Đây là cách làm tương đối mới mẻ và sẽ tạo ra chuyển biến mới mẻ. Tuy nhiên, trừ điểm tài xế có thể xóa hết nhược điểm giao thông, thực tế không đơn giản.
Chuyện áp dụng điểm số cho GPLX để kiểm soát thái độ tuân thủ luật giao thông, đã rất phổ biến ở nhiều quốc gia. Trên tinh thần cập nhật cho tương thích quá trình hội nhập, Việt Nam đưa ra quy chế này, hoàn toàn đáng ủng hộ. Thế nhưng, đường sá Việt Nam vốn nhỏ hẹp và lưu lượng xe máy chiếm đa số, khi học theo cách quản lý xe hơi của thiên hạ không phải dễ dàng. Bây giờ, cách tính điểm cũng xem như cuộc chuẩn bị cho mức độ mua sắm xe hơi đang tăng nhanh trong xã hội.
Từ tham mưu của Cục CSGT, Bộ Công an đề xuất GPLX được cấp 12 điểm mỗi năm. Nếu trong 1 năm bị trừ hết điểm phải thi lại GPLX. Nếu không bị trừ hết điểm, cơ quan chức năng phải cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp. Trong 1 năm tài xế không có vi phạm được cộng hoặc khôi phục điểm cho GPLX hàng năm. Đồng ý chủ trương ấy, Chính phủ sẽ quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện, bảo đảm đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người dân. Đồng thời, Chính phủ khẳng định việc cộng, trừ điểm trong GPLX chỉ là biện pháp quản lý, không phải là hình thức xử phạt hành chính. Nếu mọi quy trình được chỉnh chu, dự luật sẽ được trình Quốc hội khóa 14 thảo luận tại kỳ họp thứ 10.
Vì dự luật mới liên quan đến trách nhiệm và quyền lợi người tham gia giao thông, đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi và phản biện. Bộ Tư pháp đồng ý với quy định cấp điểm cho bằng lái, nhưng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ tiêu chí, căn cứ để xác định điểm bằng lái, căn cứ quy đổi lỗi vi phạm để trừ điểm, đồng thời không quy định việc cộng điểm bằng lái. Ngược lại. Ủy ban Dân tộc khuyến cáo cân nhắc, bỏ nội dung quy định cấp điểm bằng lái vì không phù hợp với tình hình và cơ sở hạ tầng giao thông nước ta, rất dễ phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu người dân. Còn Bộ Công an khẳng định có thể xây dựng quy định việc tính điểm bảo đảm chặt chẽ, dữ liệu về điểm, lịch sử cộng, trừ điểm, thời gian và người thực hiện sẽ công khai và dễ tra cứu từ bất kỳ đâu, vào bất kỳ thời gian nào để ngăn chặn sai phạm, phòng ngừa tiêu cực.
Bất cứ công cụ giám sát xã hội nào cũng chỉ phát huy hiệu quả khi hoàn thiện yếu tố nhân sự phục vụ chuyên nghiệp. Muốn quản lý giao thông “văn minh và toàn diện” cần phải có đội ngũ cán bộ “văn minh và toàn diện”. Ai dám chắc công tác đào tạo, sát hạch và cấp đổi GPLX không còn tì vết? Khi nguồn gốc của mỗi GPLX vẫn mập mờ ẩn số, việc trừ hay cộng điểm vẫn không thể nâng cao chất lượng an toàn giao thông. Thật buồn cười, khi ở kỷ nguyên công nghệ số, các trung tâm sát hạch GPLX lại yêu cầu người dân cam kết chưa từng có GPLX hoặc không bị thu giữ GPLX mới được thi bằng lái mới. Tại sao không thiết lập hệ thống quản lý GPLX chung cho cả nước? Một phần mềm tích hợp dữ liệu GPLX không phải quá khó khăn và quá tốn kém.
Cục CSGT đã đưa ra 28 hành vi và nhóm hành vi sẽ bị khống chế theo quy định trừ điểm GPLX. Đây là mô hình tiệm cận với quy định quốc tế. Tuy nhiên, không thể không lưu ý, nếu đã xử phạt hành chính có trừ điểm GPLX? Mức độ nào xử phạt hành chính và mức độ nào trừ điểm GPLX? Vẫn còn rất nhiều băn khoăn.
Trừ điểm tài xế có thể triệt tiêu nhược điểm giao thông? Câu hỏi cắc cớ ấy cũng là mong muốn của đa số người dân. Nếu đã trừ điểm tài xế cũng phải trừ điểm những người liên quan đến quản lý GPLX và phụ trách an toàn giao thông. Nếu trung tâm sát hạch và cấp GPLX, trong 1 năm có rất nhiều tài xế bị trừ hết 12 điểm phải thi lại, thì sao? Nếu có sự cố bất thường gây cản trở giao thông, trong khoảng thời gian bao lâu sẽ có mặt CSGT để giải quyết? Đường sá sụt lún hoặc lầy lội gây hỗn loạn cho người đi lại, “trừ điểm” ai? Chiến lược “văn minh và toàn diện” cho lĩnh vực giao thông, không chỉ trông mong vào điểm số hiển thị trên mỗi GPLX.