Ngày đêm thi công chạy tiến độ
“Đơn vị kiểm định độc lập đang chuẩn bị cho công tác thử tải cầu trong cuối tháng 3 để đánh giá chất lượng công trình, đảm bảo đủ điều kiện an toàn, để chuẩn bị đưa công trình vào khai thác. Hiện nhà thầu đang tập trung mọi nguồn lực, tổ chức nhiều mũi thi công song song cả ngày lẫn đêm để triển khai thi công các hạng mục như thi công đường, chiếu sáng, cây xanh, an toàn giao thông… với tiến độ nhanh nhất, đảm bảo chất lượng tốt nhất”, đại diện Công ty CP địa ốc Đại Quang Minh, chủ đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 2 (bắc qua sông Sài Gòn nối Q.1 và Khu đô thị mới Thủ Thiêm) cho biết.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, công trình kiến trúc biểu tượng mới của TP.HCM bắc qua sông Sài Gòn sẽ chính thức khánh thành, chào mừng ngày lễ 30.4. Ông Alain Granet, Quản lý dự án cầu Thủ Thiêm 2, cho biết do tính chất kỹ thuật phức tạp của dự án, đội ngũ chuyên gia của nhà thầu quốc tế đã chủ động phối hợp đơn vị thiết kế Phần Lan đề xuất các loại vật liệu chính đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của dự án.
Tất cả vật tư chủ yếu từ các nước châu Âu như cáp dây văng, khe co giãn, gối cầu, hệ thống giảm chấn cho dây văng... Sau khi kiểm soát chất lượng, toàn bộ vật tư sẽ được nhập về cho dự án để sử dụng, đảm bảo có thể thi công được liên tục.
“Đến nay toàn bộ kết cấu chính đã hoàn thành đảm bảo chất lượng, hiện nhà thầu đang khẩn trương thi công các hạng mục hoàn thiện như thảm nhựa mặt cầu 2 nhánh rẽ N1, thi công điện chiếu sáng, cây xanh cảnh quan, tổ chức giao thông để kịp khánh thành dự án vào 30.4 tới”, vị này nói thêm.
Cũng trên địa bàn Q.1, công trường xây dựng dự án đường song hành đại lộ Võ Văn Kiệt đang cấp tập chạy những công đoạn cuối cùng với mục tiêu về đích vào đầu tháng 4 tới. Khởi công từ tháng 5.2021 với kinh phí 54 tỉ đồng, công trình dài 615 m, rộng 7 m, đi dưới cầu Calmette bên bờ kênh Tàu Hủ kết nối đường Nguyễn Thái Học đến Pasteur được kỳ vọng sau khi hoàn thành sẽ giải quyết tình trạng ùn ứ, mất an toàn tại giao lộ Võ Văn Kiệt - Ký Con.
Theo ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM (chủ đầu tư), trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, công nhân tạm nghỉ, vật tư gián đoạn, công trình đã phải tạm ngưng thi công. Sau khi công trường nóng máy trở lại, phía chủ đầu tư đã phải điều động thêm công nhân, tăng ca, đẩy năng suất để chạy bù lại tiến độ cho dự án.
“Hiện công trình cơ bản hoàn tất các hạng mục chính, đạt trên 90% tổng khối lượng thi công. Nhà thầu đang hoàn thiện nốt các hạng mục cuối như bó vỉa, lát nền, thảm nhựa, tổ chức giao thông. Dự kiến công trình sẽ được đưa vào sử dụng ngay trong nửa đầu tháng 4 tới”, ông Tấn thông tin.
Phía nam TP, đường Nguyễn Văn Linh đoạn từ nút giao Nguyễn Thị Thập tới nút giao Huỳnh Tấn Phát (Q.7) cũng đang trong giai đoạn cuối của quá trình nâng cấp, mở rộng lên 10 làn xe. Giữa cái nắng chói chang trong cao điểm mùa khô, khoảng 80 công nhân, kỹ sư, giám sát... miệt mài tay cuốc, tay xẻng, chia thành nhiều nhóm thi công đắp nền, lắp đặt hệ thống điện, thoát nước…
Hiện đoạn gần giao lộ Huỳnh Tấn Phát, mặt đường tuyến Nguyễn Văn Linh đã được trải nhựa, đang hoàn thiện vỉa hè. Khởi công từ 1.12.2021, dự án đã đạt 70% tiến độ thi công và dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 5 tới.
Chuẩn bị khởi công loạt dự án trọng điểm
Ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, đánh giá cả 3 dự án sắp hoàn thành nói trên đều là những công trình quan trọng, giải quyết nhu cầu giao thông lớn tại những khu vực thường xuyên xảy ra kẹt xe của TP. Đặc biệt là cầu Thủ Thiêm 2 kết nối từ trung tâm TP qua TP.Thủ Đức đi về phía Xa lộ Hà Nội, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Đây là 2 hướng giao thông quan trọng của khu vực cửa ngõ phía đông, góp phần kích thích đầu tư, tạo sức hấp dẫn cho khu vực Thủ Thiêm nói riêng và TP.Thủ Đức nói chung.
Cũng theo ông Bằng, từ nay đến quý 4, Sở GTVT cùng các ban, ngành liên quan tập trung hoàn thiện thủ tục để khởi công thêm một số công trình trọng điểm. Trong đó, nhóm dự án tháo gỡ ách tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất có vốn đầu tư lớn nhất và nhận nhiều sự quan tâm của người dân TP. Công trình có thể khởi công sớm nhất là đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (Q.Tân Bình).
Với tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỉ đồng, đây là dự án giao thông trọng điểm của TP.HCM giai đoạn 2020 - 2023 nhằm phục vụ việc kết nối giao thông của Nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực sân bay và các khu vực lân cận.
Nút giao An Phú (TP.Thủ Đức) cũng là một trong những công trình được trông đợi nhất trong năm 2022, bởi đây là nơi giao nhau giữa ba trục giao thông lớn gồm cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đại lộ Mai Chí Thọ và đường Lương Định Của, nhưng thường xuyên ùn tắc, nhất là vào dịp cuối tuần và lễ tết.
Ngoài ra, dự án mở rộng QL50 cũng được TP bố trí vốn ngân sách để triển khai trong năm 2022. Khi hoàn thành vào năm 2024, tuyến đường sẽ giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện, giải quyết áp lực giao thông khu vực cửa ngõ phía nam TP.HCM.
Ngoài ra, dự án đặc biệt quan trọng kết nối liên vùng là dự án xây dựng đường Vành đai 3 cũng đang được tập trung triển khai, quyết tâm hoàn thành cơ bản trong giai đoạn từ nay đến 2025.
“Thời gian qua, Chính phủ đã giao TP.HCM chủ trì phối hợp với tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương hoàn tất thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư Vành đai 3 từ nguồn vốn Trung ương và địa phương; hỗ trợ một phần vốn Trung ương để đầu tư các dự án như nút giao An Phú, mở rộng QL50… Đây đều là những dự án hạ tầng quan trọng, không chỉ giải tỏa nút thắt giao thông của TP mà còn thúc đẩy giao thương kết nối liên vùng, tăng khai thác quỹ đất, phát triển các dịch vụ logistics... Chủ trương đẩy mạnh đầu tư công như nguồn vốn mồi để kích thích kinh tế sau đại dịch mang đến cho TP.HCM cơ hội để đột phá hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế trong giai đoạn tới”, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM khẳng định.