Những thanh âm nhộn nhịp đầy sức sống của một TP trẻ (thành lập ngày 10-4-2019 theo Nghị quyết 673 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14) khiến những ai trở lại Long Khánh không khỏi ngỡ ngàng.
Thành công từ vị đắng khổ qua rừng
Nói đến Long Khánh, người ta nghĩ ngay đến những vườn chôm chôm trĩu quả vào mùa hè và những trái sầu riêng thơm phức níu chân khách lãng du. Nhưng thật bất ngờ, trái khổ qua rừng lại đang là cây ăn nên làm ra của bà con nông dân nơi đây. Anh Hoàng, Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch UBMTTQ TP Long Khánh, hướng dẫn chúng tôi đến thăm cơ sở chuyên sản xuất khổ qua rừng Hiệp Vân. Chủ nhân của cơ sở là anh Lê Thanh Hiệp, đon đả rót nước trà khổ qua rừng mời khách, tâm sự: “Trước gia đình em có vườn rẫy ở xã Xuân Tân, thấy khổ qua rừng mọc nhiều trên hàng rào nên hái về ăn. Sau thấy nhiều người thích món khổ qua này, em nảy ra ý định trồng loại cây này”.
Năm 2008, Công ty TNHH Khổ qua rừng Hiệp Vân được thành lập, chuyên thu mua, liên kết với các hệ thống siêu thị tiêu thụ các sản phẩm từ khổ qua rừng. Anh Hiệp đầu tư máy móc hiện đại để sấy khô, đóng gói bao bì, đăng ký mã vạch để truy xuất nguốn gốc. Nhờ có đơn vị đứng ra bao tiêu, từ chỗ chỉ mọc rải rác với diện tích không đáng kể, giờ đây diện tích khổ qua rừng của anh đã lên đến 50ha, tập trung ở các xã Bảo Quang (TP Long Khánh), Xuân Lập (huyện Xuân Lộc) và Xuân Đường, Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ). “Trồng 1 sào khổ qua rừng có trái hái quanh năm, thu lời 100 triệu đồng/năm. Trồng khổ qua rừng không cần bón phân hóa học, thuốc trừ sâu, mà dùng phân chuồng, chế phẩm sinh học kích thích tăng trưởng” - anh Hiệp chia sẻ.
Từ lúc ban đầu chỉ cung cấp khổ qua ăn trực tiếp như nhồi thịt, lẩu cá thác lác, khổ qua sấy khô, đến nay Công ty Hiệp Vân đã cho ra đời khoảng 10 sản phẩm, như cao khổ qua rừng, trà khổ qua rừng, viên nang khổ qua rừng... Hiện công ty chủ yếu bán hàng qua kênh các hệ thống siêu thị lớn như Aeon, Vinmark, Coop-mark ở TPHCM và các tỉnh lân cận, với sản lượng bình quân lên đến hơn 1 tấn/ngày, doanh thu bình quân 2 tỷ đồng/tháng. Sự phát triển của thương hiệu Khổ qua rừng Hiệp Vân đã tiếp thêm sức sống cho các HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Bảo Quang, Xuân Mỹ…
Mái ấm tình thương nơi cửa Phật
Mái ấm tình thương nơi cửa Phật
Rời cơ sở sản xuất khổ qua, chúng tôi đến chùa Huyền Trang, nằm ở ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang. Cách đây 7-8 năm con đường lớn ngoài kia vẫn còn nhiều đoạn đá cấp phối, có nhiều đoạn còn là đường đất bụi mù khi có xe cộ qua lại, đi lại khá vất vả. Giờ đây con đường thênh thang không thua kém đường nông thôn mới ở Củ Chi (TPHCM) hay Bà Rịa - Vũng Tàu. Con đường bê tông xi măng từ ngoài đường liên xã vào chùa dài hơn 1km được tô điểm bằng hàng cây hoàng anh 2 bên đường đang trổ hoa vàng, ở nhiều đoạn còn giữ được nhiều cây cao tạo bóng mát và tạo cảnh quan thôn quê gần gũi.
