Đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã kết thúc vào sáng hôm qua 14-11, sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa mới được bầu chọn.
Trẻ hóa nhân sự
Theo Tân Hoa Xã, các đại biểu quốc hội đã thông qua nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa 17, báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và thông qua dự thảo sửa đổi Điều lệ Đảng. “Quốc hội đã bầu một Ban Chấp hành Trung ương mới của Đảng và thay các lãnh đạo lớn tuổi bằng thế hệ trẻ hơn” - Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nói trong lễ bế mạc.
Quang cảnh Đại hội 18. |
Trong 7 ngày qua, Đại hội đã đưa ra bàn thảo những nội dung quan trọng: Nâng gấp đôi GDP cả nước và GDP đầu người vào năm 2020; kiên định con đường cải cách mở cửa, cải cách chính trị nhưng sẽ không có chuyện đi theo mô hình của phương Tây; kiên quyết chống tham nhũng.
Ông Hồ nhấn mạnh, nếu việc phòng chống tham nhũng không được tiến hành hiệu quả, Đảng và nhà nước do Đảng lãnh đạo sẽ sụp đổ.
Tân Hoa Xã cho biết 2 ông Tập Cận Bình, và ông Lý Khắc Cường, đã trúng cử vào Ban Chấp hành Trung ương khóa 18. Các nguồn tin nước ngoài như BBC (Anh), The Age (Australia) tin rằng Đại hội 18 đã đồng thuận việc để ông Tập Cận Bình lên thay ông Hồ Cẩm Đào ở cương vị Tổng Bí thư và Chủ tịch nước. Tuy nhiên, ông Tập vẫn là Phó Chủ tịch nước cho tới kỳ họp Quốc hội vào mùa xuân năm sau.
Tương tự, ông Lý Khắc Cường sẽ lên thay Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Nhiều nguồn tin cũng xác nhận Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18 chỉ còn 7 ủy viên, so với 9 ủy viên của khóa 17. Theo BBC, ngoài 2 ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường đã được chính thức xác nhận, 5 vị trí Thường vụ Bộ Chính trị khác có thể sẽ là các ông Trưởng ban Tuyên giáo Lưu Vân Sơn, Phó Thủ tướng Trương Đức Giang, Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn, Bí thư Thành ủy Thiên Tân Trương Cao Lệ và Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lý Nguyên Triều.
Kết quả chính thức về Thường vụ mới sẽ công bố vào lúc 11 giờ hôm nay (15-11), khi ban lãnh đạo mới của Trung Quốc ra mắt báo giới tại sảnh Đông của Đại Lễ đường Nhân dân.
Thách thức phía trước
Nghị quyết của Ban Chấp hành khóa 18 cho biết sẽ kiên định theo con đường xã hội chủ nghĩa mang đặc tính của Trung Quốc. Nghị quyết nhấn mạnh việc xây dựng xã hội hài hòa trên cơ sở của Nghị quyết Ban Chấp hành khóa 16 và 17. Theo đó, kinh tế phải ổn định và phát triển mạnh; dân chủ phải được mở rộng; tăng cường văn hóa quyền lực mềm; mức sống được cải thiện…
Về kinh tế, Đại hội nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy mạnh nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; thay đổi của mô hình tăng trưởng, dựa nhiều hơn vào cải tiến chất lượng và hiệu suất; phát triển các ngành công nghiệp hiện đại; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nền kinh tế mở…
Nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh đẩy mạnh chống tham nhũng và thúc đẩy tính toàn vẹn chính trị, chống thoái hóa đạo đức…, là cam kết chính trị rõ ràng và lâu dài của Đảng và là một vấn đề chính trị lớn đáp ứng mối quan tâm của người dân.
Ban lãnh đạo mới của Trung Quốc có thể sẽ tại vị trong 2 nhiệm kỳ 5 năm. Ngay sau khi đảm nhận chức vụ mới, họ phải đối diện với nhiều thách thức về kinh tế, chính trị và xã hội. Hiện nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại một cách đáng lo ngại.
Tăng trưởng GDP đã giảm liền 7 quý và Chính phủ ước tính tăng trưởng GDP năm nay sẽ ở mức thấp nhất, kể từ năm 2004. Về chính trị-xã hội, Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng bất ổn ở các khu vực người Tây Tạng, với làn sóng biểu tình bùng phát mạnh vài tuần lễ qua.
Về đối ngoại, Trung Quốc đang đứng trước thách thức về tư tưởng bài xích Trung Quốc đang ngày càng lớn ở nước ngoài, đặc biệt sau những tranh chấp về biển đảo với các nước trong khu vực Đông và Đông Nam Á. Doanh nghiệp Trung Quốc cũng bị bài xích nhiều hơn khi đầu tư ra nước ngoài, nghi ngờ động cơ đầu tư của các công ty quốc doanh Trung Quốc.