Theo ghi nhận của ĐTTC, một trong những lý do quan trọng để người dân chọn hay không là việc kết nối từ ga metro đến nơi họ cần đến.
Kết nối chưa… đồng bộ
Trưa ngày 9-1, chúng tôi có mặt ở bãi giữ xe hai bánh tại công viên 23-9 (quận 1) để vào ga Bến Thành. Mặc dù giữa trưa, nhưng bên trong bãi xe đầy ắp xe gắn máy, ngay cửa ra-vào bãi xe tấm biển “tạm ngưng nhận xe” và “bãi xe đã đầy” được dựng lên.
Trên đường Lê Lai- ngay cửa ra vào bãi xe, hàng chục người ngồi trên xe máy, trong đó nhiều chiếc tràn xuống lòng đường vẫn kiên nhẫn ngồi trên xe để chờ bãi xe tiếp nhận lại. Chừng 20 phút chờ đợi, khi lượng xe của khách bên trong lấy đi một phần, bãi xe tiếp tục nhận lại.
Một hành khách kế bên tôi không giấu được sự bực bội, cáu lên: “Chờ gần cả tiếng đồng hồ mới được lên tàu, kiểu này trễ hết công việc, biết vầy phi xe máy cho chủ động”. Đã vậy sau khi gửi xe, nhiều người còn phát cáu khi buộc phải “đánh một vòng” trên những đoạn đường đầy bụi, đá để trở ra cửa chính bãi xe mới vào được cửa xuống nhà ga.
Trong khi đó, nếu những khung lưới rào B40 chỉ cần nới ra chừng 30-40cm, là người gửi xe có thể bước ra ngoài để đi vài chục mét đến cửa xuống nhà ga, thay vì đi vòng hàng trăm mét.
Khi lên tàu, qua trò chuyện một anh khách cho biết, cách đây chừng hai giờ anh chạy xe ô tô từ quận 3 ra ga Bến Thành quận 1, tìm chỗ gửi để lên tàu đi về ga Suối Tiên, sau đó đi thăm người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP (cơ sở 2, TP Thủ Đức).
Tuy nhiên khi ra đến nơi mới biết là khu vực này không có bãi giữ xe ô tô, nên quay xe về gửi ở công ty rồi bắt xe “dân biểu” trở lại. Một chị kế bên chen vô cho biết, nhà chị trên đường Nguyễn Sơn Hà (quận 3) đang đi nuôi bệnh ở Bệnh viện Ung Bướu, tính sơ sơ tiền grab car từ nhà ra ga Bến Thành (để đi tiếp đến ga Đại học Quốc gia), từ ga này vô bệnh viện hai bận đi về mất gần 200.000 đồng, nếu mai mốt hết miễn phí phải mua vé thêm 40.000 đồng nữa cũng mất gần 250.000 đồng cả đi lẫn về.
Đến ga An Phú, chúng tôi xuống tàu và theo cầu bộ hành để sang bên kia đường đón xe buýt như hướng dẫn của anh nhân viên ở đây. Tuy nhiên, trạm xe buýt tại đây chủ yếu là các tuyến xe chạy cố định lâu nay, còn những xe buýt “kết nối tuyến metro số 1” vừa khai trương hôm 20-12, sau hơn 20 phút chờ đợi vẫn chưa thấy chiếc nào chạy đến.
Chúng tôi tiếp tục thử nghiệm trở lại nhà ga và đi tiếp ga Suối Tiên, trên tàu và tại các nhà ga đoàn tàu đi qua phần lớn là các bạn trẻ, ông bà già đi chơi cho biết, tụ tập lại “checkin”; một số học sinh mặc đồng phục, nhân viên một số công ty đeo bảng tên đi làm tranh thủ giờ nghỉ trưa “tua” một vòng từ ga đầu đến ga cuối và ngược lại… để ngắm cảnh.
