Như vậy, sau khi chấm dứt thời gian nhận hình thức kỷ luật “cách chức 1 năm” từ tháng 8-2017 đến 8-2018 do Sở Y tế tỉnh Hòa Bình xử lý, nay ông Trương Quý Dương phải đối diện tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Đây là đoạn kết của một hành trình dài các cơ quan bảo vệ pháp luật mong muốn đòi lại y đức cho xã hội.
1. Sự cố tắc trách trong vụ chạy thận làm 9 người chết tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã gây sốc cho cộng đồng, và trở thành điểm nóng của dư luận suốt hơn 1 năm qua. Khi các bệnh lý về thận ở người Việt Nam không ngừng tăng nhanh trong thời gian gần đây, câu chuyện tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình càng khiến nỗi hoang mang lan rộng. Chạy thận là một giải pháp duy trì mạng sống cho người suy thận, giúp những bệnh nhân mắc bệnh thận phục hồi chức năng thận. Những bệnh nhân bị lọc máu luôn phải cẩn thận ăn uống và cần uống thuốc.
Nói cách khác, chạy thận thay thế các hoạt động tự nhiên của thận, do đó nó còn được gọi là liệu pháp thay thế thận. Nhiều bệnh nhân lọc thận có thể sống được 20 năm hoặc hơn. Vậy mà, 9 người đã qua đời khi tin tưởng chọn giải pháp chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Đây không chỉ là một nỗi mất mát của người nhà các nạn nhân, mà còn gây tổn thương nghiêm trọng cho những ai quan tâm đến giá trị nhân bản của màu áo blouse trắng.
Ông Trương Quý Dương là bị can thứ 6 bị khởi tố trong vụ án. Trước đó, 4 bị can công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình là bác sĩ Hoàng Công Lương, cán bộ phòng vật tư Trần Văn Sơn, Trưởng phòng vật tư Trần Văn Thắng, Phó Giám đốc Hoàng Đình Khiếu đã bị khởi tố, cùng với Giám đốc Công ty Thiên Sơn Bùi Mạnh Quốc. Vì tính chất phức tạp của vụ án có liên quan đến nghiệp vụ y tế, nên các cơ quan điều tra như công an, viện kiểm sát và tòa án đã phải cân nhắc từng tình tiết.
Phiên tòa đầu tiên mở ngày 7-5-2018, chỉ có 3 bị cáo bị xét xử là Hoàng Công Lương, Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc. Do luật sư liên quan vụ án không có mặt, sau gần 2 giờ diễn ra phiên xử, chủ tọa Nghiêm Hoài Anh quyết định hoãn phiên tòa. Phiên tòa thứ hai mở ngày 15-5 và kéo dài 10 ngày.
Khi luận tội, đại diện Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình đề nghị bị cáo Hoàng Công Lương mức án 30-36 tháng tù treo, bị cáo Trần Văn Sơn mức án 4-5 năm tù và bị cáo Bùi Mạnh Quốc mức án 5-6 năm tù. Khi tuyên án, hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung 6 vấn đề. Trong đó, có nội dung điều tra làm rõ các chứng cứ buộc tội, gỡ tội với bị cáo Hoàng Công Lương và kiến nghị điều tra, làm rõ trách nhiệm đối với nguyên Giám đốc Trương Quý Dương.
Ngày 4-7-2108, Công an tỉnh Hòa Bình tiếp tục khởi tố 2 bị can Hoàng Đình Khiếu, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và ông Trần Văn Thắng, nguyên Trưởng phòng vật tư Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Và đến ngày 24-8, quyết định khởi tố bị can được đưa ra đối với ông Trương Quý Dương.
Như vậy, diễn biến điều tra bổ sung đã chứng minh, hệ lụy chạy thận làm chết 9 người có trách nhiệm của những lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình vào thời điểm ấy, đồng thời đánh tan nghi ngờ về khuất tất mang tính “giơ cao đánh khẽ” đối với những kẻ có chức vụ cao hơn trong một vụ án.
Bác sĩ Hoàng Công Lương (giữa) tại phiên tòa và ông Trương Quý Dương
vừa bị Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố.
vừa bị Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố.
2. Khi vụ án vừa được khởi tố, mọi sai lầm đều quy cho bác sĩ Hoàng Công Lương. Theo cáo buộc, bác sĩ Hoàng Công Lương là người phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo và biết việc sửa chữa hệ thống RO. Sáng 29-5-2017, bác sĩ Hoàng Công Lương nghe báo cáo đã sửa xong máy lọc, liền ra y lệnh chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân khi trong hệ thống máy vẫn còn dư hóa chất của việc sục rửa. Kết luận sơ khai cho rằng, bác sĩ Hoàng Công Lương đã không kiểm tra, xác minh lại thông tin và không báo cáo trưởng khoa. Khi thấy chỉ số sinh tồn của các bệnh nhân đảm bảo đủ điều kiện chạy thận, bác sĩ Hoàng Công Lương vẫn để máy lọc hoạt động. Quá trình vận hành, nước trong hệ thống có tồn dư lượng axit đã được sử dụng để lọc máu thận cho 18 bệnh nhân, và cuối cùng 9 bệnh nhân qua đời vì bị ngộ độc hóa chất.
