Mặc dù tình hình kinh tế thế giới có nhiều bất ổn nhưng xuất khẩu cá tra của nước ta năm 2011 vẫn tăng trưởng ở mức hai con số rất ấn tượng. Song hành cùng 1,6 tỷ USD ngoại tệ mang về trong năm nay, xuất khẩu cá tra còn giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động, nhiều hộ nuôi cá, cùng nhiều dịch vụ khác kèm theo, góp phần ổn định an sinh xã hội.
DN và người nuôi khát vốn
Nhiều ngày qua giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL duy trì ở mức cao nhưng người dân không còn cá để bán. Theo Sở NN-PTNT các tỉnh thành ĐBSCL, sản lượng cá đến kỳ thu hoạch không bao nhiêu, do đó số hộ trúng giá đợt này rất ít.
Ông Nguyễn Khắc Phục, ở thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp), cho biết hiện nhiều hộ đang nuôi cá trở lại, trong đó số cá có trọng lượng khoảng 400-500 gram/con là khá nhiều; như vậy vài tháng tới nguồn cá tra nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy chế biến xuất khẩu rất dồi dào.
Không riêng ông Phục, mà nhiều hộ nuôi cá khác ở An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long… trăn trở khi nguồn vốn đầu tư cho cá tra đang thiếu trầm trọng, khiến việc chăm sóc cá bị ảnh hưởng. Do các ngân hàng chưa mạnh dạn cho vay nên các hộ nuôi cá buộc phải vay nóng bên ngoài với lãi suất cao, hoặc mua thức ăn kiểu gối đầu và chịu lãi.
Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang, quả quyết: “Tiềm năng phát triển cá tra ở ĐBSCL rất lớn và hứa hẹn giúp người dân làm giàu. Tuy nhiên, việc đầu tư “nửa vời” của ngân hàng khiến việc mở rộng diện tích chựng lại”.
Lãnh đạo Bianfishco cho biết, hiện nguồn cá tra nguyên liệu còn ít, nhưng nhiều hộ nuôi liên tục đến công ty kêu bán cá, thậm chí đề nghị trả chậm, thanh toán theo đợt… Song song đó, hợp đồng xuất khẩu ở các nước ký với công ty khá nhiều. Trong tháng 12 này, nhiều nhà đầu tư đến làm việc tiếp tục đầu tư đồng hành cùng Bianfishco phát triển. |
Không chỉ người nuôi khát vốn mà các DN chế biến cá tra xuất khẩu cũng lâm vào cảnh tương tự, bởi các ngân hàng thắt chặt tín dụng.
Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc CTCP Gò Đàng, nếu như 6 tháng đầu năm giá xuất khẩu cá tra rất tốt, thì gần đây giá xuất giảm lại. Nguyên nhân do tác động của khủng hoảng nợ công ở châu Âu và nền kinh tế Hoa Kỳ suy yếu. Cái khó là giá xuất không tăng nhưng giá nguyên liệu đầu vào cứ tăng, khiến các nhà máy hoạt động không hiệu quả nhưng vẫn phải duy trì để nuôi công nhân và giữ hợp đồng.
Từ những khó khăn chung về vốn đã buộc các DN trả chậm tiền mua cá đối với người nuôi. Lãnh đạo CTCP thủy sản Bình An (Bianfishco) cho biết, kết quả doanh thu và lợi nhuận từ đầu năm đến nay đạt yêu cầu đề ra. Nhưng thời điểm này ai cũng gặp khó về nguồn vốn. Tuy nhiên, Bianfishco bù đắp bằng cách chịu toàn bộ phần lãi suất đối với những số tiền trả chậm cho người nuôi bằng mức của ngân hàng.
Đầu tư mạnh cho nghề cá
Chuyện DN nợ tiền cá hoặc trả chậm tiền mua cá là bình thường ở đâu cũng có và việc này diễn ra từ nhiều năm nay, bởi DN thủy sản cũng phải quay vòng đồng vốn như các DN ngành nghề khác.
Bà Ba Hoạt, ở Thốt Nốt (Cần Thơ) thừa nhận: Thông thường khi bán cá cho DN phải từ 4 tháng trở lên mới lấy tiền hết, thậm chí có DN kéo dài trên 9 tháng mới thanh toán mà không hề trả phần lãi. Bianfishco là DN mua cá rất đàng hoàng, đúng hợp đồng, không hề chê cá xấu tốt, không gây khó cho người nuôi… đồng thời trả thêm phần lãi suất đối với số tiền trả chậm. Việc này người nuôi đồng tình và tiếp tục bán cá cho công ty.
