Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (Hợp đồng BOT). Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực để sớm khởi công dự án này vào năm 2025.
Theo quyết định phê duyệt, dự án thực hiện giai đoạn 2024-2027, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Hợp đồng BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao).
Tổng mức đầu tư sơ bộ 19.617 tỷ đồng; trong đó vốn nhà đầu tư khoảng 9.943 tỷ đồng và vốn nhà nước tham gia trong dự án khoảng 9.674 tỷ đồng.
Tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài có tổng chiều dài khoảng 51km, đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 24,7km và qua tỉnh Tây Ninh khoảng 26,3km. Điểm đầu kết nối với đường Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), điểm cuối giao với Quốc lộ 22 thuộc huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh).
Tuyến đường cao tốc này có vận tốc thiết kế 120 km/giờ, phân kỳ đầu tư quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe. Dự án xây dựng các công trình trên tuyến, hệ thống giao thông thông minh, hệ thống thu phí... đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh (Ban Giao thông, đơn vị chuẩn bị dự án), cho biết việc dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tháng 8 vừa qua là một niềm vui lớn, bởi đây là dự án kết nối giữa hai địa phương Thành phố Hồ Chí Minh-Tây Ninh mà còn là trục kết nối với đường cao tốc bên phía Campuchia, hình thành trục Xuyên Á trong tương lai.
Dự kiến sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 409 ha, giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch 6 làn xe. Dự án được chia thành 4 dự án thành phần.
Dự án thành phần 1 đầu tư xây dựng đường cao tốc giai đoạn 1 theo phương thức đối tác công tư (Hợp đồng BOT) do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan có thẩm quyền thực hiện.
Ba dự án thành phần còn lại thực hiện theo phương thức đầu tư công; trong đó dự án thành phần 2 (xây dựng đường gom dân sinh, cầu vượt ngang cao tốc) và dự án thành phần 3 (bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh) do Ủy ban Nhân dân Tành phố Hồ Chí Minh là cơ quan chủ quản; dự án thành phần 4 (bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua tỉnh Tây Ninh) do Thành phố Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh là cơ quan chủ quản.
Theo ông Lương Minh Phúc, hiện chủ đầu tư đang chuẩn bị kế hoạch, tiến độ chi tiết với mục tiêu khởi công phần hạ tầng kỹ thuật vào 30/4/2025. Các công tác cho dự án BOT sẽ triển khai đồng bộ với bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án thành phần về đầu tư công. Các dự án này dự kiến lần lượt khởi công trong tháng 4 và tháng 6/2025, hoàn thành toàn bộ công trình, thông xe vào 31/12/2027.
Một điểm thuận lợi là cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài được áp dụng những cơ chế đặc thù tương tự như dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh trong giải phóng mặt bằng. Đó là giải phóng mặt bằng được tách ra thành một dự án độc lập, phê duyệt ranh ở giai đoạn từ khi có chủ trương đầu tư đến khi duyệt dự án khả thi, qua đó tiết kiệm được 6-8 tháng.
Qua phân tích của các đơn vị trong quá trình khảo sát phần đất thu hồi dự án này thì tỷ lệ phần đất nông nghiệp rất cao. “Đây là điều kiện để áp dụng kinh nghiệm của đường Vành đai 3, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Mong bà con trên địa bàn huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) và tỉnh Tây Ninh chia sẻ, ủng hộ để biến ước mơ về con đường cao tốc, nối kết phát triển nguồn lực mới thành hiện thực trong thời gian tới,” ông Lương Minh Phúc chia sẻ.
Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài là dự án quan trọng đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải giao thông trên Quốc lộ 22. Khi đưa vào khai thác, tuyến sẽ đồng bộ với các đường vành đai có năng lực lớn và tốc độ cao trên hành lang vận tải Thành phố Hồ Chí Minh-Tây Ninh; phát triển chuỗi công nghiệp đô thị Mộc Bài-Thành phố Hồ Chí Minh-cảng Cái Mép-Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á.
Dự án này cũng tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng Đông Nam Bộ với Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo quy hoạch; góp phần đảm bảo an ninh-quốc phòng.