Theo TS. Trần Du Lịch, Quốc hội, Chính phủ liên tục đưa ra nghị quyết trong hai năm 2022-2023 để đưa kinh tế vượt qua cơn sóng gió, nhất là tác động từ bên ngoài.
Ông cho biết, Thủ tướng Chính phủ từng nói, trong tình hình thế giới nhiều biến động thì quan trọng là "dĩ bất biến ứng vạn biến", cố gắng ổn định kinh tế vĩ mô, sử dụng linh hoạt các công cụ tài chính, giữ dòng tiền, kéo giảm lãi suất, đồng thời kiểm soát lạm phát… Nhiều giải pháp về lý thuyết là đi ngược nhau nhưng lại khá thành công.
Trong bối cảnh như vậy cho thấy tính linh hoạt ứng biến về chính sách và sự nỗ lực lội ngược dòng của Chính phủ. Năm 2023 dự báo tăng trưởng GDP khoảng 5%, tuy chưa bằng 2019 nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng trong khu vực.
Vị chuyên gia này chia sẻ, Chính phủ nhiều lần dùng "3 động lực phát triển" là xuất khẩu, thị trường nội địa và đầu tư công để kích tổng cầu. Gần đây, chúng ta dùng "cỗ xe tứ mã" gồm tiếp tục đổi mới, tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công để nâng tổng cầu nền kinh tế.
"Năm 2024 "cỗ xe tứ mã" nói trên có thể cải thiện hơn và cũng đã đến lúc phải khai thác được thị trường nội địa. Đây là trọng tâm để cân đối với chính sách nền kinh tế hướng về xuất khẩu và củng cố nội lực của nền kinh tế", TS. Trần Du Lịch nói.
Ông đã đưa ra một số gợi ý giải pháp cho vấn đề này. Cụ thể, Quốc hội đã quyết kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng còn 8%. Giảm thuế giá trị gia tăng là công cụ quan trọng, nếu giảm thuế giá trị gia tăng nhiều hơn có thể ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước nhưng nếu tăng được sức mua thị trường nội địa thì cũng nên tính toán kỹ.
Các ngân hàng cần tiếp tục mở rộng tín dụng tiêu dùng, rà lại toàn bộ tín dụng cho người mua bất động sản. Gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội tiếp tục triển khai sẽ kích cầu toàn diện.
Đồng thời, năm 2023, TPHCM đã triển khai nhiều chương trình kích cầu nhưng cần nhiều chương trình quốc gia để nhiều tầng lớp tiêu dùng có điều kiện tham gia mua sắm. Và đặc biệt tháo gỡ cho nền kinh tế, Chính phủ cần tiếp tục tháo gỡ những vấn đề về thể chế.