Trump dọa bỏ lập trường “một Trung Quốc”

(ĐTTCO) - Lời cảnh báo của Trump được đưa ra chỉ hơn một tuần sau khi ông có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan...

(ĐTTCO) - Lời cảnh báo của Trump được đưa ra chỉ hơn một tuần sau khi ông có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan...

 

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump ngày 11/12 lên tiếng cảnh báo rằng nước Mỹ không nhất thiết phải giữ lập trường đã duy trì 4 thập kỷ qua rằng Đài Loan là một phần của “một Trung Quốc”. Theo hãng tin Reuters, tuyên bố này của Trump có thể sẽ khiến Bắc Kinh “nổi giận” thêm lần nữa.

Phát biểu trong chương trình “Fox News Sunday”, Trump nói: “Tôi hiểu rõ về chính sách “một Trung Quốc”, nhưng tôi không biết lý do tại sao chúng ta lại bị ràng buộc bởi chính sách “một Trung Quốc”, trừ phi chúng ta có một thỏa thuận về những việc mà Trung Quốc cần phải làm trong những vấn đề khác, bao gồm thương mại”.

Lời cảnh báo của Trump được đưa ra chỉ hơn một tuần sau khi ông có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn. Cuộc điện đàm này đã dẫn tới việc Bắc Kinh tiến hành một cuộc phản đối ngoại giao với chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama.

Trước đó, chính quyền Obama cho biết các trợ lý cấp cao của Nhà Trắng đã trao đổi với giới chức Trung Quốc về cuộc gọi giữa ông Trump với bà Thái, đồng thời khẳng định chính sách “một Trung Quốc” của Washington là không thay đổi. Chính quyền Obama cảnh báo rằng những cải thiện đạt được trong quan hệ Mỹ-Trung có thể bị ảnh hưởng nếu vấn đề Đài Loan bị “thổi bùng”.

Còn hiện tại, cả Trung Quốc và Nhà Trắng chưa có phản ứng gì với những phát biểu mới nhất của Trump.

Trả lời phỏng vấn Fox, Tổng thống đắc cử của Mỹ tiếp tục chỉ trích Trung Quốc về chính sách tiền tệ, vấn đề biển Đông, và lập trường với Triều Tiên. Trump nói, việc ông nhận hay không nhận cuộc gọi từ nhà lãnh đạo Đài Loan không phụ thuộc vào Trung Quốc.

“Tôi không muốn Trung Quốc chỉ cho tôi phải làm gì, và đây là một cuộc gọi cho tôi”, Trump nói. “Đó là một cuộc gọi rất lịch sự. Ngắn gọn. Vậy tại sao một quốc gia khác lại có thể nói tôi không được nhận một cuộc gọi?”.

“Thật lòng mà nói, tôi cho rằng sẽ thực sự là thiếu tôn trọng nếu tôi không nhận cuộc gọi đó”, Trump nói thêm.

“Chúng ta đang chịu ảnh hưởng rất xấu từ việc Trung Quốc phá giá đồng tiền, việc họ đánh thuế nặng đối với hàng hóa của chúng ta trong khi chúng ta không đánh thuế họ, việc họ xây dựng những công trình lớn giữa biển Đông, và việc họ thực ra chẳng giúp được gì cho chúng ta trong vấn đề Triều Tiên”, Trump phàn nàn. “Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, và Trung Quốc có thể giải quyết vấn đề này, nhưng họ chẳng hề giúp chúng ta”.

Một số nhà phân tích liền cảnh báo rằng Trump có thể kích động một cuộc đối đầu quân sự nếu ông đẩy vấn đề Đài Loan đi quá xa.

“Trung Quốc có thể sẽ chấp nhận mối quan hệ với Mỹ xấu đi để chứng tỏ quyết tâm của họ trong vấn đề Đài Loan”, Giáo sư Jesssica Chen Weiss thuộc Đại học Cornell nhận xét.

“Khi một quyết định chấm dứt thông lệ kéo dài nhiều thập niên được đưa ra mà không có cảnh báo trước và thiếu sự liên lạc rõ ràng, thì khả năng hiểu lầm và tính toán sai lầm sẽ gia tăng, mở đường cho một cuộc khủng hoảng giữa Mỹ và Trung Quốc về Đài Loan”, bà Chen Weiss nói.

Ông Mike Green, một cựu cố vấn về châu Á của cựu Tổng thống George W. Bush, cho rằng việc chấm dứt chính sách “một Trung Quốc” có thể là sai lầm, vì sẽ đẩy quan hệ Mỹ-Trung vào bất ổn và phá hỏng sự hợp tác của Bắc Kinh trong những vấn đề như Triều Tiên.

Tuy nhiên, ông Green không cho rằng Trump có ý định tiến xa hơn, bởi Trump có thể chỉ muốn chứng tỏ rằng ông sẽ không để Bắc Kinh “chỉ đạo” mình trong những vấn đề như Đài Loan.

“Tổng thống Obama ban đầu đã quá mềm mỏng với Bắc Kinh, và điều đó khiến ông mất “thế” khi Trung Quốc tỏ ra hung hăng trong những vấn đề như tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông và Hoa Đông sau này”, ông Green nói.

Các tin khác