Đây là lần đầu tiên tại ĐBSCL triển khai được phương pháp kỹ thuật cao này, mang đến hy vọng trong việc điều trị bệnh lý nhãn khoa cho người dân ĐBSCL.
Glaucoma hay còn gọi là glôcôm, dân gian còn gọi là thiết đầu thống hoặc cườm nước; là dạng bệnh lý do thoái hóa thần kinh thị giác tiến triển, trong đó liên quan tới các yếu tố quan trọng là tăng nhãn áp, gây nhức mắt và cảm giác rất khó chịu cho bệnh nhân.
Glaucoma là nguyên nhân gây mù lòa đứng thứ II sau đục thủy tinh thể ở người tầm 50 tuổi trở lên. Trên thế giới có khoảng 80 triệu người bị glaucoma (năm 2020) và chỉ có 50% người bệnh được phát hiện, có can thiệp điều trị.
Bệnh nhân bị Glaucoma góc đóng là tình trạng góc thoát nước đóng ở nhiều hoặc hầu hết các khu vực, gây hiện tượng tăng nhãn áp, dẫn đến tổn thương dây thần kinh thị giác, gây mù lòa. Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị Glaucoma như: dùng thuốc kéo dài, cắt bè củng mạc... Tuy nhiên, có những trường hợp không ngăn chặn được sự mất thị lực do tổn thương bệnh thần kinh thị giác, các bác sĩ nhãn khoa sẽ có thể chỉ định thực hiện phẫu thuật đặt van dẫn lưu nhằm hạ nhãn áp cho bệnh nhân.
Phương pháp đặt van dẫn lưu tiền phòng được chỉ định điều trị bệnh Glaucoma phức tạp như chấn thương, viêm màng bồ đào, tân mạch, Glaucoma góc đóng khó điều trị. Hiện nay, cũng có nhiều loại van được sử dụng như: đặt van express, đặt van i-stent, đặt van ahmed… bác sĩ sẽ tùy theo tình trạng bệnh lý và chọn loại van phù hợp. Ưu điểm của phương pháp đặt van dẫn lưu tiền phòng là, hạ nhãn áp nhanh và ổn định; bảo tồn thị lực; ít biến chứng, ít tái phát; điều trị được cho những ca Glaucoma phức tạp…
Trong ngày 29-8, Bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Glaucoma tân mạch là ông V.M.L. (1953, ngụ TP Cần Thơ) nhập viện trong tình trạng mắt phải đau nhức suốt 3 tháng nay sau phẫu thuật lấy thủy tinh thể, được bác sĩ chẩn đoán Glaucoma tân mạch đã điều trị hạ nhãn áp sau phẫu thuật nhưng chưa thuyên giảm; bệnh nhân V.M.L có tiền sử tiểu đường tuýp II trong 30 năm qua…
Bệnh nhân được BS CKII Trần Văn Kết, Giám đốc Điều hành bệnh viện trực tiếp thăm khám và cho chỉ định phẫu thuật đặt van dẫn lưu tiền phòng để điều trị glaucoma phức tạp. Sau hơn 1 giờ điều trị, phẫu thuật đặt van Ahmed, nhãn áp của bệnh nhân đã giảm đáng kể.
Song song đó, bác sĩ tiến hành đặt thêm miếng ologen Collagen matrix (mô sinh học dạng chất nền collagen có khả năng tự tan biến) để nhằm ngăn chặn tăng sinh tân mạch, hạn chế việc gây tắc ống dẫn lưu tiền phòng của van. Như vậy, việc dẫn lưu sẽ được lâu dài hơn và bệnh nhân giảm được rủi ro sau này phải đặt lại van do nghẽn mạch lưu dẫn. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân được xuất viện trong ngày với trạng thái mắt đã được hạ nhãn áp và cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều.
Theo Bác sĩ Trần Văn Kết, phương pháp đặt van dẫn lưu tiền phòng tuy không phải quá mới mẻ trên thế giới, tuy nhiên tại ĐBSCL lại chưa từng được triển khai, việc này là thiệt thòi cho người dân vì lượng bệnh nhân bị Glaucoma tại ĐBSCL cũng rất đông. Hy vọng rằng với việc triển khai phương pháp này, Bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ tiếp tục mang đến những dịch vụ y tế chất lượng cao phục vụ cho người dân trong khu vực và các vùng lân cận.