Báo SGGP xin tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc bài viết của TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về vấn đề này.
Với chủ trương xã hội hóa việc viết sách giáo khoa (SGK), năm nay là năm đầu tiên có 5 bộ SGK lớp 1 để các nhà trường lựa chọn. Rất tiếc, chúng ta đã để xảy ra vụ lùm xùm liên quan đến SGK Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều - bộ sách được các trường lựa chọn nhiều nhất trong 5 bộ sách, tới 32%.
Học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Đống Đa (quận Tân Bình) trong giờ học môn tiếng Việt bộ sách Cánh diều. Ảnh: THU TÂM
Chúng tôi vẫn nói với nhau, không có cuốn sách nào mỏng mà bán được nhiều, được giá như SGK. Nhưng vấn đề là phải vì con trẻ. Tâm lý trẻ em, đó là một khoa học không phải ai cũng biết. Dạy trẻ lớp 1 là rất khó vì phải hiểu vấn đề tâm lý trẻ em rất nghiêm túc. Trẻ em rất trong sáng, nên chúng ta phải dạy cho các em những gì trong sáng trước, rồi những năm sau mới dạy các cháu nhận diện những thứ về “bệnh tật” của con người, như sự lừa gạt, dối trá…
Chúng ta nói nhiều đến vấn đề trách nhiệm sau sự việc này và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức nào thì đã có luật quy định. Nhưng trách nhiệm lương tâm mới là điều quan trọng nhất, vì trẻ em là tương lai của chúng ta. Nếu vì trình độ hay một sơ suất thì đáng trách; nếu vì lợi ích nào đó mà cố tình sơ suất thì không thể chấp nhận. Bài học quan trọng nhất là những người biên soạn SGK hãy đem tất cả tấm lòng yêu trẻ của mình, sự cầu thị và khiêm tốn, lắng nghe giáo viên dạy lớp 1 trên cả nước để xem trong giảng dạy, họ cần cái gì. Thậm chí, nếu cần thiết hãy xuống trực tiếp lắng nghe học sinh để biết các em thích cái gì; ở Hà Nội, TPHCM hay các thành phố lớn thế nào, vùng xa xôi ra sao.
Trách nhiệm của những người thẩm định SGK là rất lớn. Họ là những người “gác cửa” rất quan trọng. Nếu làm không tốt thì dư luận sẽ hiểu nhầm về hội đồng thẩm định. Hội đồng là người “nhặt sạn”, nên anh phải “nhặt” được các “hạt sạn” của SGK. Nếu không “nhặt” được 100% thì cũng phải 90%; đặc biệt, nếu không “nhặt” được “hạt sạn” nhỏ như bụi mịn thì anh phải “nhặt” được những “hạt sạn” to. Để lọt những “hạt sạn” to đến mức ai cũng nhìn thấy thì rõ ràng, hội đồng thẩm định “có vấn đề” về trách nhiệm. Cách sửa sai hiện nay là những gì sai không thể chấp nhận, sửa chữa thì phải mạnh dạn cắt bỏ. Sai có thể sửa thì phải sửa và quan trọng nhất là bảo đảm sự ổn định, đặc biệt những trường học sử dụng bộ sách Cánh Diều.
Viết SGK phải bằng tất cả tâm huyết và muốn thế cần có thời gian, không thể làm vội vàng. Nếu làm SGK mà trong thời gian 1 - 2 năm thì không đảm bảo chất lượng. Bởi, người viết SGK xong còn phải mang đến cho người tiếp nhận, đó là các thầy cô trực tiếp dạy học để họ nhuần nhuyễn với ý tưởng của người viết thì họ mới dạy tốt. Mặt khác, SGK mới, ngoài nội dung hay còn phải bảo đảm được sự giảm tải, phải làm sao để học sinh không phải gù lưng mang cặp sách đến lớp như hiện nay. Dù sách có hay mà vẫn quá tải, vẫn đè nặng lên đôi vai học sinh thì coi như chưa đổi mới thành công.
Những ngày qua, có nhiều ý kiến đề nghị hội đồng thẩm định không làm hết trách nhiệm thì phải thay. Một nguyên tắc rất đơn giản được áp dụng cho bất cứ lĩnh vực nào, ở đâu, đó là không làm tròn nhiệm vụ thì phải thay thế. Không nên có chuyện đã lập ra một hội đồng thì cứ giữ nguyên, nhất là khi đã có sơ suất. Nhưng cũng không phải là chuyện thay đổi đồng loạt, người nào trong hội đồng có tâm, có tầm thì chúng ta phải giữ lại, bởi đôi khi trong lĩnh vực khoa học và nhân văn, ý kiến thiểu số lại là chân lý.
Vụ việc SGK bộ Cánh Diều là một bài học sâu sắc mà những người làm giáo dục phải nhận thức nghiêm túc khuyết điểm, tồn tại để bảo đảm không lặp lại khi làm các bộ SGK sau, nhất là hiện nay, chúng ta đang tiến hành biên soạn SGK mới từ lớp 2 đến lớp 12 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Hãy làm SGK bằng tất cả trí tuệ, trách nhiệm, tình cảm với con trẻ. Đừng để xã hội hiểu nhầm những người làm SGK là vì đồng tiền, bởi điều đó sẽ rất nguy hiểm, phản giáo dục. Trẻ con hiện nay rất thông minh, vì vậy, các em nghe được điều đó sẽ bị tổn thương, mất niềm tin vào những kiến thức trong SGK mà thầy cô truyền tải. Điều đó là rất nguy hiểm, vì trong giáo dục, nếu giả dối sẽ mất tất cả. Làm giáo dục phải nhân văn, chân thành, có tâm, đừng làm vì bất cứ điều gì vụ lợi, hoặc vì ai đó.
Tất cả chúng ta đều ủng hộ những người tâm huyết, say sưa với giáo dục. Say sưa nhưng phải là say sưa với sư phạm, với mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, không phải là say sưa với tiền bạc. Mặt khác, khi có sự việc xảy ra, chúng ta góp ý kiến là rất đáng quý, nhưng hãy bằng tinh thần xây dựng, không phải bằng sự chỉ trích, suy diễn và phủ nhận mọi kết quả.