Cần nguồn nhân lực đủ tầm
Chia sẻ về nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 98, GS-TS Trần Đình Thiên (thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) nhấn mạnh, Nghị quyết 98 mở ra cho TPHCM các cơ chế, chính sách lần đầu tiên được thí điểm gắn với nhiều dự án trọng điểm quốc gia, thúc đẩy kinh tế của vùng và cả nước.
Để có được đội ngũ đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, cần có chương trình về đào tạo nhân lực cho giai đoạn phát triển mới, và cần xác định là chương trình trọng tâm trong năm 2024. Đây cũng là nền tảng cơ bản cho sự phát triển của TPHCM. Trên thực tế, các đối tác lớn trên thế giới khi đầu tư tại Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng đều có yêu cầu về nguồn nhân lực rất lớn nhưng ta chưa đáp ứng kịp.
Cùng quan điểm, GS-TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cũng cho rằng, TPHCM cần quan tâm đặc biệt đến định hướng đào tạo nhân lực, nhất là những ngành lõi như kỹ thuật, kỹ sư.
Dẫn chứng về mục tiêu xây dựng 200km đường sắt đô thị của TPHCM trong thời gian tới, GS-TS Nguyễn Đức Khương nhấn mạnh cần đội ngũ nhân lực được đào tạo đồng bộ. Bởi cùng với TP Hà Nội, đường sắt đô thị TPHCM sẽ là hình mẫu cho cả nước trong tương lai, do đó, không thể đào tạo nhân lực theo kiểu mỗi địa phương một tiêu chuẩn khác nhau.
Công chức xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM giải quyết thủ tục hành chính cho người dân
Đi sâu vào công tác đào tạo nguồn nhân lực, GS-TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM, nhận định, một số lĩnh vực theo Nghị quyết 98 hiện còn khá mới. Trong khi đó, các quy định về đào tạo nhân lực trong nước còn khó khăn để đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu.
Vì vậy, TPHCM nên đầu tư đào tạo bồi dưỡng nhân lực ở nước ngoài. Song song đó, cần có dữ liệu lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước để định hướng phát triển, đồng thời cần nghiên cứu, có cơ chế, chính sách đào tạo, khai thác nguồn nhân lực được đào tạo ở nước ngoài.
Phối hợp đào tạo trong nước và quốc tế
Theo GS-TS Huỳnh Văn Sơn, TPHCM có thể nghiên cứu, gửi nhân lực đào tạo ở một số quốc gia như Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc… trong đó, Trung Quốc đang có nhiều học bổng, chính sách hỗ trợ học viên Việt Nam.
Là người đang giảng dạy tại Trường Đại học Khoa học kỹ thuật Tứ Xuyên và Trường Đại học Giao thông Tây Nam (Trung Quốc), ông Nguyễn Văn Đức đồng tình với quan điểm của Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM.
Theo ông Nguyễn Văn Đức, Trường Đại học Khoa học kỹ thuật Tứ Xuyên có nhu cầu tiếp nhận kỹ sư, sinh viên Việt Nam tham dự các khóa học ngắn hạn, thực tập. Còn Trường Đại học Giao thông Tây Nam đồng ý mở các lớp đào tạo cho người Việt Nam. Do đó, nếu TPHCM có nhu cầu đào tạo nhân lực có thể phối hợp với 2 trường này và nêu cụ thể về nhu cầu, số lượng, chất lượng để đảm bảo hiệu quả đào tạo.
Thực tế công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được Thành ủy, UBND TPHCM lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xuyên suốt. Trong đó, UBND TPHCM đã ban hành nhiều quyết định, chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; kế hoạch đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lực đảm bảo cung ứng, nhu cầu tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực kinh tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…
Công chức Sở LĐTB-XH TPHCM hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: NGÔ BÌNH
Theo Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Văn Thinh, thời gian qua, TPHCM đã quan tâm đầu tư khá mạnh cho các cơ sở đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Trong đó, thành phố xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia Việt Nam có tham chiếu các chuẩn khu vực và quốc tế. Đổi mới quy trình, phương pháp phát triển chương trình đào tạo theo hướng mở, linh hoạt; quan tâm ứng dụng công nghệ mới, kỹ năng tương lai.
TPHCM cũng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, thực hiện các hoạt động chế tạo đồ dùng dạy học; cải tiến, nâng cấp các mô hình, thiết bị đào tạo hiện có theo định hướng tích hợp các công nghệ hiện đại như AI, IoT, BigData, blockchain...
Theo Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân, để phát huy tối đa hiệu quả từ cơ chế phân cấp, ủy quyền, TPHCM tiếp tục thực hiện tốt đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2025 và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hàng năm; tạo điều kiện cho cán bộ, công chức được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, UBND TPHCM đang nghiên cứu và hoàn thiện Đề án Xây dựng nền công vụ TPHCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030, với các nhóm mục tiêu, giải pháp cụ thể.
Lãnh đạo TPHCM đã chỉ đạo các cơ quan liên quan khảo sát, đánh giá toàn diện về nền công vụ cũng như thực trạng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Từ đó, có cơ sở đề ra các định hướng chiến lược và giải pháp tổng thể, có tính căn cơ để nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu phát triển của TPHCM.