
Hôm ấy bầu trời trong vắt, nắng vàng rực rỡ khiến cho buổi cắt lá actiso của gia đình anh Thào A Cáng, thôn Má Tra, xã Xa Pả, huyện Sapa thật suôn sẻ. Anh kể, thời tiết thuận lợi khiến cho việc cắt lá thuận tiện, năng suất cao hơn và giữ được dược chất trong lá tốt hơn theo yêu cầu của đơn vị thu mua Traphaco.
Vườn actiso bên hông nhà đã được vợ chồng anh gieo trồng gần chục năm, mỗi năm một lần gieo hạt, 4 lần cắt lá. Với nguồn thu nhập trung bình gần 200 triệu đồng/ha/năm từ trồng dược liệu actiso, cuộc sống của gia đình anh đã khấm khá hơn rất nhiều, trong nhà đầy đủ xe máy, tivi, tủ lạnh…
Rất nhiều gia đình đồng bào dân tộc H’Mông, Dao đã đổi đời nhờ cây actiso như thế. Vui vì góp phần giúp bà con nơi đây xóa đói giảm nghèo, ông Nguyễn Huy Văn, Phó tổng giám đốc Traphaco, vẫn không thể quên “hành trình” mà Traphaco đã dày công thực hiện để đưa được màu xanh actiso trải rộng khắp Sapa.
Actiso được người Pháp trồng tại Sapa từ rất lâu nhưng dần bị mai một. Năm 1998, chỉ còn một vài cây sống sót ở vườn thực vật của Trung tâm nghiên cứu phát triển cây thuốc Sapa. Với mong muốn phát triển loài cây có bề dày lịch sử, qua khảo nghiệm có khả năng phát triển tốt, lại chứa hàm lượng dược chất cao, Traphaco quyết tâm phục dựng cây actiso. Khó có thể hết những khó khăn ban đầu, nhiều thách thức phải vượt qua với những kỹ sư trẻ. Năm 2.000, Traphaco nhập giống actiso từ New Zealand về trồng, ban đầu, cây phát triển tốt nhưng sau một tháng thối rễ. Năm 2010, Traphaco tiếp tục nhờ Viện Dược liệu nhập giống actiso từ Hà Lan về trồng nhưng giống không thuần chủng lại thất bại.
Traphaco từng mang actiso Đà Lạt ra trồng trên đất Sapa. Actiso Đà Lạt nhân giống bằng hom, có bông to, thân nhẵn, mập mạp nhưng chịu rét kém và sử dụng chủ yếu làm thực phẩm. Actiso Sapa gieo trồng bằng hạt, cây nhỏ, lá nhỏ, có gai, thân thấp và đặc biệt có sức sống mãnh liệt, khả năng chống lại gió rét tuyệt vời.
Actiso trở thành loại cây chiến lược trong hành trình phát triển bền vững của Traphaco khi đây là một trong 3 dược liệu chính được chiết xuất, bào chế ra Boganic, thuốc bổ gan dẫn đầu thị trường trong nhóm thuốc bảo vệ gan mật tại Việt Nam 6 năm nay. Mới đây, Boganic lần thứ 2 và là dược phẩm duy nhất lọt Top 10 sản phẩm thương hiệu Việt tiêu biểu xuất sắc do Bộ Công Thương trao tặng.
Hiện nay, diện tích trồng actiso của Traphaco tại 2 huyện Sapa và Bắc Hà, đạt 60 ha, với sản lượng 2.200 tấn dược liệu tươi/năm, 156 hộ dân tham gia, trong đó 80% là đồng bào dân tộc ít người. Những thành công bước đầu đã khích lệ đồng bào dân tộc vùng cao hào hứng với cây actiso, họ mong muốn được mở rộng vùng trồng để cuộc sống thêm ấm no hạnh phúc.
Ông Tô Mạnh Tiến, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Lào Cai cho biết, tỉnh mong diện tích trồng actiso có thể tăng, Sapa có hơn 3.000ha đất nông nghiệp/68.000ha đất tự nhiên, còn huyện Bắc Hà, Bát Xát cũng đủ điều kiện để trồng và phát triển cây dược liệu. “Traphaco tiêu thụ được bao nhiêu, chúng tôi sẽ phát triển bấy nhiêu” - ông Tiến nói và cho biết thêm, tỉnh đang quy hoạch phát triển vùng trồng dược liệu tại các huyện Bắc Hà, Sapa, Bát Xát. Trong quý II, bản quy hoạch này sẽ được báo cáo tỉnh phê duyệt để triển khai.
Phát triển bền vững, bào chế thuốc có hiệu quả điều trị cao từ các cây dược liệu quý trong nước, từ lâu đã trở thành chiến lược được đầu tư và ưu tiên hàng đầu của Traphaco. Ngoài actiso, Traphaco đang nỗ lực mở rộng “vùng xanh” với cây đinh lăng, bìm bìm, rau đắng đất, chè dây… theo dự án “nghiên cứu, phát triển bền vững nguồn dược liệu Traphaco (Green Plan) trải dài trên 36.300ha khắp cả nước.
Ông Nguyễn Huy Văn cho biết, Việt Nam hiện có 12 cây dược liệu đạt chuẩn GMP-WHO do Bộ Y tế cấp thì Traphaco có 5 cây. Traphaco mong muốn tạo ra những mô hình điển hình về phát triển bền vững, phát triển kinh tế gắn với cây dược liệu. Ở đó, bà con nông dân được thu mua cây dược liệu với giá cao hơn thị trường 10%, được khuyến khích và hướng dẫn các vùng trồng đạt chuẩn GAP (trồng sạch) để đạt giá cao hơn. Với những cây sinh trưởng trong môi trường thiên nhiên, Traphaco phổ biến quy trình thu hái bền vững để cây phát triển tốt, chẳng hạn như với chè dây, đồng bào không cắt dây mà chỉ hái lá, hoặc nhân giống trồng ở rừng tái sinh.
Bên cạnh những thương hiệu thuốc quý đã có mặt khắp cả nước, Traphaco đang ấp ủ dự án về vùng “văn hoá dược thảo” trên khu đất có diện tích hơn 7.600m2 ở trung tâm Sapa. Tại đó, Công ty sẽ xây dựng một khu trưng bày các dược liệu bản địa Sapa, trong đó có dược liệu actiso; 3 ngôi nhà truyền thống của ba dân tộc thiểu số đông dân nhất ở Sapa là người H’Mông, người Dao và người Dáy; mời các thầy lang giỏi đến hướng dẫn cho khách tham quan về cách trị các bệnh thông thường và giữ gìn sức khoẻ, biến khu vực này thành một điểm đến của khách du lịch tới Sapa.
Hay mới đây, một nhóm các dược sĩ, kỹ sư trẻ của Traphaco đã nghiên cứu, thử nghiệm và chế biến thành công Chocolate Detok, thức uống bổ dưỡng với thành phần chủ lực là bột cacao Bến Tre và cao actiso Sapa.
"Traphaco đang nỗ lực phát triển thêm thị trường mới, với mong muốn mở rộng vùng trồng dược liệu cho bà con. Quan điểm của công ty là "thành tín", mở rộng diện tích phải kèm theo yêu cầu mua hết sản phẩm cho người trồng" - ông Nguyễn Huy Văn chia sẻ về chiến lược phát triển vùng trồng dược liệu mà Traphaco đang tâm huyết triển khai.