TPP: Cơ hội cải tổ của Nhật Bản

Khi tham gia vào Hiệp định TPP, một số lĩnh vực của nền kinh tế Nhật Bản, điển hình là nông nghiệp, sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định TPP sẽ là bàn đạp để Nhật Bản đẩy mạnh cải tổ kinh tế, thực hiện mũi tên thứ ba trong chiến lược Abenomics.

Khi tham gia vào Hiệp định TPP, một số lĩnh vực của nền kinh tế Nhật Bản, điển hình là nông nghiệp, sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định TPP sẽ là bàn đạp để Nhật Bản đẩy mạnh cải tổ kinh tế, thực hiện mũi tên thứ ba trong chiến lược Abenomics.

Trong số 12 quốc gia tham gia TPP, Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 2, sau Hoa Kỳ. Theo thẩm định của Tập đoàn bảo hiểm Pháp AXA, một khi TPP chính thức đi vào hoạt động, nhờ xóa bỏ hàng rào quan thuế đối với hơn 18.000 mặt hàng tại 12 nước, GDP của Nhật Bản sẽ tăng thêm khoảng 0,5%/năm từ nay đến năm 2020.

Trong khi đó, theo Viện nghiên cứu Peterson, trụ sở tại Washington (Hoa Kỳ), nhờ có TPP sẽ có gần 120 tỷ USD đổ về Nhật Bản, chủ yếu nhờ đầu tư trực tiếp nước ngoài. Khi lên cầm quyền vào những ngày cuối năm 2012, nội các của Thủ tướng Abe đã nỗ lực thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế với quyết định tham gia đàm phán về hiệp định TPP. Chính quyền ông Abe thậm chí còn xem TPP như một yếu tố then chốt của chiến lược phát triển lâu bền cho Nhật Bản, một yếu tố quyết định trong mũi tên thứ ba của chính sách kinh tế Abenomics.

Trong mũi tên thứ ba này, Thủ tướng Abe chủ trương tiến hành cải tổ sâu rộng để đem lại tăng trưởng bền vững cho một nền kinh tế đang mất dần thế thượng phong. Sau khi đã bắn đi thành công 2 mũi tên đầu, dùng ngân sách nhà nước bơm thêm hơn 10.000 tỷ yên (khoảng 80 tỷ EUR) vào guồng máy kinh tế và buộc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nới lỏng chính sách tiền tệ, kích thích xuất khẩu, tiếp sức cho cả tiêu thụ nội địa lẫn đầu tư, và mũi tên thứ 3 tập trung vào 2 lĩnh vực: thương mại và đầu tư.

Theo chuyên gia kinh tế Yoshizaki Tatsuhiko, Phó Giám đốc Cơ quan tư vấn tài chính Sojitz Research Institute, TPP cho phép Nhật Bản cùng lúc tiến tới một thỏa hiệp tự do mậu dịch với 11 đối tác. Qua đó, mở cửa thị trường, xóa bỏ các hàng rào quan thuế trong bối cảnh 2 đối thủ lớn của Nhật Bản là Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đã tranh thủ thời gian để thiết lập một loạt thỏa thuận song phương với nhiều nước đối tác trên thế giới.

Lợi thế tiếp theo với TPP là Nhật Bản đẩy mạnh chính sách hội nhập kinh tế của mình trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mục tiêu thứ 3 Tokyo nhắm tới là TPP sẽ tạo đà cho Thủ tướng Abe nhanh chóng thúc đẩy tiến trình cải tổ. Bởi kinh tế Nhật Bản từ nhiều năm qua gặp khó vì không dám động chạm đến một số lĩnh vực được xem là “vùng cấm”, ở đó giới sản xuất đã có tiếng nói rất mạnh để đòi chính phủ tiếp tục áp dụng các biện pháp bảo hộ.

Việc đóng cửa đó đã gây nhiều thiệt thòi cho người tiêu dùng và cũng là gánh nặng đối với chính phủ. Vì vậy TPP là cơ hội để Nhật Bản cởi trói một số lĩnh vực, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu sang Trung Quốc bị chựng lại. Trung Quốc không phải là nguyên nhân duy nhất gây khó khăn cho Nhật Bản nhưng là một mối lo ngại đối với các doanh nghiệp xứ Phù Tang, bởi Trung Quốc là thị trường lớn của nền công nghiệp Nhật Bản.

Ngành công nghiệp xe hơi, một mũi nhọn của nền kinh tế Nhật Bản, có nhiều tiềm năng phát triển hơn nhờ TPP.

Ngành công nghiệp xe hơi, một mũi nhọn của nền kinh tế Nhật Bản,
có nhiều tiềm năng phát triển hơn nhờ TPP.

Bên cạnh khó khăn đối với khu vực xuất khẩu, chỉ số sản xuất công nghiệp của Nhật Bản trong tháng 7 và 8 đều đã sụt giảm và có khả năng tiếp tục giảm trong tháng 9-2015. Có nhiều khả năng, tăng trưởng của Nhật Bản năm nay không đạt được mức 2 % như mong đợi và thậm chí có nguy cơ bị suy thoái nếu chỉ số tăng trưởng cho quý III là 0%... Giờ đây với TPP, kịch bản sẽ thay đổi khi hiệp ước này mở ra nhiều triển vọng xuất khẩu và cạnh tranh, ở đó các doanh nghiệp Nhật Bản đang chiếm những lợi thế rõ rệt.

(Tổng hợp)

Các tin khác