Đó là nội dung trong bài viết đăng trên PWC vào ngày 30-5-2017, ông John Hawksworth, Kinh tế trưởng tại Vương quốc Anh của đại gia kiểm toán toàn cầu PriceWaterhouseCoopers (PWC), và là nhà biên tập của ấn phẩm Economic Outlook
Tiềm năng to lớn
Theo ông Hawksworth, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển mạnh nhất trên thế giới kể từ năm 1986 khi Việt Nam thực hiện công cuộc Đổi mới. Thành công của Việt Nam là một sự kết hợp nhiều yếu tố, từ tầm nhìn xa của các nhà lãnh đạo, đến ý thức chung về mục đích xã hội và sự toàn cầu hóa.
Đầu tư nước ngoài đã và đang giúp Việt Nam trở thành một trong những "công xưởng thế giới" mới, ban đầu ở các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như quần áo và giày dép, nhưng ngày càng mở rộng sang các ngành có giá trị gia tăng cao như điện tử. Sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và bền vững này đã đẩy Việt Nam từ nước tương đối nghèo vào năm 1990 thành một nền kinh tế có thu nhập trung bình ngày nay. Cùng với đó là những cải thiện lớn về tuổi thọ trung bình, làm giảm đáng kể tử vong ở trẻ em và sự gia tăng ấn tượng trong trình độ học vấn.
Gần đây tôi đã viếng thăm Việt Nam và thấy sự tiến bộ của nền kinh tế đã đạt được, tôi cảm thấy lạc quan rằng nó có thể vượt qua những thách thức. Đối với các công ty Anh đang tìm kiếm điểm đến hậu Brexit, Việt Nam và khu vực ASEAN rộng lớn với hơn 600 triệu người có thể sẽ trở thành một đối tác thương mại và thị trường mới quan trọng trong những thập niên tới. Ông John Hawksworth, Kinh tế trưởng tại Vương quốc Anh của PWC |
Tuy nhiên, ông Hawksworth cho rằng dù có tiềm năng to lớn, nhưng Việt Nam phải tiếp tục những tiến triển trong công cuộc cải cách. Phân tích của PWC trong Báo cáo Thế giới năm 2050 cho thấy Việt Nam có thể tiếp tục là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới trong thời gian từ nay tới năm 2050, cùng với Ấn Độ và Bangladesh.
Điều này có thể đưa Việt Nam lên vị trí thứ 20 trong bảng xếp hạng GDP toàn cầu vào giữa thế kỷ này nếu tính trên sức mua tương đương (PPP). Nhận định của ông Hawksworth cũng phù hợp với dự báo của Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ). Theo ngân hàng này, GDP của Việt Nam sẽ lần đầu tiên vượt mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc vào năm 2018; tổng vốn hóa thị trường của Việt Nam có thể tăng gấp đôi trong 5 năm. Đó là chưa tính tới kịch bản MSCI (tổ chức chuyên xây dựng các bộ chỉ số thị trường) nâng hạng Việt Nam thành thị trường mới nổi trong khung thời gian này.
Tuy nhiên, ông Hawksworth nhấn mạnh để có thể hiện thực hóa được tiềm năng tăng trưởng này đòi hỏi Việt Nam phải tiến bộ liên tục về cải cách cơ cấu trong 4 lĩnh vực chính: ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách ngân hàng, thúc đẩy hoạt động của khu vực tư nhân và áp dụng các công nghệ mới.
Sự gia tăng trình độ học vấn của các học sinh - sinh viên, thế giới có cái nhìn cao hơn về Việt Nam.
Ổn định vĩ mô, cải cách ngân hàng
Về ổn định kinh tế vĩ mô, một yêu cầu quan trọng là Việt Nam phải giảm thâm hụt ngân sách hàng năm ở mức bền vững, không nhiều hơn 3% GDP vào năm 2020. Điều này sẽ đòi hỏi mở rộng cơ sở thuế trong các lĩnh vực như thuế tài sản và thuế thu nhập từ vốn, cũng như áp đặt kỷ luật cao hơn đối với các chi tiêu công. Chính phủ cũng có thể tiếp tục tiến trình từng bước đã được tiến hành để làm cho tỷ giá linh hoạt hơn, khiến nó có vai trò giảm sốc cho nền kinh tế.
