Triển vọng nào cho giá ngô sắp tới?

(ĐTTCO) - Trong nửa sau năm 2020 và nửa đầu năm 2021, giá ngô thế giới trên sàn CBOT đã có một đợt tăng nóng liên tục, từ mức 314,9 cent/giạ (ngày 4-8-2020) lên mức 723,4 cent/giạ (ngày 7-5-2021), tương ứng tăng 130%. 

Triển vọng nào cho giá ngô sắp tới?
Nhiều yếu tố tác động
Nguyên nhân đợt tăng giá mạnh mẽ và liên tục này do trong giai đoạn thị trường nông sản nói chung bị tác động bởi yếu tố thời tiết La Nina, ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất của các quốc gia sản xuất chủ chốt như Mỹ, Brazil, Argentina…
Thêm vào đó, dịch bệch Covid-19 hoành hành tại các quốc gia này càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung do gián đoạn chuỗi cung ứng. Sau khi thiết lập mức đỉnh vào tháng 5-2021, giá ngô thế giới đã suy giảm trở lại, và tính đến ngày 30-11-2021, giá ngô trên sàn CBOT được giao dịch quanh mức 570 cent/giạ. 
Triển vọng nào cho giá ngô sắp tới? ảnh 1
Trong thời gián tới, xu hướng của giá ngô sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như: mức độ ảnh hưởng của thời tiết La Nina cuối năm 2021 và đầu năm 2022; dự báo cán cân sản xuất/tiêu thụ sẽ thặng dư hay thâm hụt; tình hình dịch bệnh trên thế giới; chỉ số sức mạnh đồng USD (USD Index) và giá ethanol; dự báo tình hình sản xuất và tiêu thụ.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (phát hành ngày 9-11-2021), dự báo cán cân cung/cầu cho mùa vụ ngô 2021-2022 sẽ thặng dư khoảng 12,55 triệu tấn, sau 2 mùa vụ thiếu hụt liên tiếp. Sản lượng sản xuất khoảng 1.204,62 triệu tấn, tương ứng tăng 7,6% so với mùa vụ 2020-2021.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ khoảng 1.192,07 triệu tấn, tương ứng tăng 5,2% so với mùa vụ 2020-2021. Tỷ lệ tồn kho cuối kỳ so với nhu cầu tiêu thụ mùa vụ 2021-2022 khoảng 25,5%, không có nhiều thay đổi so với tỷ lệ của mùa vụ trước.
Triển vọng nào cho giá ngô sắp tới? ảnh 2
Về cơ cấu xuất nhập khẩu, Mỹ là quốc gia đứng đầu về xuất khẩu ngô chiếm tỷ trọng 31,2% thị trường xuất khẩu. Nếu tính gộp cả 3 quốc gia là Mỹ, Argentina và Brazil, sản lượng xuất khẩu của các nước này chiếm hơn 70% thị trường xuất khẩu ngô thế giới. Do đó, các diễn biến về thời tiết hoặc dịch bệnh tại khu vực châu Mỹ sẽ là yếu tố tác động lớn đến nguồn cung ngô thế giới và do đó ảnh hưởng tới xu hướng của giá ngô trong thời gian tới. 
Trong khi đó, về thị trường nhập khẩu, tỷ trọng nhập khẩu của các quốc gia khá đồng đều. Vì vậy giá ngô không chịu ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố đến từ nhu cầu tiêu thụ, trừ khi diễn biến dịch bệnh lan rộng trên quy mô toàn cầu.
Triển vọng nào cho giá ngô sắp tới? ảnh 3
Do mối tương quan giữa giá ngô và chỉ số sức mạnh đồng USD rất cao, nên xu hướng của chỉ số USD Index trong thời gian tới sẽ có tác động không nhỏ đến giá ngô thế giới. Cụ thể, nếu chỉ số USD Index tăng lên (biểu thị sức mạnh đồng USD gia tăng) thì giá ngô sẽ có xu hướng giảm.
Và ngược lại, nếu chỉ số USD Index giảm giá ngô sẽ có xu hướng tăng. Trong cuộc họp thị trường mở FOMC tháng 11-2021, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố lộ trình giảm dần mức độ hỗ trợ thị trường tài chính, và tăng lãi suất USD trong năm 2022. Như vậy dự kiến trong thời gian tới, chỉ số USD Index tiếp tục tăng, tác động tiêu cực tới giá ngô thế giới.
Triển vọng nào cho giá ngô sắp tới? ảnh 4
 Ethanol là nhiên liệu sinh học, có thể được sản xuất từ nguyên liệu đầu vào là ngô (chủ yếu tại Mỹ) hoặc cây mía (chủ yếu tại Brazil). Giữa giá ngô và ethanol có mối tương quan thuận chiều rất chặt chẽ, nguyên nhân bởi hoạt động sản xuất ethanol từ ngô tại Mỹ.
Nếu như giá dầu thô thế giới tăng cao, giá ethanol cũng sẽ tăng theo, và do đó các doanh nghiệp tại Mỹ sẽ ưu tiên ngô dành cho việc sản xuất ethanol nhiều hơn. Điều này có tác động làm giảm nguồn cung ngô dẫn tới giá ngô tăng.
Triển vọng nào cho giá ngô sắp tới? ảnh 5
Mức độ ảnh hưởng của thời tiết La Nina
Theo dự báo mới nhất của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), hiện tượng thời tiết La Nina đã quay trở lại và sẽ diễn ra trong suốt mùa đông năm 2021 tới mùa xuân năm 2022 (tháng 2-2022).
Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của La Nina sẽ không lớn như năm 2020, và khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất là ở vùng biển Thái Bình Dương. Như vậy, yếu tố thời tiết La Nina dự kiến sẽ không ảnh hưởng nhiều tới nguồn cung sản xuất ngô tại khu vực châu Mỹ (chiếm hơn 70% quy mô xuất khẩu ngô của thế giới).
Với các yếu tố như: đồng USD mạnh lên, thời tiết không ảnh hưởng nghiêm trọng lên nguồn lực sản xuất, sản lượng sản xuất dự báo cho mùa vụ 2021-2022 thặng dư so với nhu cầu tiêu thụ, dự kiến giá ngô sẽ khó có khả năng tăng nóng liên tục như trong giai đoạn từ tháng 8-2020 đến tháng 5-2021.
Trong thời gian tới, dự kiến giá ngô thế giới sẽ có các đợt tăng/giảm đan xen và có xu hướng yếu dần trong nửa đầu năm 2022. 

Các tin khác