Được đào tạo chuyên môn về chạy thận, bác sĩ Hoàng Công Lương hoàn toàn nhận biết được những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến bệnh nhân. Thế nhưng, tất cả tội lỗi đầu đổ lên cho bác sĩ Hoàng Công Lương liệu có công bằng không?
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ: “Việc xử đúng người đúng tội còn đang chưa rõ ràng, tại sao lại đổ hết tội cho một bác sĩ trực tiếp lo cứu chữa bệnh nhân, trong khi bác sĩ đó làm sao biết được chất lượng nước như thế nào? Chúng ta thiếu hệ thống pháp lý bảo vệ các bác sĩ. Việc này các nước khác đã làm rất nhiều rồi, vì trong nghề y, bác sĩ khi đối mặt với bệnh nhân chỉ tập trung chữa bệnh, nhưng đến khi có sơ sẩy lại không có hỗ trợ, bảo vệ của ngành, của những lực lượng bảo vệ pháp luật chuyên nghiệp”.
Còn Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ: “Đối với một giám đốc bệnh viện đứng ra ký kết các hợp đồng, ký xong không có kiểm soát hoặc không có tinh thần trách nhiệm, thậm chí có khả năng còn có lợi ích nhóm trong đó để xảy ra sự cố như này. Theo tôi cần xem xét lại. Bởi vì có khả năng chúng ta đang bỏ lọt tội phạm, thậm chí tội phạm rất nguy hiểm”.
Tại 2 phiên tòa xét xử, bị cáo Hoàng Công Lương đều giữ quyền im lặng và đều nói lời sau cùng rằng mình không có tội. Công lý dần sáng tỏ, cuối cùng cơ quan điều tra thay đổi tội danh khởi tố đối với bác sĩ Hoàng Công Lương, từ “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” thành tội danh “vô ý làm chết người”.
3. Ngược lại, sau khi bị cách chức 1 năm, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương xem mình như kẻ ngoài cuộc, vô tư đi nước ngoài tham quan du lịch. Khi xử lý hành chính đối với ông Trương Quý Dương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình Trần Quang Khánh cho rằng: “Hết 1 năm, nếu quá trình điều tra của công an kết luận ông Dương không có sai phạm gì vẫn sẽ làm nhân viên bình thường, phấn đấu lại từ đầu. Nếu làm tốt sẽ được bổ nhiệm phó, trưởng khoa rồi lên dần”. Bây giờ, tình hình đã khác, ông Trương Quý Dương phải chịu trách nhiệm của một người đứng đầu bệnh viện để xảy ra sự cố đáng tiếc.
3. Ngược lại, sau khi bị cách chức 1 năm, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương xem mình như kẻ ngoài cuộc, vô tư đi nước ngoài tham quan du lịch. Khi xử lý hành chính đối với ông Trương Quý Dương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình Trần Quang Khánh cho rằng: “Hết 1 năm, nếu quá trình điều tra của công an kết luận ông Dương không có sai phạm gì vẫn sẽ làm nhân viên bình thường, phấn đấu lại từ đầu. Nếu làm tốt sẽ được bổ nhiệm phó, trưởng khoa rồi lên dần”. Bây giờ, tình hình đã khác, ông Trương Quý Dương phải chịu trách nhiệm của một người đứng đầu bệnh viện để xảy ra sự cố đáng tiếc.
Bản kết luận điều tra bổ sung nêu rõ, với tư cách là Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, ông Trương Quý Dương đã giao cho Phòng vật tư phối hợp Khoa hành chính thực hiện hợp đồng thay thế, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, Phòng vật tư và Khoa hồi sức tích cực đã không báo cáo tiến độ, cách thức thực hiện cho lãnh đạo bệnh viện.
Và ông Trương Quý Dương cũng chưa sâu sát để kiểm tra hay đôn đốc kiểm tra các tiêu chuẩn kỹ thuật cần thiết. Đồng thời trong khoảng thời gian từ 2015-2017, ông Trương Quý Dương không có quyết định giao phụ trách Đơn nguyên thận cho cá nhân nào, không có văn bản giao hệ thống RO cho ai đảm nhiệm, không ban hành quy trình liên quan đến hệ thống lọc nước… Rõ ràng, trách nhiệm của ông Trương Quý Dương trong vụ chạy thận làm chết 9 người là không thể chối cãi.
Bác sĩ là một nghề đặc biệt, không chấp nhận bất kỳ sự cẩu thả và sự vô tâm nào. Cho nên, khởi tố thêm nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, dù hơi muộn cũng chứng minh được tính nghiêm minh của luật pháp. Và hơn thế nữa, đó cũng dấu hiệu tích cực cho hành trình trả lại y đức cho xã hội hôm nay.