Cũng như các nền kinh tế tiên tiến và một số nền kinh tế mới nổi, điều này có thể liên quan đến một động thái trong trung hạn hướng tới một mục tiêu lạm phát do chính phủ quy định.
Bên cạnh đó Việt Nam cần phải cải cách hệ thống ngân hàng và giải quyết nợ xấu. Cũng như ở Trung Quốc, Chính phủ đã phản ứng lại cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 bằng cách tăng cường đầu tư và tín dụng. Đó là phản ứng thích hợp vào thời điểm đó, nhưng nó đã để lại trong hệ thống ngân hàng Việt Nam khoản nợ xấu lớn.
Đã có nhiều tiến triển trong việc giải quyết vấn đề này, nhưng như báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) năm ngoái, cho biết vẫn còn nhiều việc phải làm. Chương trình tái cơ cấu và hợp nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam về dài hạn sẽ làm tăng tính ổn định tài chính và tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng trong tương lai.
Nâng tầm khu vực tư nhân, thúc đẩy sáng tạo
Nhìn xa hơn trong vài năm tới, một trong những thách thức chính nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt là phát triển khu vực tư nhân cũng như làm cho các doanh nghiệp nhà nước hiệu quả hơn. Một phần của việc này sẽ làm cân bằng sân chơi để tiếp cận vốn và đất đai giữa các doanh nghiệp nhà nước và các đối thủ cạnh tranh trong khu vực tư nhân.
Một ưu tiên khác cho chính sách của Chính phủ là hỗ trợ phát triển các nhà cung cấp trong nước cho các công ty đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực như ô tô, điện tử và các ngành công nghệ cao khác. Kinh nghiệm từ Trung Quốc và các con hổ châu Á trước đó như Hàn Quốc cho thấy điều này sẽ giúp chuyển giao kiến thức và công nghệ từ các công ty đa quốc gia đến các nhà cung cấp trong nước, một số trong đó sau đó có thể trở thành nhà xuất khẩu Việt Nam về dài hạn.
Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đòi hỏi Việt Nam phải đạt được tiến bộ công nghệ, từ ứng dụng đến sáng tạo. Khi dân số Việt Nam ngày càng già, để tiếp tục phát triển kinh tế chúng ta sẽ phụ thuộc nhiều vào tăng năng suất, mà quan trọng nhất là nhờ ứng dụng tiến bộ công nghệ. Trong thập niên tiếp theo, Việt Nam phải áp dụng tốt các công nghệ được phát triển ở các nước khác.
Điều này có thể liên quan đến mọi thứ, từ việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số hiện đại trong các nhà máy và văn phòng đến sử dụng máy móc nông nghiệp mới nhất và phân bón để tăng năng suất trong ngành nông nghiệp. Điều này sẽ cho phép nhiều lao động chuyển sang các ngành sản xuất và dịch vụ, nơi năng suất trung bình cao hơn nhiều so với nông dân.
Tuy nhiên, một khi nhìn đến năm 2030 hoặc xa hơn, như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trước đó, Việt Nam sẽ cần phải di chuyển từ chỗ áp dụng công nghệ của các nước khác đến chỗ có những đổi mới công nghệ riêng của mình.
Điều này đòi hỏi phải phát triển những cơ sở nghiên cứu đẳng cấp thế giới trong các lĩnh vực được lựa chọn, liên kết với các trường đại học; và các mạng lưới liên quan của các công ty tư nhân được ngân sách chính phủ hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học cơ bản và phát triển kinh doanh giai đoạn đầu. Luật Sở hữu trí tuệ cũng cần phải được xây dựng và thi hành hiệu quả hơn khi Việt Nam phát triển những đổi mới về công nghệ của mình.