Nhìn vào cơ cấu vốn của DN Việt Nam hiện nay dễ dàng nhận thấy các DN đang dựa vào 2 nguồn tài chính là tín dụng ngân hàng và vốn phát hành cổ phiếu. Dường như các DN mới chỉ quan tâm đến thị trường trái phiếu trong vài năm gần đây. Như vậy trái phiếu có thể coi là kênh huy động vốn tiềm năng của DN.
Khó càng thêm khó
Hiện nay, lãi suất cho vay của NHTM đã trên 20%. Với mức này, khó DN nào có lãi để bù đắp được chi phí vay vốn. Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2010, cho thấy chỉ 20% DN khảo sát chịu đựng được mức lãi suất vay 16-20%/năm (vào thời điểm đầu năm 2010); nhiều DN cho rằng họ sẽ thu nhỏ quy mô sản suất nếu lãi vay ngân hàng tiếp tục gia tăng cùng với điều kiện kinh doanh khó khăn hơn.
Qua khảo sát về cơ cấu kỳ hạn nguồn vốn ngân hàng, cho thấy hiện nay khó có khả năng ngân hàng có thể cung ứng nguồn vốn có kỳ hạn dài. Cơ cấu nguồn vốn trung và dài ở khu vực ngân hàng chỉ chưa tới 15% tổng nguồn vốn; các công cụ chuyển vốn ngắn thành dài hạn ở các NHTM cũng rất hạn chế (nếu như không muốn nói là không). Và thực tế từ năm 2008 đến nay hệ thống NHTM cũng luôn trong tình trạng khó khăn về thanh khoản, thường “lấy ngắn nuôi dài”.
![]() |
Quy mô thị trường trái phiếu công ty và trái phiếu chính phủ. |
Diễn biến theo chiều hướng không thuận lợi ở TTCK, đặc biệt từ đầu năm 2011 đến nay, càng làm DN gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn từ kênh phát hành cổ phiếu. Có nhiều DN đã hoãn lại kế hoạch tăng vốn. Áp lực trả cổ tức cũng là vấn đề rất lớn đối với các DN.
Trong bối cảnh khó khăn với những kênh huy động vốn chính như trên, trước khi nghĩ đến các kênh huy động khác, bản thân các DN nên xem xét lại cấu trúc vốn hiện có của mình, xây dựng chiến lược sử dụng hiệu quả nguồn vốn này.
Theo đó, các giám đốc tài chính (CFO) của DN phải đưa ra được kế hoạch mang tính dài hạn trong công tác sử dụng vốn. Những chia sẻ và các bài học kinh nghiệm từ các tổ chức tài chính, các chuyên gia kinh tế và từ chính các DN biết vượt qua khó khăn rất quan trọng, cần được tham khảo kỹ.
Kênh huy động tương lai
Những năm gần đây thị trường trái phiếu Việt Nam đã có bước phát triển mạnh hơn. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu nội địa vẫn chủ yếu là trái phiếu chính phủ với quy mô chung của thị trường trái phiếu khoảng 16% GDP; trong đó trái phiếu chính phủ chiếm khoảng 13% và trái phiếu công ty chỉ hơn 3% GDP, chiếm tỷ trọng khoảng 20% tổng quy mô thị trường.
So với các nước trong khu vực, quy mô thị trường trái phiếu công ty Việt Nam quá nhỏ, tức còn nhiều tiềm năng. Xét về tình hình phát triển, thị trường trái phiếu DN Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể về quy mô và thị phần từ năm 2006 và hiện tại (ước tính giữa năm 2011) lên tới khoảng 3,5 tỷ USD.
Gần đây thị trường trái phiếu DN sơ cấp tăng mạnh cả về giá trị và quy mô. Năm 2010 tăng 49% so với năm 2009 và đạt quy mô trên 50.000 tỷ đồng. Về công ty phát hành, nếu như những năm trước, các nhà phát hành chủ yếu là các DN nhà nước lớn như Vinashin, Vinaconex, EVN, Petro Việt Nam, Lilama, Tổng công ty Thép Việt Nam… những năm gần đây nhà phát hành đã là các CTCP như STB, SHB, LienVietBank, HBB, SSI, Vincom, T&T Hà Nội…
Chiến lược gọi vốn
Nếu có cái nhìn ngắn hạn, rõ ràng trái phiếu công ty chưa phải là giải pháp thay thế cho các nguồn vốn khác của DN nước ta. Tuy nhiên, nếu nhìn trung hạn, sẽ thấy một tiềm năng lớn để gọi vốn từ thị trường còn đang bỏ ngỏ. Các DN Việt Nam cần có chiến lược về vốn ở tầm trung hạn và xây dựng cơ cấu vốn trái phiếu để từng bước đưa vào chiến lược tài chính của mình.
Việc xây dựng kỹ càng chiến lược tài chính sẽ đảm bảo việc huy động vốn trái phiếu nói riêng và huy động vốn nói chung thành công. Hơn nữa điều này còn gia tăng uy tín của DN, góp phần đáng kể vào việc phát hành thành công cả cổ phiếu và trái phiếu. Ở nước ta hiện nay chưa tiến hành đánh giá việc công ty nào đó phát hành trái phiếu không thành công (lãi suất hợp lý).
Nhưng trong một vài năm nữa, nếu DN nào phát hành trái phiếu không thành công, chắc chắn nhà đầu tư cũng sẽ gạch tên công ty đó trong danh mục đầu tư của mình. Một công ty có lượng trái phiếu lớn và có mức độ giao dịch lớn sẽ tạo danh tiếng và chỉ số trái phiếu trên thị trường. Và đó là điều nhà quản trị chiến lược của các công ty cần nghĩ đến và đặt viên gạch đầu tiên cho nó ngay từ bây giờ.