

LTS: TPHCM luôn thể hiện vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Tuy nhiên với tinh thần “Nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật”, mới đây Hội nghị BCH Đảng bộ TP lần thứ 9 (khóa IX) đã nhận định: Tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa cao; kết cấu hạ tầng yếu kém và ngày càng quá tải; chất lượng nguồn nhân lực chưa tương xứng với yêu cầu phát triển và hội nhập…. Do đó, tìm lối đi riêng, có tính đột phá luôn là trăn trở của lãnh đạo và nhân dân TPHCM.

Định hướng phát triển chiều sâu

Từ lâu TPHCM luôn nỗ lực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước chuyển dần về chất theo hướng tăng tỷ trọng các ngành có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học, công nghệ cao.

Cụ thể đến nay, ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng 54,5%, tốc độ tăng trưởng bình quân 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung cả nước, nhất là các ngành dịch vụ cao cấp có lợi thế cạnh tranh.

Trong tình thế hiện nay, các sở ngành, quận huyện không được thụ động chờ đợi mà phải tích cực, chủ động tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh. Đi liền với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cần “cải cách” tinh thần làm việc và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, của CBCNV; nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đối với công việc chung.

Ông LÊ HOÀNG QUÂN,
Chủ tịch UBND TPHCM

Những năm gần đây, giá trị sản xuất công nghiệp liên tục tăng cao hơn mức bình quân cả nước. Sự tăng trưởng này diễn ra hầu hết ở các ngành, các thành phần kinh tế.

Giai đoạn 2006-2010, giá trị sản xuất công nghiệp của TP bằng 1,85 lần giai đoạn 2001-2005. Tuy nhiên, so với một số nước trong khu vực ASEAN, quy mô công nghiệp của TP vẫn còn thấp, nhất là công nghiệp chế tạo cơ khí chính xác, công nghiệp phụ trợ…

Điều này đòi hỏi TP phải huy động mọi nguồn lực, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư chuyên sâu để phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao trong những năm tới. 

Tại cuộc họp kiểm điểm tình hình kinh tế - xã hội TP quý I-2012, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nhấn mạnh: "Đôi khi khó khăn không chỉ do nguyên nhân khách quan mà còn do sự đùn đẩy, vô trách nhiệm của chính các cơ quan tham mưu. Trước tình hình kinh tế khó khăn, các sở ngành, quận huyện phải xắn tay vào mới ra chuyện, phải làm thực chất.

Nhiệm vụ thời gian tới là tập trung tái cơ cấu các ngành kinh tế, chuyển từ mô hình tăng trưởng chiều rộng sang chiều sâu, đảm bảo hiệu quả, tăng sức cạnh tranh. TP sẽ tập trung tái cấu trúc lĩnh vực đầu tư công bằng việc rà soát tất cả dự án để chấn chỉnh, làm dứt điểm không để kéo dài. Các sở ngành, quận huyện cần năng động tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp”.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà cho biết những năm gần đây TP mất dần ưu thế cạnh tranh, mô hình phát triển bộc lộ nhiều nhược điểm. Vì thế, để triển khai thực hiện các chương trình, dự án chuyển dịch, tái cấu trúc nền kinh tế, TPHCM đang rất cần một đề án mang luận cứ khoa học, có chiều sâu, đề xuất những công việc cụ thể cho chính quyền TP trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Sơn Hùng, Viện Nghiên cứu phát triển TP, nhận định: “Kinh tế TPHCM phát triển vẫn mang tính tự phát, tăng trưởng theo chiều rộng, chất lượng chưa cao. Với những ngành có giá trị gia tăng cao, dù TP khuyến khích nhưng doanh nghiệp chưa đáp ứng vì năng lực còn yếu.

Với mô hình tăng trưởng như vậy nên nội tại nền kinh tế TP vẫn bộc lộ nhiều nhược điểm, các ngành có giá trị gia tăng cao vẫn chiếm tỷ trọng thấp”.

TPHCM năng động và phát triển. Ảnh: Vĩnh HÙNG

TPHCM năng động và phát triển. Ảnh: Vĩnh HÙNG

TS. Vũ Thành Tự Anh (giảng viên chương trình giảng dạy Fulbright) nêu rõ: “Để việc tái cấu trúc nền kinh tế đạt hiệu quả, phải trả lời được câu hỏi năng lực cạnh tranh của TPHCM đang ở đâu, tại sao không cao? Làm thế nào tạo sự năng động cho doanh nghiệp, đồng thời xác định rõ những công cụ chính sách của TP để khắc phục những hạn chế kìm hãm sự phát triển”.

