Xuất xứ: đánh đố người mua
Một trong những cách thức mà người tiêu dùng đang truyền tai nhau thời gian qua để có thể biết được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa mình mua, chính là xem thông tin trên nhãn sản phẩm.
Theo quy định, thông tin này được cấp phép và kiểm soát chặt chẽ bởi cơ quan chức năng, bắt buộc phải thể hiện các nội dung: tên hàng hóa, tên và địa chỉ của tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, xuất xứ hàng hóa. Đối với hàng hóa được nhập khẩu và lưu thông tại Việt Nam, ghi tên và địa chỉ của phía sản xuất, địa chỉ nhà nhập khẩu.
Về xuất xứ hàng hóa phải ghi cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi”, kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó. Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó và không được viết tắt. Thế nhưng khi đi thực tế một vài điểm bán mới thấy cách ghi xuất xứ hàng hóa khá là đánh đố người mua.
Thế nhưng, tại cửa hàng Miniso, chuỗi cửa hàng luôn tự quảng bá là đến từ Nhật Bản, chúng tôi thấy hầu hết hàng hóa bày bán có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Xem thử một vài món hàng tại đây mới thấy cách ghi nhãn phụ khá sơ xài, thậm chí gây khó cho ai quan tâm đến xuất xứ.
Cụ thể, khi xem bộ dao cạo râu cho nam thì nhãn phụ phía sau chỉ ghi tên sản phẩm, giá bán, tên nhà nhập khẩu và phân phối, riêng phần xuất xứ thì ghi 11390. Nếu là người mua bình thường, chỉ nhìn nhãn phụ thì cách ghi xuất xứ này khó biết nổi món hàng này đến từ đâu. Khi hỏi nhân viên tại cửa hàng thì được chỉ trong một rừng chữ tiếng Anh, tiếng Nhật ở nhãn gốc có một dòng nhỏ nhỏ bên phải ghi “made in China”.
Một cửa hàng thuộc chuỗi khác cũng có kiểu ghi xuất xứ đánh đố người tiêu dùng đó là Minigood, một chuỗi siêu thị theo phong cách Hàn Quốc nhưng hàng hóa cũng phần lớn xuất xứ từ Trung Quốc. Thử xem sản phẩm bông mút trang điểm, trong phần nhãn phụ ngoài ghi tên sản phẩm, đơn vị nhập khẩu phân phối, thì xuất xứ hàng hóa chỉ được ghi “xx: TQ” rất nhỏ.
Tương tự ở một số sản phẩm hóa mỹ phẩm được bày bán tại đây, trên nhãn phụ phần giới thiệu công dụng sản phẩm ghi rất rõ, chữ to, dễ đọc, nhưng phần ghi xuất xứ, nhà nhập khẩu quá nhỏ, thậm chí có những sản phẩm phải nhìn đi nhìn lại hai ba lần chúng tôi mới có thể nhìn thấy cụm “xx:TQ” nằm lọt thỏm trong rừng chữ li ti trên nhãn phụ. Thậm chí có những sản phẩm như son xăm cam, chỉ ghi giá chứ không ghi xuất xứ trên nhãn phụ. Hay các sản phẩm nước hoa trên nhãn phụ chỉ ghi mùi mộng mơ, mùi hạnh phúc, giá bán chứ không ghi nhà nhập khẩu, phân phối…
Thực ra việc ghi nhãn hàng hóa theo kiểu đánh đố, thậm chí ghi cho có là hiện tượng khá phổ biến tại nhiều điểm bán hàng hiện nay. Người mua đang bị rơi vào “mê hồn trận” hàng hóa Trung Quốc đội lốt hàng Nhật, Hàn. Ngay như tại chuỗi cửa hàng Daiso, một chuỗi vốn được biết đến là chuyên bán hàng Nhật đồng giá 40.000 đồng cũng đầy rẫy hàng Trung Quốc.
Song Daiso có vẻ “cao tay” hơn, khi trên mỗi sản phẩm đều có nhãn vụ ghi khá rõ các thông tin. Nếu các chuỗi bán hàng Trung Quốc đội lốt, thì tại nhiều trung tâm mua sắm hàng hóa việc dán nhãn “made in Vietnam” đã trở nên quá phổ biến, bất chấp hàng hóa có nguồn gốc từ đâu.
Ảnh minh họa.
Tại trung tâm mua sắm Saigon Square, muốn đi tìm xuất xứ hàng hóa cũng chỉ mất công, phần lớn hàng hóa bán tại đây, đặc biệt là mặt hàng quần áo thời trang đều được các chủ sạp quảng cáo là hàng Việt Nam xuất khẩu, hoặc do các cơ sở trong nước sản xuất.
Với loại hàng được quảng bá xuất xứ thì nhãn mác toàn thương hiệu nổi tiếng thế giới với chi chít chữ toàn tiếng Anh. Ai tin thì mua, ai nghi ngờ khỏi mua, chủ sạp cũng không nhiệt tình giải thích, thậm chí nếu hỏi nhiều còn bị đuổi. Đặc biệt, muốn tìm hàng Trung Quốc trong khu mua sắm này “không phải chuyện dễ”.