Phó trụ trì chùa Huyền Quang là Đại đức Thích Thông Hiếu. Thấy đường đất nhỏ chỉ hơn 1m, bà con đi lại khó khăn, thầy Hiếu đã đứng ra cùng với chính quyền vận động người dân hiến đất và phát tâm vận động Phật tử các nơi cúng dường, đóng góp hơn 3 tỷ đồng nâng cấp con đường giúp việc đi lại thuận lợi hơn. Nhà chùa còn trồng hoa hoàng yến dọc 2 bên đường và thường xuyên cử người chăm sóc con đường. Con đường này đã được chọn trao giải 3 cuộc thi Đường Xanh, sạch, đẹp của tỉnh Đồng Nai năm 2020.
Nhưng điều làm chúng tôi ấn tượng hơn là mái ấm tình thương của chùa Huyền Trang, được chùa lập từ năm 2013, hiện đang chăm sóc hơn 30 người già neo đơn không nơi nương tựa cùng 40 trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Người già nhất đã hơn 90 tuổi, nhỏ nhất là 2 cháu gái sinh đôi mới 17 tháng tuổi bị cha mẹ bỏ rơi khi được 1 tháng tuổi, được một tài xế taxi mang đến chùa vào tháng 10-2019. Các trẻ sống ở đây đều được cho đi học, nguồn tài chính nuôi dưỡng các em nhờ tấm lòng từ bi của Phật tử đến chùa cúng dường.
Nặng lòng với chôm chôm tróc
Nặng lòng với chôm chôm tróc
Hẹn nhau 10 năm, chúng tôi mới có duyên được anh Hoàng làm người hướng dẫn vì anh sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất Long Khánh - Xuân Lộc này. Gia đình anh gốc Bắc, ông nội vào miền Đông đi phu cho Pháp, sau đó bà nội dẫn bố anh đi tìm rồi gia đình lập nghiệp trên đất Long Khánh. Có nhiều năm công tác ở Trung tâm Văn hóa huyện Long Khánh, đã giúp anh Hoàng đi khắp các ngõ ngách của Long Khánh, hiểu biết khá sâu về đất và người Long Khánh, trong đó có cây chôm chôm.
Anh cho biết Long Khánh có 3 loại chôm chôm cũng là chôm chôm tróc, châm chôm Thái. So với chôm chôm địa phương, chôm chôm giống Thái Lan ngọt hơn, nhìn bắt mắt hơn, trong khi chôm chôm tróc có vị chua ngọt, trái cũng nhỏ hơn, nên giá chôn chôm Thái gấp đôi chôm chôm tróc. Vì thế hiện bà con nông dân không còn mặn mà với giống chôm chôm địa phương dù đã được xét chọn là một trong 50 sản vật quốc gia, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý. Những năm qua, diện tích trồng chôm chôm tróc đã giảm mạnh từ hơn 2.000ha xuống còn 200ha, để chuyển sang giống chôm chôm nhập ngoại hay sầu riêng.
Trước thực trạng này, anh Hoàng cùng một số người nặng lòng với quê hương Long Khánh đã vận động giữ lại diện tích chôm chôm tróc theo kiểu vườn cây đặc sản kết hợp làm du lịch. Anh Hoàng kể: “Năm 2015 có doanh nhân người Pháp qua đặt mua 5 tấn chôm chôm tróc đưa về Pháp tiêu thụ thấy phản hồi của khách hàng khá tốt, ông ta quay lại hợp đồng với địa phương kèm yêu cầu diện tích lớn, ứng dụng Global GAP. Nhưng dân không dám làm vì sợ đầu ra không ổn định và thiếu vốn để đầu tư chuyên canh. Sự việc làm tôi đến giờ vẫn còn tiếc rẻ vì bỏ lỡ mất cơ hội”.
Câu chuyện về chôm chôm tróc chính là nỗi niềm trăn trở của những người con Long Khánh hôm nay, trong xu thế đi lên mạnh mẽ với sức trẻ của một TP công nghiệp hóa, đô thị hóa nhưng vẫn nặng lòng với quá khứ, với những thứ đã trở thành tài sản tinh thần không thể thiếu trong cuộc đời của mỗi người dân địa phương nơi đây.