Đã có khoảng hơn 1.000 câu hỏi của nông dân và nhân dân cả nước gửi đến Thủ tướng và các bộ, ngành, đối thoại về 4 nhóm vấn đề là phát triển thị trường nông sản; vốn và đất đai; công nghệ và đầu vào cho sản xuất nông nghiệp; xâydựng nông thôn mới.
Những câu hỏi đầy trăn trở và cả bức xúc của các nhà nông trên mọi miền đất nước, đang cho thấy mặt trận nông nghiệp đang đối mặt với quá nhiều thách thức. Vì sao nhà nông mãi loay hoay trên mảnh ruộng, mãi khắc khoải trong tâm thế ngửa mặt trông trời với “may nhờ rủi chịu”. Vì sao điệp khúc “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa” cứ lặp đi lặp lại? Vì sao các bộ, ngành cứ nói vì nhà nông, đồng hành với nhà nông, chuyện “4 nhà” cuối cùng để nhà nông bơ vơ để chờ sự cứu giá.
Trong buổi trò chuyện thân mật cùng nông dân, Thủ tướng đã chân thành chia sẻ, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những tồn tại trên. Bởi lẽ không thể trách người nông dân chậm bước, càng không thể nói nhà nông kém nhanh nhạy, thông minh. Vấn đề đặt ra là sau diễn đàn này, các bộ, ngành có dũng cảm nhận trách nhiệm về quản lý nhà nước với kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nông dân còn nhiều yếu kém, bất cập.
Một đất nước gần 70% người dân sống ở nông thôn, rõ ràng chính sách dành cho họ cần sát thực tiễn hơn. Muốn có chính sách trúng và đúng, trước hết phải hiểu thấu xem họ mong gì, cần gì. Chỉ đạo từ vĩ mô cho đến lãnh đạo chính quyền các địa phương rõ ràng chưa nhịp nhàng. Làm nông nghiệp ít lợi nhuận, lắm rủi ro, nên cách nhìn về kinh tế tam nông còn chưa đặt đúng vị trí…
Thủ tướng nêu đích danh Bộ Kế hoạch - Đầu tư hãy tự trả lời xem quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp triển khai đã đúng tầm chưa? Việc quản lý sử dụng đất đai, khai thác nguồn lực, đầu tư cho nông nghiệp đã có những chính sách hợp lý, trúng lòng dân chưa? Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn hãy soi lại xem vai trò chủ đạo thế nào với kinh tế nông thôn. Nói tích tụ đất đai, sản xuất theo chuỗi rất hay, nhưng xem ra giải pháp thực thi lại quá xa, rất rời rạc.
Hay Bộ Công Thương nói gì về trách nhiệm làm thị trường, mở rộng thị trường để tiêu thụ nông sản, khi cho rằng đem được lô trái cây, hạt gạo, lô tôm, lô cá, chuyến cà phê, hồ tiêu, cao su… xuất khẩu sang các nước là cả một thành công. Trong khi có thấu hiểu được nỗi niễm mỗi mùa thu hoạch, người nông dân như đứng trên lửa với thực trạng “mùa - giá”.
Đặc biệt, với vai trò của mình, Ngân hàng Nhà nước cũng cần trả lời rõ vì sao nông dân vẫn khó khăn trong việc vay vốn làm ăn. Hiện nay ngành ngân hàng có 9 chương trình lớn của Chính phủ liên quan đến vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, trong đó có nhiều chương trình của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn bao phủ các vùng miền, với nhiều đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm.
Hay gần đây, Chính phủ có gói cho vay 100.000 tỷ đồng dành cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng nhiều nông dân chưa tiếp cận được. Như trăn trở của một nông của tỉnh Long An: “Tôi là nông dân đầu tư rất nhiều về cả chăn nuôi và trồng trọt nên vốn cần rất nhiều. Nhưng hiện nay để vay vốn ngân hàng vẫn chưa tiếp cận được. Chính phủ có gói cho vay 100.000 tỷ đồng, khi nào chúng tôi tiếp cận được?".
Nông nghiệp được xác định là trụ đỡ của nền kinh tế, nhưng đầu tư cho trụ đỡ này rõ ràng chưa xứng tầm. Nhìn từ hệ thống đê điều ở các tỉnh phía Bắc, hệ thống thủy nông, hồ chứa nước ở Tây nguyên, Tây Nam bộ khi biến đổi khí hậu ngày một khắc nghiệt, đang đặt ra những vấn đề không nhỏ. Vậy quy hoạch thủy lợi thế nào, đê bao, cống tưới tiêu, hồ chứa nước đang xuống cấp tháo gỡ ra sao, nguồn tiền thu xếp từ đâu? Việc tạo ra những giống cây, con đáp ứng cho những thay đổi trong cơ cấu, quy hoạch của từng vùng đất cũng đang bày ra đủ nỗi lo.
Cải cách nền nông nghiệp theo hướng hiện đại là không thể khác. Nhưng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn quá mỏng, quá ít nên rất cần những chính sách ưu đãi từ vĩ mô. Nhiều vùng quê đã trở thành xã, huyện nông thôn mới, với điện - đường - trường - trạm, trụ sở khang trang, nhưng thực chất bền vững trong mưu sinh của nông dân đòi hỏi phải có chiến lược dài hơn.
Đất nước tăng trưởng, nhà nông có tăng trưởng theo không? Nhìn thực trạng đền bù cho nhà nông khi thu hồi đất chưa thỏa đáng kéo theo kiện tụng đông người chưa giảm, không thể không suy nghĩ. Nỗi lo của nhà nông là không còn phải mãi tự bơi trước những sản phẩm, hàng hóa do mình làm ra mỗi mùa vụ.