Các nhà chức trách ở Cáp Nhĩ Tân, nơi phát hiện 75 ca nhiễm gần đây, cho biết hành động trên được thực hiện vì không có phương pháp điều trị sẵn có cho động vật mắc bệnh và chúng sẽ gây nguy hiểm cho chủ sở hữu và những cư dân khác của khu chung cư mà chúng sinh sống, báo điện tử Beijing News cho biết.
Người chủ có kết quả xét nghiệm dương tính với virus vào ngày 21 tháng 9, được đưa vào khu cách ly sau khi để lại thức ăn và nước uống cho ba con mèo.
Một nhân viên cộng đồng đã đến và cho mèo xét nghiệm virus corona, kết quả hai lần đều cho kết quả dương tính. Bất chấp lời kêu gọi qua trực tuyến của chủ nhân, cô Liu, những con mèo đã bị giết vào tối thứ Ba (28/9).
Việc sở hữu vật nuôi trở nên ngày càng phổ biến ở Trung Quốc và báo cáo của tờ báo về trường hợp này đã thu hút hơn 52.000 bình luận.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, nguy cơ động vật lây lan SARS-CoV-2, loại virus gây ra COVID-19, cho người “được coi là thấp”, mặc dù ngược lại, virus có thể lây truyền từ người sang động vật trong một số tình huống, đặc biệt là khi có tiếp xúc gần.
COVID-19 đã được báo cáo tại các trang trại nuôi chồn hương ở một số quốc gia, bao gồm cả các trường hợp cho rằng con người có thể đã bị nhiễm bệnh từ động vật, khiến các loài động vật bị tiêu hủy hàng loạt.
CDC cho biết trên trang web của mình: “Những người bị nghi ngờ hoặc đã được xác nhận dương tính với COVID-19 nên tránh tiếp xúc với động vật, bao gồm cả vật nuôi trong nhà, vật nuôi ở trang trại và động vật hoang dã.”
Tuy vậy, CDC cũng nói thêm: “Tại thời điểm này, không có bằng chứng cho thấy động vật đóng một vai trò quan trọng” trong việc lây lan virus sang người.
“Một số loại virus corona lây nhiễm cho động vật có thể lây sang người và sau đó lây lan giữa người với người, nhưng trường hợp này rất hiếm. Đây là những gì đã xảy ra với SARS-CoV-2, loại virus có khả năng bắt nguồn từ dơi”, CDC cho biết.
Giả thuyết cho rằng virus được truyền từ dơi sang người, có thể thông qua một loài trung gian như tê tê hoặc chuột tre, đã được các nhà khoa học ủng hộ mạnh mẽ khi nghiên cứu nguồn gốc của COVID-19, được phát hiện lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc, vào cuối năm 2019.
Tổ chức bảo vệ quyền động vật PETA cho biết động vật nên được đối xử “giống như cách con người nên được đối xử” và họ không thấy bằng chứng nào cho thấy con người đã nhiễm virus từ mèo.
“PETA kêu gọi những người giám hộ bảo vệ bản thân và những người bạn đồng hành của họ bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa cơ bản: Nếu bạn không bắt tay ai đó, bạn cũng không nên vuốt ve con chó hoặc con mèo của bạn”, tổ chức nói.
Việc giết mèo là một ví dụ về những biện pháp đôi khi cực đoan mà Trung Quốc đã thực hiện để kiểm soát virus, ngay cả khi tỷ lệ lây nhiễm vẫn thấp hơn nhiều so với các nước khác.
Các biện pháp đóng cửa, đeo khẩu trang, xét nghiệm hàng loạt và tỷ lệ tiêm chủng cao đã được ghi nhận là có tác dụng ngăn chặn các đợt bùng phát mới.
Hôm thứ Tư, Trung Quốc báo cáo chỉ có 11 trường hợp lây nhiễm mới tại địa phương, tám trong số đó ở Cáp Nhĩ Tân và ba ở thành phố phía đông Hạ Môn, cả hai nơi đều đã xuất hiện tình trạng bùng phát gần đây.
Trung Quốc hiện có 949 bệnh nhân đang được điều trị vì COVID-19. Quốc gia này đã báo cáo 4.636 trường hợp tử vong vì căn bệnh này trong tổng số 96.106 trường hợp được báo cáo.