Trần ai mua nhà hợp đồng góp vốn

(ĐTTCO) - Chị Bình mua 1 căn nhà tại dự án của Công ty L. ở quận 9 từ năm 2009 thông qua hình thức hợp tác đầu tư. 
Trần ai mua nhà hợp đồng góp vốn
Đây là dự án nhà ở được UBND TPHCM có quyết định giao đất từ năm 2003, theo quy định Công ty L. phải xây nhà xong và ra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất mới được phép bán nhà cho khách hàng. Việc chị Bình và chủ đầu tư thực hiện “hợp đồng góp vốn” thực chất là lách luật, qua đó  khách hàng cũng góp phần chia sẻ gánh nặng tài chính cho chủ đầu tư khi doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính xây cùng lúc hàng trăm căn nhà rồi mới bán.
Tại các dự án nhà ở, hình thức mua nhà nói trên khá phổ biến. Sau khi khách hàng nhận đất sẽ tự bỏ tiền ra để xây nhà (theo quy hoạch 1/500 của dự án), sau đó hoàn công (cập nhật tài sản trên đất). Lúc này chủ đầu tư vẫn đứng tên chủ sở hữu, tiếp theo 2 bên mới chính thức làm hợp đồng mua bán theo quy định, khi đó người mua mới thực sự thành “chính chủ” sở hữu ngôi nhà. 

Tuy nhiên trên thực tế, từ lúc khách hàng “góp vốn” đến lúc có được căn nhà là cả 1 đoạn trường trần ai, hồi hộp và chờ đợi. Tại nhiều dự án khách hàng đóng 80-90% giá trị, thậm chí 95% nhưng vẫn không nhận được đất để xây nhà. Có khách hàng may mắn hơn cũng nhận được đất, nhưng không xây được nhà vì chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, hạ tầng chưa xong…
May mắn hơn nữa, khách hàng được nhận đất, được xây nhà nhưng mòn mỏi chờ sổ vì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (chủ đầu tư đứng tên) đã được đưa đi cắm ngân hàng, thậm chí có nơi chủ đầu tư còn đem cắm “xã hội đen”. 

Khá nhất là sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chủ đầu tư bàn giao cho khách hàng tự quản lý, khi nào xây nhà xong liên hệ lại với chủ đầu tư để thực hiện hoàn công. Tuy nhiên trên thực tế sau giữ sổ, xây nhà xong khách hàng liên lạc chủ đầu tư để làm thủ tục hoàn công lại gặp rất nhiều khó khăn.
Chị Bình cho biết sau khi xây nhà xong, chị chuẩn bị một số giấy tờ cần thiết cùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đó đưa sang công ty để đại diện công ty ký tên và đóng dấu nộp cho cơ quan chức năng, nhưng cả tháng trời vẫn không gặp được người đại diện.
“Khách hàng đã đóng tiền đất đủ 100%, bỏ tiền xây nhà, việc của công ty chỉ ký tên đóng dấu để tôi đi xin cấp giấy, mọi phí, thuế tôi chịu hết, nhưng họ cứ né tránh, không biết khi nào mới xong” - chị Bình bức xúc.

Lãnh đạo UBND TPHCM từng yêu cầu cơ quan cấp giấy phải tiến hành cấp giấy cho những trường hợp mua nhà như nói trên, vì họ đã đóng đủ tiền cho chủ đầu tư. Nhưng đến nay vẫn chưa có trường hợp nào được cấp giấy theo chỉ đạo của lãnh đạo TP.
Nhiều ý kiến cho rằng đối với những trường hợp dự án đã hoàn thiện hạ tầng, chủ đầu tư đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước, khách hàng đang giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo biên bản bàn giao của chủ đầu tư và đã góp đủ vốn cho chủ đầu tư, xây nhà xong thì các cơ quan chức năng cần xem xét cấp thẳng giấy chủ quyền mới cho khách hàng nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Bên cạnh đó, cần có biện pháp chế tài, xử lý những chủ đầu tư cố tình né tránh nghĩa vụ của mình với khách hàng.

Các tin khác