Một em học sinh trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho biết, nhóm bạn của em tranh thủ giờ nghỉ trưa rủ nhau đi metro chụp hình. “Do đang miễn phí vé nên tụi con tranh thủ, chứ mai mốt đi về mất gần 100.000 đồng chắc không có đi”- một em chia sẻ.
Cần sự thuận tiện hơn
Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các ga metro đều có bãi giữ xe máy để người dân gửi xe, nhưng không có bãi gửi ô tô. Và các bãi xe này chỉ giữ xe đến 22 giờ, chỉ một số ít có giữ xe qua đêm như bãi xe tại ga An Phú. Việc này cũng gây bất tiện cho không ít người, nhiều người làm việc ca đêm không thể gửi xe, do đó họ không thể chọn metro làm phương tiện đi lại.
Các phương tiện công cộng như xe buýt kết nối với metro cũng chưa thật sự tốt và thuận tiện, nên hiện nay nhiều người đến và đi sau khi đến ga cuối vẫn chọn taxi hay xe ôm truyền thống, xe công nghệ để đi tiếp.
Chị H. nhà ở phường Tăng Nhơn Phú (TP Thủ Đức) làm việc tại Tòa án TP cho biết, bình thường chị đi xe máy đến cơ quan làm việc mất hơn 1 tiếng đồng hồ. Mấy hôm nay chị “test” việc đi làm bằng metro, việc đi lại khá thuận lợi, vì từ nhà chạy xe ra bãi gửi rồi lên metro đi, đến ga Nhà hát TP xuống đi bộ vô cơ quan cũng không quá xa. Nhưng một số bạn bè của chị công ty khá xa nhà ga trong khi các tuyến xe buýt kết nối cố định chưa có, những tuyến có chạy qua thì giờ giấc chưa ổn định, nên nhiều khi việc đi làm bị trễ.
17 tuyến xe buýt với 150 phương tiện được đầu tư mới, chạy bằng điện, sức chứa 30-60 chỗ đi vào hoạt động từ ngày 20-12 cùng với tuyến metro số 1. Và 17 tuyến xe buýt này có trợ giá nhà nước nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi chọn metro đi đến một số nơi khác.
Các tuyến hoạt động từ 5 giờ đến 22 giờ hàng ngày, theo khung giờ của metro số 1; thời gian giãn cách mỗi chuyến từ 8-20 phút. Giá vé áp dụng 5.000-6.000 đồng mỗi lượt đối với nhóm hành khách bình thường, và 3.000 đồng cho học sinh, sinh viên; vé tập 30 vé có giá 112.500 đồng. Người cao tuổi, khuyết tật, trẻ em... được miễn phí theo chính sách của TP. Hành khách sử dụng 17 tuyến xe buýt này sẽ được miễn vé 30 ngày, đồng bộ với tuyến metro số 1.
Bà Nguyễn Thị Dạ Thảo, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM, cho biết xe buýt của 17 tuyến này có nhận diện riêng, đặc trưng để người dân dễ nhận biết như xe buýt điện có màu chủ đạo là xanh và vàng; màu sắc bên ngoài xe cách điệu thành các đường gợn sóng. Họa tiết hoa hướng dương, biểu tượng đặc trưng của TP Thủ Đức được trang trí ở hai bên hông xe và có chữ "Xe buýt điện" để dễ nhận diện.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy để việc chọn phương tiện giao thông công cộng đi đến ga metro vẫn còn hạn chế, do xe buýt phải đi qua nhiều cung đường và thường bị tắc đường nên chưa được người dân lựa chọn, nhất là lúc có việc gấp.
Do đó để metro phát huy hiệu quả, trước mắt các phương tiện “kết nối” như xe buýt phải phát huy hiệu quả, phủ rộng, đúng giờ, nhanh… Bên cạnh đó nhiều vấn đề khác, như việc hoạt động của các bãi giữ xe cũng cần chuyên nghiệp hơn để phục vụ người đi metro.