Theo đó, giai đoạn 2016 – 2020, diện tích sàn nhà ở toàn Thành phố tăng thêm 53,7 triệu m2, trong đó nhà ở dân tự xây đóng vai trò chủ đạo, tăng 38,5 triệu m2 sàn, vượt 23,3% so với chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu theo Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016 – 2020 là 31,23 triệu m2 sàn). Nhà ở thương mại chiếm tỷ trọng lớn thứ hai, đạt 13,98 triệu m2 sàn; nhà ở xã hội tăng thêm 1,23 triệu m2 sàn. Năm 2021, diện tích sàn nhà ở thương mại toàn Thành phố tăng thêm 1,53 triệu m2 sàn.
Tuy nhiên, về xu hướng phát triển, hiện nay diện tích nhà ở dân tự xây có xu hướng giảm dần (năm 2016 tăng 8,8 triệu m2 sàn, năm 2020 tăng 6,9 triệu m2 sàn); Diện tích nhà ở dân tự xây khu vực nội thành phát triển chiếm tỷ trọng lớn nhất, sau đó đến khu vực nội thành hiện hữu, các huyện ngoại thành và khu vực trung tâm hiện hữu chiếm tỷ trọng thấp nhất.
Năm 2021, diện tích sàn nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây toàn Thành phố tăng thêm 3,37 triệu m2 sàn. 9 tháng đầu năm 2022, diện tích sàn nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây toàn Thành phố tăng thêm 4,6 triệu m2 sàn.
Giai đoạn 2021 – 2025, dự kiến trong giai đoạn còn lại, diện tích sàn nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây toàn Thành phố tăng thêm 24,01 triệu m2 sàn.
Theo Kế hoạch phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021 – 2025 đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định 4151/QĐ-UBND ngày 9-12-2021, từ nay đến năm 2025 diện tích sàn nhà ở thương mại toàn Thành phố tăng thêm 12,57 triệu m2 sàn.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Sở đã đưa ra nhiều giải pháp, như phát triển nhà ở đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt hạ tầng kỹ thuật giao thông và xã hội; chuyển đổi mô hình nhà ở thấp tầng sang nhà ở cao tầng hiện đại; cải cách thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, có hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân được cấp phép, vay vốn ưu đãi để tham gia xây dựng hoặc cải tạo, nâng cấp nhà ở hoặc nhà trọ, phòng trọ hiện hữu đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn về nhà ở cho công nhân, người lao động thuê…