Ai bảo vệ người tiêu dùng
Trước câu hỏi này hẳn nhiều người sẽ đưa ra ngay câu trả lời là cơ quan chức năng. Bởi việc thanh kiểm tra, đảm bảo hàng hóa lưu thông trên thị trường đúng nguồn gốc xuất xứ chính là chức năng, nhiệm vụ mà các đơn vị như quản lý thị trường (QLTT) phải chịu trách nhiệm.
Ai bảo vệ người tiêu dùng
Trước câu hỏi này hẳn nhiều người sẽ đưa ra ngay câu trả lời là cơ quan chức năng. Bởi việc thanh kiểm tra, đảm bảo hàng hóa lưu thông trên thị trường đúng nguồn gốc xuất xứ chính là chức năng, nhiệm vụ mà các đơn vị như quản lý thị trường (QLTT) phải chịu trách nhiệm.
Thế như nếu nhìn lại các vụ việc của Con Cưng, Khaisilk, Mumuso thì mọi chuyện lại được bắt nguồn từ chính thông tin của người tiêu dùng. Đơn cử như vụ mới nhất là Con Cưng, tính đến nay đã thành lập được 7 năm, như vậy chắc chắn QLTT các tỉnh/thành cũng phải thanh kiểm tra chuỗi này không ít lần. Vậy sao không thấy những thông tin vi phạm mà phải đợi đến khi có khách hàng tố giác, những sai phạm cứ nối tiếp sai phạm được QLTT chỉ ra.
Hay như trước đó là vụ Khaisilk, một thương hiệu đình đám chắc chắn không thể lọt qua việc bị thanh kiểm tra, nhưng cũng chẳng có sai phạm nào, ông chủ hãng này liên tục khẳng định mình là người buôn bán có tâm. Cho đến khi một DN khác mua lô khăn lụa của Khaisilk và phát hiện hai nhãn mác thì sự việc mới bị phát giác, sự lừa dối khách hàng của Khaisilk bị vạch trần đầy bẽ bàng.
Tại cuộc họp báo định kỳ của UBND TPHCM ngày 2-8 vừa qua, sự việc của Con Cưng cũng như nạn hàng giả, hàng nhái hoành hành ở TPHCM, một lần nữa trở thành tâm điểm của sự chú ý. Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TPHCM, cho rằng phải thừa nhận công tác quản lý chưa tốt.
Điều này thể hiện ở 3 điểm: chưa chống tận gốc; xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe và quan trọng nhất, chính lực lượng QLTT và các lực lượng khác tham gia chống hàng gian, hàng giả cũng chưa đủ lực, chưa mạnh mẽ trong thực thi nhiệm vụ. Vì thế, TP đã tồn tại các “trung tâm chuyên tiêu thụ hàng gian, hàng giả lừa dối người tiêu dùng”, và thường hàng gian, hàng giả chỉ bị phát hiện khi báo chí, người dân phản ánh, cơ quan chức năng sau đó vào cuộc xử lý.
Có lẽ cơ quan chức năng mà cụ thể là cơ quan QLTT các tỉnh/thành cần nâng cao tính chủ động, trung thực và có trách nhiệm khi thanh kiểm tra để lấy lại niềm tin và bảo vệ người tiêu dùng. Tất nhiên trong bất cứ sự việc gì, vai trò của người tiêu dùng cũng hết sức quan trọng. Người tiêu dùng phải tự bảo vệ quyền lợi của mình, lên án những hành vi kinh doanh lập lờ đánh lận con đen.
Như khi vào chuỗi Minigood, chúng tôi để ý dường như những khách hàng trẻ, đối tượng chính của chuỗi này không quan tâm lắm đến nguồn gốc sản phẩm. Cái quan tâm là giá hợp lý, phong cách bán hàng đậm chất Hàn, hàng hóa phong phú. Hay như khi mua sắm các sản phẩm thời trang tại nhiều trung tâm như An Đông, Saigon Square… người tiêu dùng cũng ngầm thỏa hiệp chấp nhận mua hàng hóa mà không cần biết nguồn gốc xuất xứ.
Bộ Công thương yêu cầu kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tương tự Mumuso trên quy mô toàn quốc Văn phòng Bộ Công Thương vừa có văn bản truyền chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, yêu cầu rà soát, kiểm tra tại các doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tương tự Công ty TNHH xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam. Theo đó Vụ thị trường trong nước: chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu rà soát, đánh giá các bất cập của chính sách pháp luật quản lý hiện hành đối với mô hình kinh doanh theo chuỗi. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng: khẩn trương điều tra và xử lý hành vi vi phạm Luật cạnh tranh tại Mumuso Việt Nam theo quy định. Phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, giám sát và đánh giá hoạt động tuân thủ pháp luật cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của một số doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tương tự Mumuso Việt Nam. Cục QLTT: khẩn trương tiến hành thủ tục xử lý hành vi vi phạm hành chính đối với Mumuso Việt Nam, công khai kết quả xử lý. Chỉ đạo các Chi cục QLTT rà soát, kiểm tra hoạt động các chuỗi cửa hàng kinh doanh theo mô hình tương tự Mumuso Việt Nam trên cả nước. |