Có thể nói, đây là lần đầu tiên người đứng đầu ngành GTVT tỏ thái độ kiên quyết khi không cho thu phí trên tuyến cao tốc mới sử dụng vài tháng đã hư hỏng.
Đường cao tốc thu phí giá cao và liên tục hư hỏng dường như đã trở thành "chuyện thường ngày" ở nước ta. Thật không thể chấp nhận trước khi xây dựng chủ đầu tư, kỹ sư xây dựng cầu đường tuyên bố hùng hồn chất lượng của đường cao tốc sẽ đảm bảo được cả việc máy bay hạ cánh hay xe tăng chạy ro ro. Nhưng rồi sau đó chuyện cao tốc ngàn tỷ đồng mới đưa vào sử dụng đã phải liên tục sửa chữa, dặm vá đã trở nên quá đỗi bình thường.
Thiết kế đường cao tốc phải tính hết các bài toán tổ hợp rất nhiều yếu tố như xe quá tải trọng, các điều kiện mưa, gió, bão lũ, động đất... Vậy nhưng, khi xảy ra hư hỏng, nguyên nhân luôn được đưa ra là do xe lưu thông quá nhiều, do trời mưa, thậm chí do phương tiện lưu thông trên cao tốc làm... rơi vãi dầu diezel rất kỵ với bêtông nhựa…
Và có lẽ hài hước nhất là việc lãnh đạo ngành GTVT TPHCM khi trả lời việc đường dẫn vào cao tốc TPHCM - Trung Lương hư hỏng dù thời gian đưa vào sử dụng chưa lâu, rằng do… đường không có xe lưu thông, nhựa không nổi lên dẫn đến xuống cấp, hư hỏng.
Đường mới làm do xe chạy nhiều gây hư hỏng, rồi đường mới làm do không có xe chạy cũng gây hư hỏng. Bằng cách suy đoán có định hướng, những người có trách nhiệm đưa ra nguyên nhân này nguyên nhân kia, chủ yếu tại khách quan, hiếm khi họ thẳng thắn nhận trách nhiệm do vấn đề đạo đức công vụ hay năng lực quản lý yếu kém. Càng hiếm khi từ những sự cố chất lượng này, họ tự thấy xấu hổ vì đã để xảy ra điều đáng tiếc và nhận lỗi, khắc phục, không để tái diễn.
Theo quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 định hướng 2030 được Thủ tướng phê duyệt năm 2016, mạng cao tốc trên toàn quốc có 21 tuyến với chiều dài 6.400km, trong đó 2 tuyến Bắc - Nam dài hơn 3.000km. Sau 2 năm thực hiện, bởi một số đoạn cao tốc Bắc - Nam phải điều chỉnh quy mô đầu tư, một số địa phương đề nghị bổ sung các đoạn cao tốc, như Gò Dầu - TP Tây Ninh - cửa khẩu Xa Mát, tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai... Do đó, Bộ GTVT phải điều chỉnh lại quy hoạch.
Theo đó, bộ này đề xuất tăng chiều dài hệ thống cao tốc từ 6.400km lên hơn 7.000km. Trong đó, giai đoạn trước 2020 sẽ hoàn thành 2.100km, giai đoạn đến 2030 hoàn thành 4.000km và phần còn lại sẽ hoàn thành sau 2030. Dự kiến tổng vốn đầu tư đến năm 2020 là 182.000 tỷ đồng, giai đoạn 2020-2030 là 864.000 tỷ đồng và giai đoạn sau 2030 là 254.000 tỷ đồng. Quỹ đất dành cho tuyến cao tốc sẽ tăng 6.800ha.
Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước mới có 543km đường cao tốc được đưa vào sử dụng. Điều này có nghĩa một khối lượng thi công khổng lồ đường cao tốc đang chờ phía trước. Vì thế, vấn đề đặt ra lúc này là phải làm rõ trách nhiệm cá nhân về việc những công trình giao thông đường bộ đầu tư ngàn tỷ đồng chỉ sau vài tháng đưa vào sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng nặng.
Đồng thời phải có biện pháp xử lý mạnh những cá nhân, tổ chức không thực hiện nghiêm túc, giám sát chặt chẽ, thậm chí cố tình thi công, giám sát không chặt chẽ để giảm bớt chi phí nên đường hỏng nhanh vì kém chất lượng. Bởi lẽ, với gần 6.500km cao tốc sẽ xây dựng từ nay đến sau năm 2030, nếu không quyết liệt với những tiêu cực trên, quy trách nhiệm rõ ràng, sẽ tiếp tục gây lãng phí cho xã hội, gây mất lòng tin trong nhân dân.
Xung quanh ta, như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… cũng mưa nắng thất thường, thậm chí chịu ảnh hưởng động đất, sóng thần, bão lũ, băng tuyết, nhưng chất lượng đường sá của họ thế nào, các nhà quản lý lĩnh vực xây dựng Việt Nam chắc quá rõ. Vì thế, hãy đừng đổ lỗi cho đường quá nhiều xe đi lại. Không có xe đi lại làm đường làm gì? Còn việc giải thích đường mới làm đã hỏng do trời mưa, những người có trách nhiệm không chỉ coi thường dân mà còn coi thường cả chính bản thân mình.