Ngay sau đó, Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA) đã có văn bản gửi lãnh đạo một số cơ quan Chính phủ và Hội đồng xét xử về một số nội dung liên quan đến vụ án này.
VNBA kiến nghị cho 3 NH
Ngày 21-1, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa có đặt ra vấn đề buộc thu hồi hơn 6.126 tỷ đồng từ BIDV, Sacombank, TPBank để khắc phục hậu quả cho thiệt hại của VNCB. Trước thông tin trên, VNBA cho biết đã nhận được công văn của 3 NH là BIDV, Sacombank và TPBank (thành viên VNBA) đều rất hoang mang, lo ngại về tác động tiêu cực của việc xử lý theo hướng này đối với hoạt động của mình.
Theo VNBA, kết luận giám định của Tổ giám định độc lập NHNN Việt Nam đã khẳng định, 3 NH này đã thực hiện việc thu hồi nợ vay của khách hàng đúng quy định và thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng đã ký, không có thiệt hại xảy ra tại 3 NH này. Do vậy việc thực hiện như kiến nghị của đại diện Viện kiểm sát sẽ tạo tiền lệ bất lợi, gây khó khăn, cản trở cho hoạt động của các NH.
Quang cảnh phiên xét xử đại án Phạm Công Danh và đồng phạm.
Cụ thể, theo pháp luật hiện hành, các NH cho vay không có trách nhiệm phải tìm hiểu và xác minh nguồn gốc số tiền trên tài khoản thanh toán của bên vay trước khi thu nợ. Trên thực tế, nếu buộc các NH phải xác minh về nguồn gốc số tiền thu nợ sẽ phát sinh rất nhiều khó khăn, thủ tục hành chính và chi phí cho NH và khách hàng.
Ngoài ra, các NH không đủ điều kiện, cơ sở để thực hiện việc xác minh này. Giao dịch phát sinh từ các hợp đồng tín dụng của các NH với khách hàng là giao dịch hợp pháp, thì việc thu nợ từ tài khoản của bên có nghĩa vụ là ngay tình và được pháp luật bảo vệ.
VNBA cũng cho rằng, việc thực hiện như kiến nghị của đại diện Viện kiểm sát có thể dẫn đến hàng loạt các giao dịch vay vốn, gửi tiền với giá trị nhiều tỷ đồng có nguy cơ xảy ra tranh chấp, xáo trộn các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại hợp pháp, hợp lệ đang vận hành bình thường mà không gặp vướng mắc gì. Theo đó, số tiền đã thu nợ hợp pháp, hợp lệ và được tất toán từ nhiều năm trước bất cứ khi nào cũng có thể bị bên vay lật lại, đòi lại vì cho rằng nguồn tiền đã trả nợ không hợp pháp, hoặc bị thu hồi theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đồng thời, điều này làm gia tăng rủi ro pháp lý không dự liệu được cho các TCTD, khách hàng vay và người gửi tiền, làm xáo trộn môi trường kinh doanh, khách hàng mất niềm tin vào các TCTD. Ngoài ra, các TCTD, nhất là các TCTD nước ngoài sẽ không an tâm hoạt động, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Cần xem xét trách nhiệm các bên
Cần xem xét trách nhiệm các bên
Trao đổi với ĐTTC, TS. Bùi Quang Tín, Trường Đại học NH TPHCM phân tích, đề nghị thu hồi 6.126 tỷ đồng của 3 NH này để trả lại cho VNCB của Viện kiểm soát cũng có căn cứ. Thứ nhất, bản chất sản phẩm cấp tín dụng này cho ông Phạm Công Danh và các pháp nhân có liên quan (29 công ty của Phạm Công Danh) không có vấn đề. Song vấn đề nằm ở quá trình thẩm định hồ sơ vay và phê duyệt hồ sơ vay đã sai. Bởi bản chất của các pháp nhân này có liên quan đến ông Phạm Công Danh, trong khi ông Phạm Công Danh đã lách quy định trong Luật TCTD năm 2010.
Luật TCTD năm 2010 hạn chế cấp tín dụng liên quan đến Chủ tịch HĐQT của NH khi vay vốn tại chính NH đó. Vì vậy, ông Phạm Công Danh đã đi vay vốn tại 3 NH kia và 29 công ty đã được thành lập chủ yếu với mục đích vay vốn, không có hoạt động kinh doanh, không có dòng tiền trả nợ, tức chỉ mang tính khai báo không đúng thực tế. Có thể nói, nếu quá trình phê duyệt, thẩm định hồ sơ vay và kiểm soát sau cho vay thực hiện đúng, chắc chắn các hồ sơ vay này không được phê duyệt và không xảy ra tình trạng các NH cho vay các hồ sơ vay liên quan đến ông Phạm Công Danh.
Tuy nhiên, TS. Bùi Quang Tín cũng cho rằng, nếu chỉ nói trách nhiệm của 3 NH này vẫn chưa đủ, mà còn có trách nhiệm liên đới của VNCB trong số tiền đã thiệt hại. Bởi VNCB đã khai báo không đúng sự thật. Các pháp nhân khi tiến hành vay vốn tại 3 NH này là pháp nhân giả tạo từ ý định chỉ đạo từ ông Phạm Công Danh. Đồng thời, trách nhiệm cung cấp thông tin của khách hàng vay vốn (29 công ty) cho 3 NH này thuộc về VNCB, ông Phạm Công Danh và các lãnh đạo của VNCB.
Chính vì vậy, trách nhiệm bồi thường số tiền hơn 6.126 tỷ đồng là trách nhiệm liên đới giữa các NH này, giữa lãnh đạo VNCB và lãnh đạo các NH có liên quan. Do vấn đề này liên quan cả cá nhân lẫn pháp nhân của các chủ thể có liên quan trong hợp đồng vay vốn đó, nên chỉ có cơ quan điều tra mới làm được, kể cả Viện kiểm sát hay Tòa án cũng không làm được. Vì vậy, hồ sơ này cần phải trả lại cho cơ quan điều tra để làm rõ trách nhiệm bồi thường giữa các bên.