Thực tiễn giá 2021
Trong năm 2020, giá cao su TSR20 trên sàn SICOM đã tăng 78% từ mức 100 cent/kg và tạo đỉnh ở mức 178 cent/kg. Trong cùng thời gian đó, giá cao su RSS3 trên sàn OSE thậm chí tăng 112% từ mức 138,3 Yen/kg lên mức 293,6 Yen/kg.
Tuy nhiên, diễn biến trong năm 2021 vừa qua của thị trường cao su không được tốt do bị ảnh hưởng bởi các nguyên nhân như: thị trường ô tô toàn cầu gặp khủng hoảng chip bán dẫn (xuất phát từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn), sức mua cao su từ Trung Quốc chậm lại do nước này duy trì chính sách Zero Covid kéo dài cho đến nay, sự mạnh lên của đồng USD trong thời gian qua…
Vì vậy, phần lớn thời gian giá cao su trong năm 2021 đi ngang hoặc giảm, mặc dù đôi lúc cũng có vài đợt sóng tăng nhưng không kéo dài quá 1 tháng.
Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về sản lượng cao su tự nhiên, đồng thời đứng thứ 3 về thị trường xuất khẩu cao su thế giới. Theo số liệu từ Statista, sản lượng cao su của Việt Nam năm 2020 khoảng 1,22 triệu tấn, chiếm khoảng 9% sản lượng của thế giới.
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2020 Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,75 triệu tấn, tương đương giá trị khoảng 2,38 tỷ USD. Năm 2021, tính tới giữa tháng 12-2021, giá trị xuất khẩu lũy kế khoảng 3,07 tỷ USD, chính thức quay trở lại mốc 3 tỷ USD sau 10 năm.
Nhờ giá cao su đã có sự hồi phục tốt trong năm 2020, mặc dù có sự suy giảm trong năm 2021 nhưng vẫn duy trì được ở vùng giá thuận lợi đối với hoạt động kinh doanh của ngành cao su thiên nhiên, nên giá cổ phiếu của các công ty trong ngành có sự tăng trưởng tốt do các nhà đầu tư kỳ vọng vào triển vọng lợi nhuận trong thời gian tới.
Kỳ vọng từ thị trường thế giới
Kỳ vọng từ thị trường thế giới
Các yếu tố ảnh hưởng lớn tới giá cao su thế giới gồm có: nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc; sản lượng sản xuất tại Thái Lan, Indonesia, Việt Nam; nhu cầu tiêu thụ cao su của ngành ô tô toàn cầu; sức mạnh đồng USD; xu hướng của giá dầu thô thế giới.
Theo báo cáo của Krungsri, nhu cầu tiêu thụ cao su thế giới năm 2020 khoảng 12,5 triệu tấn, trong đó nhu cầu của Trung Quốc chiếm tỷ trọng 40,1% với khoảng 5 triệu tấn. Do sản lượng cao su của Trung Quốc chỉ đủ đáp ứng 14% nhu cầu, nên mỗi năm nước này cần nhập khẩu hơn 4 triệu tấn cao su, tương đương 23,2% thị trường nhập khẩu cao su thế giới.
Vì vậy, diễn biến dịch bệnh Covid-19 và quan điểm của chính phủ nước này với chiến lược Zero Covid trong thời gian tới, sẽ ảnh hưởng không nhỏ lên quá trình hồi phục của ngành cao su thiên nhiên.
Về cán cân cung-cầu cao su thế giới trong năm 2022, Krungsri dự báo sản lượng đạt khoảng 13,9 triệu tấn, thấp hơn so với nhu cầu tiêu thụ là 14,1 triệu tấn. Như vậy, hãng Krungsri cho rằng nhu cầu tiêu thụ sẽ vượt qua sản lượng sản xuất trong năm 2022.
Tuy nhiên, dự báo về mức tiêu thụ này của Krungsri có sự đặt cược vào việc phục hồi nhu cầu tại Trung Quốc, và sự phục hồi sản xuất của ngành ô tô toàn cầu trong năm nay (chiếm khoảng 46% nhu cầu tiêu thụ cao su theo phân ngành).
Giá cao su thế giới có sự tương quan nghịch cao với sức mạnh đồng USD, do đó chịu sức ép từ xu hướng tăng của đồng tiền này. Tuy nhiên, sức ép từ USD dự kiến diễn ra trong nửa đầu năm nay, và mức độ ảnh hưởng sẽ giảm trong nửa sau của năm.
Bởi lẽ, các nhà đầu tư trên thị trường thế giới thường định giá từ rất sớm đối với xu hướng mạnh lên hoặc yếu đi của USD. Với kế hoạch 3 lần tăng lãi suất của Fed trong năm 2022, xu hướng tăng giá của USD đã bắt đầu từ quý IV-2021 để định hình lại giá trị của USD so với các đồng tiền khác, cũng như giá trị các loại hàng hóa giao dịch trên thị trường. Dự kiến xu hướng tăng giá của USD sẽ chững lại trong nửa sau năm 2022.
Giá dầu thô có mức tương quan thuận chiều khá rõ đối với giá cao su, bởi xu hướng tăng/giảm của giá dầu thô sẽ kéo theo sự tăng/giảm của giá cao su tổng hợp (synthetic rubber: là loại cao su được sản xuất từ dầu mỏ). Trong khi đó, cao su tổng hợp hiện nay được sử dụng phổ biến và chiếm 53% thị trường tiêu thụ, cao hơn mức 47% của cao su tự nhiên.
Giá dầu thô năm 2022 được dự báo vẫn duy trì ở mức cao như trong năm 2021 nhờ sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Các tổ chức lớn như Bộ Năng lượng Mỹ, IMF, World Bank đều dự báo giá dầu WTI năm 2022 giao dịch quanh mức giá trung bình 60 USD/thùng, tương đương với mức giá trung bình của năm 2021. Như vậy, thị trường cao su được kỳ vọng từ sự phục hồi kinh tế thế giới nói chung, và sự phục hồi của ngành sản xuất ô tô nói riêng trong năm 2022.