Hiện nay vấn đề được nhiều người quan tâm về mô hình phát triển của TP là phát triển theo quy hoạch hay quy hoạch theo thực tiễn? Thực tế cho thấy trong nhiều lĩnh vực, quy hoạch một đằng, phát triển một nẻo, chẳng ăn nhập với nhau. Thực tiễn cuộc sống thay đổi buộc ta phải vận dụng phù hợp. Vấn đề nữa mà nhiều người băn khoăn khi doanh nghiệp nói “ cần cơ chế”, nhưng cơ chế đó là gì vẫn rất mơ hồ.

Nhiều chuyên gia đề nghị TP nên chọn một số ngành, cụm ngành xác định là lợi thế, nổi bật để tái cơ cấu. Phải trao đổi với các trường đại học, bệnh viện hàng đầu, doanh nghiệp… xem họ cần gì từ chính quyền TP. Chính họ sẽ nói ra chứ Nhà nước và ngành chức năng không thể nghĩ thay họ, làm thay họ. Việc tạo ra cơ chế, chính sách mới là trách nhiệm của chính quyền.

Theo chuyên gia Phan Chánh Dưỡng, việc tái cấu trúc nền kinh tế TP nên giải quyết bằng bài toán tổng thể. Theo đó phải căn cứ vào kế hoạch chung đã có và dựa vào thực tế để xác định cụm ngành, ngành chủ lực để tập trung nguồn lực tạo sự đột phá. Lấy năng suất và sự cạnh tranh làm thước đo, tạo ra chính sách đi kèm để hỗ trợ. Mặt khác, ưu tiên cải cách hành chính, không chỉ hành chính dân sự mà là hành chính kinh tế.

Năng động sáng tạo vượt khó

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, nêu ý kiến: “TPHCM phải chủ động tạo bước đột phá về kinh tế, tái cấu trúc doanh nghiệp chứ không chờ Trung ương chỉ đạo, bằng việc yêu cầu doanh nghiệp nhà nước xây dựng chương trình tái cấu trúc riêng cho mình.

Trong đó thực hiện 2 chương trình ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ thông tin trong hoạt động. Chính sách hỗ trợ của TP không phân biệt doanh nghiệp trong hay ngoài nhà nước để tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh”.

Tại Hội nghị BCH Đảng bộ TPHCM lần thứ 9 (khóa IX), ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, cho biết trong 10 năm qua, ngoài việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội, kinh tế TPHCM tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng các ngành có giá trị gia tăng; quy mô kinh tế tiếp tục được mở rộng, đóng góp tích cực quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Về mục tiêu phát triển đến năm 2020, TPHCM tiếp tục phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, đoàn kết, vượt khó, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, phát triển TP nhanh và bền vững với chất lượng và tốc độ cao hơn mức bình quân chung của cả nước, làm tốt vai trò đầu tàu vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng TPHCM thành TP xã hội chủ nghĩa văn minh, hiện đại, đóng góp ngày càng lớn với khu vực phía Nam và cả nước; từng bước trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ lớn của đất nước và khu vực Đông Nam Á.

Ông NGUYỄN VĂN ĐUA,
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM

Ngoài ra, TPHCM luôn chú trọng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng cải thiện kết cấu hạ tầng, phát triển các khu đô thị mới; chăm lo phát triển văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo; giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội.

Trong quý I-2012, tổng sản phẩm nội địa (GDP) TPHCM tăng 7,4%, trong đó, ngành dịch vụ tăng 8%, công nghiệp - xây dựng tăng 6,6%, nông nghiệp tăng 4,5% so với cùng kỳ; các lĩnh vực cải cách hành chính, giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, giảm ngập nước; quản lý và phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, dạy nghề, văn hóa, y tế… có tiến bộ.

Trong 10 năm tới, TPHCM phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng bình quân 12%/năm, cao hơn 1,5 lần mức tăng trưởng bình quân của cả nước; GDP bình quân đầu người vào năm 2020 đạt khoảng 8.500 USD.

Để đạt được mục tiêu này, một trong 6 giải pháp cơ bản là TPHCM tiếp tục thúc đẩy phát triển 9 nhóm ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư.

Theo đó, TP tăng cường đi sát cơ sở, nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp về tiếp cận nguồn vốn, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ các doanh nghiệp 4 ngành công nghiệp trọng yếu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với tái cấu trúc kinh tế thành phố.

Tăng cường công tác kiểm soát giá cả; thực hiện có hiệu quả chương trình bình ổn thị trường. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư kết cấu hạ tầng; thực hiện có hiệu quả các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông.

Các tin khác