Xe... nhiều không
Đặc tính của các loại xe thô sơ, tự chế là không đèn, còi, vè và phần lớn không có biển số. Xe thiếu đủ thứ nhưng lại dư một thiết bị. Thông thường xe gắn máy chỉ có một cái phuộc, nhưng chủ xe nhờ thợ gia công gắn thêm một cái phuộc để tăng sức chuyên chở, móc, kéo hàng hóa. Cái máy xe cũ mèm, nhớt chảy tràn lan, khói tuôn xối xả… nhưng vẫn bon bon trên đường và xuất hiện nhan nhản khắp nơi.
Ông Nguyễn Huy Long (ở phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TPHCM) than phiền: “Chiếc xe cồng kềnh cứ thế chạy phom phom. Nhìn thì rõ ràng là xe gắn máy, nhưng kéo theo một “mâm” trái cây, chậu kiểng hay gần chục bao nước đá, két bia. Thú thực, đi trước hay sau xe cải tiến chở hàng rất bực bội, nhất là giờ cao điểm. Chiếc xe lưu thông “đu đưa” chiếm hết phần đường của xe gắn máy, mình không thể nào vượt qua. Còn chạy phía trước, khi mình đến giao lộ gặp đèn đỏ thì hồi hộp sau lưng. Dừng xe mà cứ lạy Trời cho đừng bị tông”.
Phần đông xe chở nước đá, giao gas, nước đóng chai là xe gắn máy có tuổi đời U40. Các loại xe đó dù được chủ chăm sóc thì ít nhiều cũng mục sườn, gãy phuộc… Do vậy, phần đông xe cải tiến đều lược bỏ những gì không cần thiết, như: vè, ốp sườn, ốp tay lái, chắn sên… Chiếc xe trơ sườn sét lẹt. Các xe cải tiến để chở hàng hóa, trái cây thì cưa luôn sườn xe và hàn thêm một móc sắt hay cây sắt để móc vào thùng xe.
Ông Nguyễn Văn Đông (ở phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TPHCM) ngao ngán: “Hầu hết các xe cải tiến, tự chế đều không có biển số, mà dù có thì chắc chắn không có giấy tờ. Nếu còn giấy tờ thì cũng chưa bao giờ được kiểm định an toàn giao thông. Việc gắn thêm thùng xe, quai, móc… nhìn tưởng kiên cố vậy nhưng rất sơ sài. Chỉ cần vấp ổ gà hay vào cua gắt là dễ dàng lật đổ. Thật quá nguy hiểm!”.
Khó xử lý?
Xe tự chế tồn tại nhiều hiểm nguy, và xe gắn máy 3 bánh có gắn biển số cũng không ngoại lệ. Khi lưu thông trên đường Võ Văn Kiệt, quận 5, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến một xe 3 bánh chở vật liệu xây dựng cồng kềnh khi leo lên lề đường đã bị nhỏng bánh trước. Rất may, khi xảy ra vụ việc không ai đứng gần đó nên không có thiệt hại đáng kể.
Ông Nguyễn Văn Thẩn (70 tuổi, ở phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TPHCM) bức xúc: “Khu vực đường Dương Đình Cúc, Thế Lữ, Nguyễn Cửu Phú, Nguyễn Hữu Trí… và các xã Tân Kiên, Tân Túc đang có nhiều công trình xây dựng nhà ở. Cứ có dự án nào thì xe tự chế lại hoạt động rầm rộ ngày đêm.
Ngoài xe tự chế thì còn có xe máy cày, xe công nông! Không chỉ xe chở đất, đá, xà bần, ở công trình còn có “chợ lưu động”, hình thành từ các xe tự chế chở rau, củ, quả đi bán. Cách đây 3 năm, chị tôi ở ấp 2, xã Tân Nhựt đã bị xe tự chế tông chết. Đã có một số xe bị lật nhào khi ôm cua. Đất, đá, xà bần… đổ ra đường, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người tham gia giao thông”.
Chính quyền TPHCM đã có nhiều văn bản chỉ đạo việc kiểm soát, hạn chế phương tiện xe tự chế 3-4 bánh. Ngoài việc tập trung xử lý, các cấp chính quyền còn hỗ trợ các chủ xe thuộc diện bị cấm tham gia lưu thông có kinh phí chuyển đổi phương tiện và học ngành nghề phù hợp.
Gần 30.000 phương tiện xe 3-4 bánh tự chế đã bị thu hồi, tiêu hủy và chính quyền thành phố đã chi hơn 160 tỷ đồng hỗ trợ các chủ phương tiện. Một số tuyến đường ở trung tâm TPHCM đã cấm lưu thông các phương tiện nêu trên trong một số khung giờ nhất định, cao điểm (theo kế hoạch đến năm 2025 sẽ thực hiện triệt để việc cấm lưu thông xe 3-4 bánh tự chế ).
Thực tế, xe 3-4 bánh đang đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa đối với các tuyến đường nhỏ, đường hẻm. Tuy nhiên, vấn đề an toàn vẫn phải được chú trọng. Việc phát hiện, xử lý kiên quyết xe tự chế ở đường phố khá đơn giản nếu lực lượng chức năng tập trung.
Vấn đề còn lại, đó là xe tự chế không thể tự nhiên xuất hiện nếu không có sự tiếp tay của các cơ sở hàn cơ khí. Và, việc quản lý địa bàn, thuyết phục, vận động các cơ sở hàn cơ khí không tiếp nhận thực hiện việc cưa sườn, hàn thêm thùng xe… là trách nhiệm từ cơ sở!