Thu mua cá tại Bianfishco. Ảnh: H. LỢI |
Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, cho biết dù kinh tế chung còn khó khăn nhưng hầu hết DN trong các khu công nghiệp hoạt động rất khả quan. Dự kiến cả năm 2011, doanh thu của các DN đạt trên 2 tỷ USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ; xuất khẩu đạt hơn 705 triệu USD, tăng gần 55%, tạo việc làm cho 34.000 lao động; trong số này các DN chế biến thủy sản nói chung và cá tra nói riêng đóng góp khá lớn.
Hiện tại, một số DN thủy sản gặp khó khăn về nguồn vốn, tuy nhiên vẫn duy trì sản xuất ổn định việc làm cho nhiều công nhân, đồng thời kiểm soát được về tài chính.
Ngành công nghiệp cá tra đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương ở ĐBSCL. Điển hình như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang… kim ngạch xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào cá tra, bởi đây là lĩnh vực thế mạnh.
Thủ tướng Chính phủ đã đưa cá tra vào nhóm sản phẩm chiến lược quốc gia, đồng thời đề ra chính sách hỗ trợ trên nhiều mặt để nghề cá phát triển. Dù vậy, đến nay sự đầu tư cho nghề cá chưa xứng tầm, chính sách hỗ trợ chưa kịp thời, mối quan hệ “4 nhà” còn rất lỏng lẻo…
Tại Cần Thơ, Ngân hàng NN- PTNT ủng hộ các DN làm ăn đàng hoàng, sẵn sàng đầu tư vốn cho DN liên kết với người nuôi phát triển nghề cá. Thậm chí DN muốn mua đất mở rộng vùng nguyên liệu cũng được xem xét cho vay. Ngân hàng Vietcombank cho biết, đã có quan hệ với 160 DN thủy sản, tổng dư nợ cho vay hơn 6.363 tỷ đồng. Với tiềm năng phát triển của ngành thủy sản rất dồi dào nên giai đoạn 2010-2015, Vietcombank sẽ dành từ 13.000-15.000 tỷ đồng cung cấp tài chính để phát triển thủy sản, trong đó có cá tra. |
TS. Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho rằng nhu cầu cần vốn để phát triển nghề cá rất lớn. Chỉ riêng về thủy lợi, hạ tầng giao thông… phục vụ nghề cá còn rất ngổn ngang, do đó mỗi khi xảy ra sự cố thì khó xử lý. Hiện nay nuôi cá đòi hỏi vốn lớn, còn DN chế biến xuất khẩu cần vốn lớn hơn gấp nhiều lần.
Thế nhưng các ngân hàng giải ngân còn ít nên DN và người nuôi “tự bơi” là chính. Cũng trăn trở vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Đạo, bức xúc: “Xuất khẩu cá tra có đóng góp khá lớn cho xã hội trên nhiều mặt, nhưng sự đầu tư cũng như chính sách ưu đãi chưa tương xứng.
Một thực trạng tồn tại lâu nay là mỗi khi giá cá tăng thì người nuôi “ẹo” DN, ngược lại cá giảm giá thì một số DN gây khó cho người nuôi. Sự yếu kém này, cộng với thiếu đầu tư tới nơi tới chốn đã kìm hãm sự phát triển nghề cá”.
Theo Bộ NN-PTNT, tới đây sẽ đẩy mạnh đầu tư cho nghề cá một cách toàn diện từ quy hoạch vùng nuôi, cải tạo con giống chất lượng, hạn chế nuôi nhỏ lẻ để tiến tới nuôi tập trung quy mô lớn có kiểm soát đầu vào- đầu ra đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, từng bước đưa hoạt động sản xuất kinh doanh cá tra vào nề nếp.
Đối với vấn đề vốn, Bộ NN-PTNT đề xuất các ngân hàng nên ưu tiên cho những DN xuất khẩu cá tra làm tốt, bán sản phẩm giá cao, tạo việc làm cho nhiều lao động… được hưởng ưu đãi nhằm khuyến khích DN đẩy mạnh chế biến, xuất khẩu, ổn định việc làm cho công nhân.
Nếu đầu tư đồng bộ, tin rằng xuất khẩu cá tra sẽ tiếp tục tăng tốc, xứng tầm là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của đất nước.