Trăm năm vọng lại tiếng đờn - Giữ tiếng đờn, dựng bản sắc quê hương

(ĐTTCO) - Câu ca, tiếng đờn đâu chỉ là âm nhạc, đó là hơi thở, là hồn cốt văn hóa vùng đất phương Nam. Từ thuở người xưa mở cõi, âm điệu ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ đất Chín Rồng.

 Bảo tồn và phát huy giá trị đờn ca tài tử (ĐCTT) để xây dựng bản sắc và thương hiệu văn hóa Nam bộ là câu chuyện cần sự chung tay, liên kết đa ngành, để di sản phương Nam xứng tầm thế giới.

Một chương trình tái hiện không gian ĐCTT trên sông nước tại tỉnh Đồng Tháp

Một chương trình tái hiện không gian ĐCTT trên sông nước tại tỉnh Đồng Tháp

Tre già, măng chưa đủ cứng

ĐCTT có mất đi không? Nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ Nguyễn Thanh Lợi khẳng định: “ĐCTT không bao giờ mất đi, bởi nó thấm vào văn hóa đất phương Nam từ rất lâu, điều đáng lưu tâm hiện nay chính là cách chúng ta bảo tồn và phát huy ĐCTT như thế nào?”.

Bảo tồn hay phát huy giá trị loại hình âm nhạc nào đó cũng cần trình diễn, sáng tạo và truyền dạy. Tuy nhiên, câu ca, tiếng đờn vẫn còn đó nhưng thế hệ khai mở đã ra đi, tre già nhưng măng vẫn chưa kịp mọc hoặc chưa đủ cứng để thay thế, là nỗi lo của TS Mai Mỹ Duyên về ĐCTT hiện nay. “Từ góc độ nghiên cứu và khảo sát của cá nhân tôi, cũng như từng chấm qua nhiều cuộc thi ĐCTT ở các tỉnh, thành, điều trăn trở hiện nay chính là nghệ nhân đờn, tài tử đờn thiếu hụt ở cả 21 tỉnh, thành. Có nơi CLB ĐCTT sinh hoạt phải thuê người đờn ở CLB khác sang hỗ trợ”, TS Mai Mỹ Duyên chia sẻ.

Việc truyền nghề ĐCTT hiện nay cũng cần nhìn nhận lại, khi lớp nghệ nhân trẻ vẫn chưa đủ lực thay thế. TS Mai Mỹ Duyên phân tích: “Có người đi học đờn ca vì thích, thích bài bản nào học bài bản đó, có người đi học để làm sinh kế, nên biết đờn vài bài bản là bắt đầu chạy show rồi. Lớp nghệ nhân trẻ chưa đủ lực thay thế cũng là vì vậy. Để theo học ĐCTT bài bản phải có thời gian dài, học từ những bài bản nhỏ đến lớn rồi mới tới 20 bài bản tổ. Việc truyền nghề ĐCTT chỉ lớt phớt như vậy rất cần nhìn nhận lại, học không trọn vẹn thì thực hành cũng không hay, 20 bài bản tổ ít người rành rẽ cũng vì vậy. Nhưng nói đi cũng cần nhìn lại, chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân vẫn chưa xứng đáng, áp lực mưu sinh khiến người ta đành để chuyện ĐCTT lại phía sau dẫu trong lòng còn nhiều đam mê”.

Và muốn bảo tồn điều gì đó, trước hết cần phải gắn với người trẻ, từ đội ngũ kế thừa đến lớp khán giả. Nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ Nhâm Hùng nhấn mạnh: “Công tác bảo tồn triển khai như thế nào cũng phải chú ý đến lực lượng trẻ, từ nghệ nhân đến khán giả. Bởi giới trẻ là người đương thời, nếu họ quay lưng thì mình bảo tồn cho ai? Và người trẻ nếu yêu thích, họ sẽ tự có cách bảo tồn những giá trị di sản, phát triển hài hòa với nhịp sống đương đại”.

Bảo tàng động về ĐCTT

Để bảo tồn và phát triển ĐCTT hẳn không thể bỏ qua việc giáo dục, đào tạo; lớp trẻ biết yêu thích và thưởng thức ĐCTT quan trọng không kém đào tạo lớp người kế nghiệp. Tuy nhiên, đưa ĐCTT vào trường học có phải là giải pháp thiết thực? NSƯT Huỳnh Khải nói: “Có rất nhiều loại hình âm nhạc dân tộc, nếu đưa hết vào trường học thì có phải là quá sức cho học sinh không? Chúng ta có thể tính đến chuyện mở trang web bên cạnh web của trường, để các em truy cập vào đó tìm hiểu về âm nhạc dân tộc, về ĐCTT. Trước hết chúng ta cần có một tài liệu chung về ĐCTT để đưa vào đó. Và tài liệu cũng nên thể hiện thêm bằng những ngôn ngữ khác như tiếng Anh, vì chúng ta đã là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, thì hò, xự, xang, xê, cống cũng phải được người nước ngoài biết đến. Có thể họ không ca được nhưng đọc qua tài liệu họ có thể hiểu ĐCTT của chúng ta có gì hay và đặc sắc”.

