Nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Báo SGGP trân trọng giới thiệu đến bạn đọc chia sẻ của những người làm báo SGGP đã xông pha trên “mặt trận thông tin” trong những ngày TPHCM căng mình chống dịch Covid-19.
Phóng viên ĐƯỜNG LOAN: Đảm bảo dòng chảy thông tin liên tục
Là phóng viên trong mảng chính trị - xã hội, suốt 4 tháng TPHCM trải qua các cấp độ giãn cách xã hội (từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 9-2021), tôi gần như rất hiếm có ngày nghỉ ở nhà. Đây có lẽ là chu kỳ làm việc gần như liên tục dài nhất của tôi sau 15 năm làm báo.
Đặc biệt, trong thời điểm “ai ở đâu, ở yên đó”, ngoài việc rất cần được hỗ trợ lương thực thực phẩm thì người dân cũng cần được cung cấp thông tin một cách nhanh chóng, chuẩn xác về các vấn đề liên quan đến phòng chống dịch bệnh. Vì thế, các phóng viên vẫn liên tục đi thực tế, đi cơ sở, tới các bệnh viện dã chiến, khu cách ly, điểm phong tỏa, các khu phố… ghi nhận tình hình. Ngay cả đêm hôm, cuối tuần, chúng tôi vẫn túc trực, liên hệ các đầu mối để cập nhật, truyền tải các thông tin về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền TPHCM về phòng chống dịch, về chính sách hỗ trợ người dân.
Công việc diễn ra liên tục, rất hiếm ngày được nghỉ ngơi, trong khi giãn cách xã hội nghiêm ngặt, hàng quán không mở, chúng tôi tác nghiệp cả ngày có khi chỉ với gói mì tôm hoặc miếng bánh mì lót dạ. Bây giờ có lúc bất giác nghĩ lại, tôi không hiểu nhờ đâu mình có thể trụ và vượt qua mùa dịch như thế! Có lẽ sức mạnh có được là nhờ tôi luôn nghĩ rằng sự vất vả của mình chưa thấm vào đâu so với áp lực mà các lực lượng tuyến đầu - nhất là các y, bác sĩ - tham gia phòng chống dịch chịu đựng.
Với người làm báo, điều tôi vô cùng trân trọng là có một tinh thần trách nhiệm làm việc và cung cấp thông tin rất nhanh chóng, hiệu quả từ lãnh đạo TPHCM, các quận, huyện, sở, ngành. Dòng chảy thông tin trong mùa dịch vì thế vẫn liên tục, thậm chí còn chảy mạnh, chảy nhanh hơn so với lúc trước. Sự vất vả của phóng viên vì thế cũng vơi bớt nhiều phần.
Càng trân quý hơn khi quán tính đó được duy trì sau mùa dịch Covid-19, lúc nhịp sống xã hội đã trở lại bình thường mới. Giờ đây, người đứng đầu nhiều cơ quan, đơn vị đã có tốc độ trả lời nhanh hơn, hình thức thông tin đa dạng hơn và chủ động hơn trong kết nối với báo chí. Đó cũng là điều mà những người làm báo rất trân trọng, nhờ vậy sớm có thông tin truyền tải đến bạn đọc!
Phóng viên HOÀI NAM: Cảm ơn nghề truyền cho động lực
Một ngày giữa tháng 8-2021, khi làn sóng dịch Covid-19 thứ tư ập đến trên khắp các địa bàn của TPHCM, tôi nhận được cuộc điện thoại lúc nửa đêm của chị Kim Anh trong xóm người Hoa ở phường Tân Thới Hòa (quận Tân Phú, TPHCM) cuống quýt: “Anh ơi chồng em F0 rồi, đang ho, khó thở lắm, làm sao bây giờ?”. Lập tức, hai vợ chồng tôi bật điện thoại livestream chỉ cho chồng chị Kim Anh cách hít sâu, giữ hơi… Cơn ho, khó thở đã giảm xuống.
Sáng hôm sau, tôi cưỡi chiếc CD 125 từ nhà ở đường Lê Văn Sỹ (quận 3) “thông” hơn 10 chốt kiểm soát khẩn cấp mang túi thuốc nghĩa tình điều trị Covid-19 đến trao tận tay chị Kim Anh và chỉ dẫn thêm cách ăn uống, sinh hoạt, giữ vững tinh thần. Cũng trong hôm đó, chị Kim Anh lại gọi điện khẩn khoản báo tin, cả xóm hơn 30 người đều trở thành F0. Giữa đêm tối, cơn mưa nặng hạt, tôi lại phóng xe đi giao những túi thuốc nghĩa tình đến từng nhà có người là F0, hướng dẫn thêm rằng nếu trở nặng phải báo ngay y tế phường đưa đi bệnh viện. Vài hôm sau, tôi nhận được tin cả xóm đã khỏi bệnh.
Mỗi lần nhớ lại những ngày tháng khó khăn đó, tôi nhiều lần tự hỏi: “Động lực, sức khỏe và tinh thần nào đã giúp tôi làm được những điều tưởng chừng không thể đó?”. Cũng như bao phóng viên tác nghiệp giữa tâm dịch, tiếp xúc trực tiếp với F0, tôi cũng có những mối lo cho sức khỏe, tính mạng của bản thân và gia đình.
