Luật DN đã được sửa đổi bổ sung liên tục trong năm 1999, 2005 và 2014; Nghị quyết 19-NQ/CP về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao nâng lực cạnh tranh cũng liên tục được bổ sung trong các năm 2014-2015 và 2016-2017, nhằm rà soát, bãi bỏ nhiều khoản phí, lệ phí ban hành không đúng quy định.
Ngoài ra, Luật Thuế giá trị gia tăng 2013 (hỗ trợ DNNVV về thuế giá trị gia tăng), Luật Thuế thu nhập DN 2013 (giảm thuế thu nhập DN), sửa đổi Luật Phá sản, Luật Hải quan và ban hành, sửa đổi nhiều văn bản pháp quy khác theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển…
Từ đó, một loạt cải cách thể chế, chính sách pháp luật đã được ban hành. Những tồn tại, vướng mắc của nền kinh tế được nhận diện và xử lý. Môi trường đầu tư kinh doanh, niềm tin DN có xu hướng cải thiện rõ nét.
Thế nhưng, dù “kim chỉ nam” cho sự phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) đã rõ ràng và Chính phủ đã tích cực vào cuộc với quyết tâm cao song hiện vẫn còn nhiều rào cản đang cản trở sự phát triển cho khu vực này. Cụ thể như còn tồn tại rất nhiều điều kiện kinh doanh (ĐKKD) hay giấy phép “con”, giấy phép “cháu”… và những định kiến về DNTN vẫn đang cản trở khu vực KTTN phát triển. Chính điều này đang khiến nhiều người băn khoăn về việc những rào cản cho KTTN phát triển suốt nhiều năm qua cứ loay hoay việc tháo rồi gỡ, thực tế chưa đạt kết quả như kỳ vọng
Đây là điều rất đáng suy nghĩ trong bối cảnh Chính phủ đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh hơn 1 năm qua. Theo đó, có vô vàn công việc cụ thể đã được quy định kèm trong những văn bản, cùng với đầu mục, địa chỉ và thời hạn rõ ràng. Song nhìn lại nhiều việc đã không hoàn thành đúng như yêu cầu.
Thậm chí, nhiều văn bản được yêu cầu sửa đổi, bổ sung rất cụ thể, nhưng các dự thảo cho đến nay vẫn không thể hiện được. Nhiều cuộc đối thoại tìm giải pháp giữa cơ quan quản lý nhà nước và DN về ĐKKD vẫn bế tắc. Nhìn vào bức tranh cộng đồng DN Việt Nam, không khó để nhận thấy, cơ chế phân bổ nguồn lực đang là “điểm nghẽn” cần dỡ bỏ nếu muốn tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, và cơ chế đó phải theo quy luật thị trường.
Bởi suy cho cùng, việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường cũng chủ yếu nhằm tạo điều kiện cho khu vực KTTN phát triển.
Nhiều điều kiện sau khi rà soát, một con số được cho là tin vui đối với cộng đồng DN, thể hiện sự tiến bộ của quá trình cải cách môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, điều lo ngại là do thói quen với cách quản lý truyền thống và níu kéo quyền lợi, các bộ, ngành, địa phương một mặt tuyên bố cắt bỏ ĐKKD, nhưng ngay sau đó lại tăng thêm thủ tục.
Thí dụ, năm 2003, Tổ công tác Thi hành Luật DN đã tạo cú hích khi tham mưu Chính phủ ban hành 3 quyết định cắt bỏ hơn 200 giấy phép con, mở đầu giai đoạn cởi trói cho cộng đồng DN. Tuy nhiên, trong thực tế, ĐKKD cứ cắt đi rồi lại mọc lên, thậm chí sự “tái sinh” của ĐKKD còn khủng khiếp hơn cả tốc độ ban hành mới. Hay việc mỗi năm các DN phải bỏ ra khoảng 28,6 triệu ngày công và khoảng 14.300 tỷ đồng nhằm đáp ứng các thủ tục về quản lý chuyên ngành để kiểm tra khoảng 100.000 mặt hàng. Những rào cản này đang hợp sức “bóp chết” DN, nhất là DNTN.
Chính vì thế, trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5, khóa XII về phát triển KTTN trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải đề xuất bãi bỏ ít nhất 1/3 đến 1/2 số ĐKKD hiện hành trong lĩnh vực quản lý.
Thời gian hoàn tất và trình Thủ tướng Chính phủ là trong tháng 12-2017. Như vậy, cờ lệnh trong cuộc chiến với ma trận ĐKKD không cần thiết, bất hợp lý, một lần nữa được Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ phất cao. Đó là thay đổi tư duy về quản lý nhà nước với DN, thay đổi cách nhìn về vai trò của DNTN trong nền kinh tế.
Song để thực sự tháo gỡ hết rào cản cho KTTN đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn của các bộ, ngành, địa phương. Có vậy DNTN mới thoát được vòng luẩn quẩn tháo - gỡ - tháo rào cản, để bung ra phát triển và hội nhập.