ĐCTT có sức sống hơn 100 năm và lan tỏa đến 21 tỉnh, thành trong cả nước, tuy nhiên vẫn chưa có một bảo tàng thực sự để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa này. “Có thể xây dựng không gian ĐCTT hay bảo tàng động về ĐCTT thì quá tốt. Với bảo tàng thông thường, chúng ta trưng bày cổ vật thì với bảo tàng động, chúng ta thiết kế ở đó là không gian có nghệ nhân đờn, ca. Tái hiện lại những dạng thức thực hành ĐCTT như hát ở sân nhà, ở góc vườn hay trên ghe... Có khu vực dành cho tác giả viết lời ca thế nào, không gian để người thợ làm ra nhạc cụ trong ĐCTT, chẳng hạn cây đờn kìm được làm ra thế nào... Và chính nơi này, chúng ta có thể kết hợp để khai thác du lịch mang lại nguồn lợi kinh tế, bên cạnh bảo tồn và phát huy giá trị ĐCTT”, TS Mai Mỹ Duyên phân tích thêm. 

Sự thay đổi thị hiếu nghe nhìn của khán giả là điều không thể tránh khỏi, nhưng không phải vì thế mà di sản ĐCTT đành chấp nhận mai một. Chúng ta đã có “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, tại sao không đưa ĐCTT thành một trong những nguồn tài nguyên của ngành công nghiệp văn hóa? Dùng văn hóa mở đường cho kinh tế là cách làm đang được nhiều quốc gia áp dụng, một bảo tàng động hay không gian cho ĐCTT là phương án cần tính đến. Khai thác được điều này không chỉ bảo tồn và phát huy ĐCTT mà còn là cách để chúng ta dùng di sản quê hương để xây dựng bản sắc cho chính mình.

Trong tiến trình phát triển, sự thiếu hụt về vật chất là rất dễ nhận thấy nhưng thiếu vắng về tinh thần như cơn mưa dầm mà rất lâu sau đó, người ta mới nhận ra nó để lại hậu quả như thế nào. Công tác bảo tồn và phát huy ĐCTT cũng vậy, giới nghiên cứu văn hóa và nghệ nhân đều nhìn nhận, ĐCTT đã có sự biến đổi về dạng thức thực hành, nhưng chính sách hỗ trợ chưa xứng tầm nên chỗ còn, chỗ trống.

Liên hoan ĐCTT Quốc gia lần 3 diễn ra tại TP Cần Thơ từ ngày 7-4 đến 12-4, cũng khiến nhiều người chạnh lòng khi không có nổi một hội thảo khoa học về ĐCTT trong khuôn khổ liên hoan. “Có khá nhiều vấn đề trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị ĐCTT mà chúng ta cần một hội thảo khoa học để nhìn nhận lại và cùng nhau tìm giải pháp, nhưng năm nay không có cũng là một điều khá tiếc”, TS Mai Mỹ Duyên chia sẻ.

Soạn giả NHÂM HÙNG - Nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ:

Không trách được khi nói ĐCTT cũ kỹ


Nhiều năm qua, không ít cuộc thi, liên hoan ĐCTT cấp huyện, tỉnh, liên tỉnh, quốc gia được tổ chức, nhưng hiệu quả phát huy ĐCTT có như chúng ta mong đợi? ĐCTT được lên truyền hình, nhưng khán giả có thật sự mặn mà? Chúng ta cần nhìn nhận lại mọi thứ từ hiệu quả thực tế các cuộc thi để tìm giải pháp. Đưa lên truyền hình thì phải truyền hình hóa, chứ không thể bắt ban đờn ngồi đó để ghi hình rồi phát là xong. Làm như vậy khán giả không hiểu về đờn ca, có nghe cũng không cảm được. Trên nền tảng 20 bài bản tổ của ĐCTT, tác giả viết lời ca nhưng bản đờn mới vẫn chưa có người mạnh dạn viết, chưa có cuộc thi dành cho việc này. Có người nói ĐCTT cũ, mình không trách được.

Ông VÕ ANH TUẤN - Giám đốc Nhà Văn hóa thiếu nhi TP Cần Thơ:

Phải đưa ĐCTT trở thành sản phẩm du lịch


Góc độ quản lý nhà nước, có mô hình hay thì nên nhân rộng ra, đưa ĐCTT trở thành sản phẩm du lịch, từ đó hỗ trợ nghệ nhân, như vậy ta mới có lực lượng hùng hậu, chuyên nghiệp.

Đừng nghĩ làm du lịch là phải hoành tráng, cần sân khấu rộng lớn, du lịch có thể ca mộc, đờn mộc, khách du lịch ngồi quây quần để thưởng lãm những tinh túy trong bài bản của ĐCTT Nam bộ. Khi du khách mê, muốn học ta vẫn có thể dạy ngay tại đó, góp phần tạo nên tính sinh động trong công tác quản lý, truyền bá loại hình nghệ thuật này bằng sản phẩm du lịch đặc trưng của người dân phương Nam.

Thầy LÊ ĐÌNH BÍCH - Giảng viên Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ:

Giới thiệu để bạn bè quốc tế nghe âm nhạc ĐCTT


Ngoài thời gian ở trường, tôi dành hầu hết thời gian để nghiên cứu âm nhạc ĐCTT Nam bộ, có sự so sánh đan xen giữa các loại nhạc cụ, đưa vào giảng đường đại học dạy cho sinh viên các nước: Anh, Pháp, Mỹ… biết và cảm thụ được các loại nhạc cụ dân tộc của Việt Nam nói chung, ĐCTT Nam bộ nói riêng. Vẻ đẹp ĐCTT của miền Tây cũng như tất cả âm nhạc trên thế giới chịu sự ảnh hưởng của địa lý, êm đềm như nước chảy, như cô gái chèo xuồng trên sông. Do đó, mình giới thiệu cho họ nghe âm nhạc chứ không phải lời nhạc, chỉ cho họ vẻ đẹp âm nhạc của vùng sông nước, cảm thụ qua hình tượng âm thanh của âm nhạc, từ âm thanh đó họ nhìn ra bằng hình ảnh.

Các tin khác