Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Trần Khai Nguyên, quận 5 trao đổi bài làm môn Ngoại ngữ. Ảnh: CAO THĂNG
Tại Hội đồng thi TPHCM, một cán bộ coi thi đã chia sẻ câu chuyện thật như đùa. Trước giờ thi môn Toán, phát hiện một TS không mang theo máy tính bỏ túi, giáo viên này hỏi em có người nhà hay bạn bè gần trường thì nhờ mang lên giùm. Trái với vẻ lo lắng của giáo viên, TS bình tĩnh cho biết không cần sử dụng máy tính. Suốt giờ thi hôm đó, cán bộ coi thi liên tục quan sát em làm bài, lòng thấp thỏm không biết em làm bài được không, cần hỗ trợ gì. Một lần nữa, TS khiến cán bộ coi thi ngạc nhiên khi hoàn thành bài thi khá sớm, tô đáp án rất ngay ngắn với chiến thuật “bất chấp đề thi ra kiến thức gì”. Khi nhận bài làm của TS, cán bộ coi thi mới vỡ lẽ em chỉ cần kết quả “chống liệt”.
Trường hợp nói trên không phải cá biệt. Khi hỏi về kết quả làm bài của TS sau khi kết thúc giờ thi các môn, người viết nhận nhiều câu trả lời nhẹ tênh như “xong môn Ngữ văn là em thi xong tốt nghiệp vì các môn còn lại đánh bừa đáp án trắc nghiệm cũng đảm bảo điểm thi trên 1” hay “trật tủ, trúng tủ đều không quan trọng vì em chỉ cần chống liệt”. Với phần lớn TS ở những thành phố lớn, các em chỉ cần kết quả thi được công nhận đậu tốt nghiệp vì đã xét tuyển đại học bằng nhiều phương thức khác trước đó như học bạ, điểm thi đánh giá năng lực…
Nghịch lý ở chỗ, trong khi Bộ GD-ĐT kiên định với mục tiêu kép của kỳ thi tốt nghiệp THPT là vừa xét tốt nghiệp vừa sử dụng kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng thì hầu hết các trường đại học đã chủ động áp dụng nhiều phương thức xét tuyển trước đó. Với tỷ lệ tốt nghiệp hàng năm cả nước trên 90%, thậm chí nhiều địa phương đạt hơn 99%, câu hỏi được đặt ra là có cần tổ chức một kỳ thi tầm quốc gia, tiêu tốn nhiều kinh phí, nhân lực như hiện nay?
Chỉ tính riêng TPHCM, một trong 2 hội đồng thi có số lượng TS lớn nhất nước, ước tính tổng kinh phí tổ chức kỳ thi là hơn 72 tỷ đồng, huy động gần 20.000 người tham gia các công tác từ tập huấn nghiệp vụ coi thi, in sao đề thi, vận chuyển đề thi và bài thi, coi thi, chấm thi đến an ninh trật tự. Trước đó, nhiều địa phương đã kiến nghị Bộ GD-ĐT giao quyền chủ động tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho tỉnh thành, thậm chí xét công nhận tốt nghiệp do các trường THPT thực hiện.
Thực tế hiện nay cho thấy, ngày càng có nhiều trường đại học xét tuyển bằng phương thức học bạ hoặc tổ chức thi đánh giá năng lực. Điều đó cho thấy có rất nhiều cách sàng lọc TS thay cho việc trông chờ vào kết quả một kỳ thi hàng năm “đến hẹn lại lên” và được nhận xét không có nhiều đột phá qua nhiều năm tổ chức. Thiết nghĩ, nếu yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học được cơ quan quản lý các cấp nghiêm túc thực hiện, kỳ thi riêng do các trường đại học tổ chức có mức độ tin cậy ngày càng cao, việc cân nhắc tổ chức một kỳ thi chung cần được nghiêm túc nhìn lại.