Tác động và hệ lụy toàn diện đối với Nga
Bị trừng phạt về tài chính, hầu hết ngân hàng Nga sẽ không thể truy cập vào hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT với các tiện ích chuyển tiền nhanh chóng và hiệu quả. Nhưng tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất là các lệnh trừng phạt đối với tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga (CBRF).
Hơn một nửa trong số khoảng 630 tỷ USD dự trữ ngoại hối đã bị đóng băng vì chúng được giữ ở nước ngoài, chủ yếu ở các nước phương Tây. Nói nôm na, các cá nhân, công ty và tổ chức tài chính của Nga sẽ bị bỏ đói vì không được “ăn” ngoại tệ cứng.
Hạn chế trong việc sử dụng dự trữ ngoại hối, CBRF đã “bó tay” trong nỗ lực bảo vệ đồng tiền của Nga. Hậu quả nhãn tiền là đồng rúp giảm khoảng 40% so với USD trong 3 tuần kể từ khi chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine bắt đầu. Lãi suất qua đêm của CBRF tăng gấp đôi lên 20% vào cuối tháng 2 đã tác động xấu đến thị trường tiêu dùng, đầu tư và nhà ở của Nga.
Với việc nhóm 7 nước công nghiệp (G-7) đơn phương thu hồi quy chế thương mại tối huệ quốc, Nga không còn được giao dịch theo các điều kiện ưu đãi với phương Tây theo các quy tắc của WTO, sẽ phải đối mặt với mức thuế cao hơn đối với hàng hóa xuất khẩu. G-7 cũng chặn Nga tiếp cận các nguồn lực từ IMF và WB.
Các biện pháp trừng phạt thậm chí còn mở rộng sang lĩnh vực thể thao và văn hóa, nhắm vào các đối tượng cụ thể mang thương hiệu Nga, như đội tuyển thể thao và dàn nhạc giao hưởng. Doanh nghiệp nhiều nước sẽ tránh làm ăn với Nga.
Chẳng hạn, nhiều thương nhân, công ty tiện ích và nhà máy lọc dầu đã ngừng mua dầu và hàng hóa của Nga, dù chỉ có Mỹ và Canada áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các mặt hàng này. Ngay cả chưa bị bắt buộc, ngân hàng và công ty vận tải biển nhiều nước cũng không dám giao dịch với đối tác Nga, vì sợ có thể phải đối mặt với hình phạt nào đó trong tương lai.
Mặc dù Nga vẫn tiếp tục xuất khẩu năng lượng sang nhiều nước ở châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng theo ước tính của Ngân hàng đầu tư JP Morgan, có khả năng 2/3 số dầu của Nga đang gặp khó khăn trong việc tìm người mua và đang trên đà giảm giá mạnh. Chính phủ Nga đang cố gắng củng cố lại ngân khố trong nước, bằng cách yêu cầu tất cả doanh nghiệp bán 80% thu nhập ngoại tệ của họ cho CBRF và giảm dòng vốn chảy ra ngoài.
Mất quyền tiếp cận với nhiều hàng hóa và dịch vụ của phương Tây để tiêu dùng hoặc sử dụng làm đầu vào, người dân và doanh nghiệp Nga sẽ nghèo đi, khi giá trị nắm giữ bằng đồng rúp bị xói mòn nghiêm trọng tính theo các ngoại tệ mạnh. Hàng ngàn người có kỹ năng tay nghề cao sẽ bỏ nước Nga và nguồn nhân tài mất đi sẽ gây ra thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế.
Theo nhiều nhà phân tích, nếu chiến tranh kéo dài và chi phí của nó tăng lên, cùng với các lệnh trừng phạt ngày càng nghiêm trọng hơn, tác động kinh tế đối với Nga sẽ trở nên rõ rệt. Các kịch bản xảy ra bao gồm làn sóng phá sản doanh nghiệp, dẫn đến sa thải và bất ổn xã hội. Việc người dân ồ ạt rút tiền sẽ buộc CBRF phải in tiền trên quy mô lớn, dẫn đến siêu lạm phát.
Năng lực tự cường và ngõ lách cho doanh nghiệp
Biện pháp nào cũng đều có kẽ hở, và người Nga với năng lực và sức chịu đựng đã được chứng minh trong nhiều giai đoạn trước đây trong lịch sử, sẽ có cách giải quyết. Theo nhiều nhà quan sát, người Nga sẽ vẫn có thể phát triển kinh tế bằng cách mở rộng thương mại với các nước không tham gia trừng phạt như Triều Tiên, Iran, Venezuela, Myanmar và Trung Quốc.
Quan hệ đối tác chặt chẽ và mang tính truyền thống sẽ cho phép Nga bán thực phẩm và nhiên liệu cho Trung Quốc trên quy mô lớn, được hỗ trợ qua các tổ chức tài chính chuyên dụng. Doanh nghiệp Nga có thể giao dịch bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và sử dụng các lựa chọn thanh toán Trung Quốc đã đưa ra thay cho SWIFT.
Nga cũng gần với Ấn Độ, một trong những quốc gia cung cấp vũ khí lớn nhất và hiện đang thu hút các khoản đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, doanh nghiệp ở Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như các quốc gia khác không tham gia lệnh trừng phạt, sẽ cảnh giác với khả năng bị áp dụng các lệnh trừng phạt thứ cấp, nên sự ủng hộ của họ đối với Nga có thể bị hạn chế.
Ngoài ra, phải kể đến các chiêu thức nhiều nước đã sử dụng như ngụy trang danh tính cá nhân, công ty và quốc gia, hay các mặt hàng được giao dịch. Doanh nghiệp Nga có thể cử đại diện đến các nước không tham gia trừng phạt và sử dụng thị trường ngoại hối ở đây để mua ngoại tệ. Phương cách này đã được Iran áp dụng với mạng lưới ở các nước Ả Rập láng giềng. Doanh nghiệp Nga có thể sẽ tận dụng Dubai, trung tâm tài chính hàng đầu ở Trung Đông.
Một ngõ lách các doanh nghiệp Nga đã nắm vững từ lâu, là thành lập các công ty vỏ bọc (shell company) tại các thiên đường thuế các quốc gia và cá nhân bị trừng phạt sử dụng làm bình phong. Có cấu trúc sở hữu nhiều lớp, phức tạp, các công ty này cũng sẽ được kiểm soát bởi công dân của quốc gia bị trừng phạt sống ở nước ngoài và giữ nhiều hộ chiếu.
Để chuyển hàng hóa và dịch vụ đến/từ các nước bị trừng phạt, chứng từ thương mại như vận đơn có thể được làm giả. Ngoài ra, doanh nghiệp Nga có thể sử dụng các tuyến du lịch đường biển, chuyển tải từ địa điểm gần với các điểm đến bị trừng phạt, thay cờ trên tàu để tránh bị phát hiện, thậm chí sử dụng việc chuyển hàng từ tàu này sang tàu khác trong hải phận quốc tế và tắt hệ thống nhận dạng tự động.
Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng Nga có thể sử dụng các ngân hàng nhỏ ở các nền kinh tế mới nổi có quan hệ đại lý với các ngân hàng lớn để thực hiện chuyển tiền toàn cầu. Tiền mã hóa điện tử cũng sẽ là kênh trung chuyển tài chính khả thi.
Các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây sẽ tác động, gây hệ lụy toàn diện đối với Nga. Song với năng lực tự cường, doanh nghiệp Nga vẫn có thể lách được. |