Trái phiếu doanh nghiệp sắp được 'họp chợ'

(ĐTTCO) - Việc Bộ Tài chính sắp đưa 'chợ' giao dịch trái phiếu đoanh nghiệp vào hoạt động được kỳ vọng là cú hích cho thị trường này trong thời gian tới.
Trái phiếu doanh nghiệp sắp được 'họp chợ'

Hơn 130.000 tỷ đồng đáo hạn đến cuối năm

Sau một thời gian “đóng băng”, trong năm 2023 thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã ghi nhận các đợt phát hành TPDN thành công. Thống kê từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tính đến đầu tháng 6-2023, tổng giá trị phát hành TPDN khoảng 35.513 tỷ đồng với 7 đợt phát hành ra công chúng, 19 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 29.992 tỷ đồng.

Nhìn chung, thị trường TPDN đã có tín hiệu tích cực nhờ các chính sách được ban hành liên tục thời gian qua. Trong đó, Nghị định 08 của Chính phủ ban hành từ tháng 3-2023, sửa đổi, bổ sung một số quy định của các nghị định về TPDN riêng lẻ, nhằm giải quyết những khó khăn tạm thời và kỳ vọng khôi phục niềm tin của thị trường TPDN. Theo đó, không chỉ các doanh nghiệp đã phát hành thành công các lô TPDN mới, mà các doanh nghiệp còn có căn cứ pháp lý để tái cơ cấu, gia hạn TPDN hoặc thanh toán TPDN bằng tài sản khác trong vòng 2 năm.

Thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) cho thấy, không ít doanh nghiệp đàm phán với nhà đầu tư thành công trong việc gia hạn, chuyển đổi thành tài sản, trong đó có một số doanh nghiệp phát hành lớn như: Bulova, Hưng Thịnh Land… Mới đây nhất, trong tháng 6, Novaland cũng đã đàm phán với các trái chủ và gia hạn thành công 2 lô TP có tổng giá trị phát hành 2.300 tỷ đồng, thời hạn trả đến năm 2025. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng tiếp tục mua lại TPDN trước hạn, lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 99.041 tỷ đồng, tăng gần 51% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, theo tính toán của các công ty chứng khoán, trong 6 tháng còn lại, tổng giá trị TPDN sẽ đáo hạn là hơn 130.000 tỷ đồng, phần lớn thuộc nhóm bất động sản với 87.846 tỷ đồng (chiếm 52%) và tiếp đến là nhóm ngân hàng với 30.261 tỷ đồng (chiếm 17,8%).

Thống kê của FinnGroup cho thấy, đến nay, thị trường đã ghi nhận hơn 100 tổ chức phát hành chậm thực hiện nghĩa vụ nợ TPDN với tổng giá trị hàng trăm ngàn tỷ đồng. Theo tính toán của Công ty Chứng khoán HSC, trong kịch bản cơ sở, khối lượng TPDN chậm thanh toán có thể lên đến 77.400 tỷ đồng vào cuối năm nay.

Đưa TP riêng lẻ lên sàn

Bên cạnh sự thuận lợi của việc gia hạn TP trong thời gian qua thì thêm một cú hích mới đang được trông chờ: sự ra đời của sàn giao dịch TP. Theo Bộ Tài chính, dự kiến trong tháng 7 này sẽ đưa sàn giao dịch TPDN vào hoạt động. Việc đưa thị trường TPDN với quy mô hơn 1,1 triệu tỷ đồng (chiếm 11,6% GDP năm 2022) vào giao dịch chính thức kỳ vọng sẽ tăng thanh khoản cho thị trường TP riêng lẻ thứ cấp, giúp giao dịch thuận lợi hơn, đồng thời tăng tính minh bạch và chuẩn hóa của thị trường này, từ đó lấy lại niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường TPDN.

Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) hiện đang phối hợp Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) xây dựng hệ thống giao dịch TP riêng lẻ của HNX và hệ thống đăng ký, lưu ký, thanh toán giao dịch TP riêng lẻ của VSD với cơ chế kết nối và đồng bộ thông tin, tài khoản nhà đầu tư đăng ký giao dịch để tăng cường quản lý, đảm bảo nhà đầu tư trong giao dịch TP riêng lẻ đúng đối tượng theo quy định của pháp luật.

TP riêng lẻ được giao dịch theo phương thức thỏa thuận với quy mô giao dịch thường khá lớn nên việc thanh toán giao dịch sẽ được VSD thực hiện theo cơ chế thanh toán tức thời theo từng giao dịch, với chu kỳ thanh toán T+0. Dự thảo quy chế đăng ký, lưu ký, thanh toán giao dịch trái phiếu riêng lẻ sẽ được ban hành trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các công tác chuẩn bị của VSD cơ bản hoàn thành, đảm bảo hệ thống đăng ký, lưu ký, thanh toán giao dịch TP riêng lẻ sẵn sàng đi vào hoạt động.

Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, việc mở sàn giao dịch TP riêng lẻ sẽ giúp các trái chủ có thêm cơ hội tự bán được TPDN nếu tìm được người mua và từ đó cũng sẽ giúp DN giảm phần nào áp lực đòi nợ của trái chủ.

“Nhiều nhà đầu tư đang nắm giữ TPDN đặt kỳ vọng vào sự giám sát và năng lực chế tài của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Một khi có giao dịch thứ cấp được hình thành thì cả 2 bên giao dịch đều phải tuân thủ các thỏa thuận với nhau và có cơ quan chức năng giám sát việc tuân thủ đó. Nếu một bên vi phạm cam kết thì có biện pháp chế tài, tránh rủi ro lan rộng và nhà đầu tư mất niềm tin như hiện nay”, lãnh đạo Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho biết.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FinnGroup: "Nhà đầu tư cần biết, trên thực tế, thông qua các ngân hàng và công ty chứng khoán… bên mua và bên bán đã thỏa thuận với nhau, việc lên sàn là hợp thức hóa giao dịch của đôi bên. TPDN không thanh khoản như cổ phiếu, mà đưa TPDN lên sàn là nhằm minh bạch thông tin, góp phần xác minh tư cách trái chủ minh bạch, hạn chế tranh chấp"

Các tin khác