Thế rồi, khi đã kết nối doanh nhân Lê Thị Giàu với Ban Dân vận Thành ủy TPHCM thực hiện chương trình “Túi thuốc nghĩa tình”, tôi lại lao vào công việc được cho là hiểm nguy lúc bấy giờ. Dù đêm tối, mưa gió, hễ có bất kỳ ai trên địa bàn TPHCM nhắn tin qua điện thoại, Facebook, Zalo, Viber báo bị mắc Covid-19 là tôi lên đường. Yên sau xe và hai bên tay lái chiếc CD 125 của tôi lúc nào cũng treo móc những túi to, bên trong nào túi thuốc nghĩa tình, nào thuốc ho, dầu gió Nhị Thiên Đường… Cứ thế, ròng rã trong gần 3 tháng giữa tâm dịch, nhiều tin bài phản ánh trong trận chiến phòng chống dịch Covid-19 ở TPHCM được đăng tải trên các trang báo SGGP; nhiều “vùng đỏ”, “vùng cam” với hàng ngàn F0 cách ly tại nhà đã vượt qua được đại dịch...
Phóng viên QUANG HUY: Thông tin chưa một phút dừng lại
Tháng 4-2021, TPHCM phát hiện những ca mắc Covid-19 đầu tiên tại quận Gò Vấp, khởi đầu cho một làn sóng dịch Covid-19 lớn chưa từng có ở TPHCM, với bao đau thương, mất mát. Là phóng viên phụ trách mảng y tế, chúng tôi bắt đầu bước vào trận chiến mới. Có hôm phải thức đến nửa đêm chờ thông tin chính thức, rồi chưa kịp chợp mắt, 6 giờ sáng lại tiếp tục cập nhật thông tin mới, chạy đi ghi nhận tình hình tại hiện trường.
Tôi nhớ mãi những hình ảnh khi tác nghiệp tại các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19. Đó là những khuôn mặt đẫm mồ hôi, đôi bàn chân kiệt sức, đôi bàn tay rã rời của nhân viên y tế, bác sĩ khi di chuyển như con thoi giữa phòng bệnh để cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân. Mắt chúng tôi nhòe đi khi chứng kiến cảnh đội ngũ thầy thuốc gấp gáp, thở không ra hơi tại Khoa K1, tòa nhà Cát Tường Bệnh viện Hùng Vương - nơi mà chuyện sinh tử của sản phụ mắc Covid-19 gần như cách nhau chỉ trong một hơi thở - để tìm mọi cách cứu sản phụ khỏi tay thần chết. Đó là khi chứng kiến cảnh một bác sĩ của đoàn bác sĩ tỉnh Thái Bình chi viện cho TPHCM nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 6 (phường An Khánh, TP Thủ Đức) khóc nấc khi biết tin cha mất mà không thể về tiễn cha lần cuối.
Khi tác nghiệp, chúng tôi luôn phải đối diện với nỗi lo bản thân có thể mắc Covid-19 và lây nhiễm cho người thân, đồng nghiệp. Tuy nhiên, cũng giống như đội ngũ y, bác sĩ, quân đội, công an nơi tuyến đầu chống dịch, chưa bao giờ những người làm báo chúng tôi bỏ “trận địa” mà luôn động viên nhau vượt qua, cùng tham gia chống dịch bằng ngòi bút của mình.
Phóng viên THÁI PHƯƠNG: Dành tâm sức, làm việc sáng tạo vượt qua khó khăn
Ngày 21-6 đúng 1 năm trước, tôi tham gia tác nghiệp trong chương trình “Xe gạo nghĩa tình” do Báo SGGP tổ chức. Đó là lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhiều khu vực bị cách ly, phong tỏa, người dân thiếu thốn lương thực, thực phẩm. Tôi nhớ mãi những giọt nước mắt, từng lời cảm ơn của bà con khi nhận phần quà nghĩa tình từ Báo SGGP trao tặng.
Khi dịch Covid-19 xảy ra, TPHCM giãn cách xã hội, người dân hạn chế ra đường, nhưng với đặc thù công việc, người làm báo chúng tôi vẫn phải xông pha khắp nơi để tường thuật đầy đủ, khách quan thông tin, hình ảnh lực lượng tuyến đầu chống dịch cùng các hoạt động chăm lo nhân dân. Xông pha vào những điểm “nóng”, tôi cũng như nhiều người khác e ngại sẽ mang mầm bệnh về lây cho người thân. Cho nên, không riêng gì tôi, lúc ấy nhiều anh chị làm báo phải tự cách ly mình với gia đình.
Trong một lần đến tác nghiệp trong khu nhà trọ công nhân, cảm thông với những nữ công nhân mang thai gần ngày sinh nở nhưng không có chi phí đi sinh, tôi đề đạt ý tưởng với lãnh đạo cơ quan và chương trình “Đồng hành vượt cạn” rất nhân văn đã ra đời, kịp thời giúp hàng ngàn nữ công nhân có chi phí đi sinh. Vậy mới thấy, trong khó khăn nếu ta không chùn bước, dành tất cả tâm sức để làm cũng như sáng tạo trong mọi việc thì bản thân sẽ có sức mạnh để vượt qua.