Với giả định về tăng trưởng và tỷ giá hối đoái, Economist dự báo kinh tế Trung Quốc có thể vượt Hoa Kỳ, giành vị trí 1 thế giới trong thập kỷ tới.Năm 2010, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (dựa trên giá cả thị trường hiện tại). Nhưng khi nào thì Trung Quốc có thể vượt Mỹ để giữ vị trí số 1? Câu trả lời phục thuộc vào cách tính tỷ giá hối đoái.
![]() |
Trên cơ sở các dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các số liệu GDP được Angus Maddison, một nhà sử học kinh tế thu thập dựa trên cơ sở ngang giá sức mua (PPP), quy mô kinh tế Trung Quốc hiện đã gần bằng Mỹ và có thể vượt qua nước này vào năm 2016.
Trung Quốc tụt lại phía sau nếu nền kinh tế được tính toán bằng đồng USD hiện tại (và thấp hơn nữa nếu theo GDP bình quân đầu người). GDP Hoa Kỳ năm 2010 là 14,5 nghìn tỷ USD với giá thị trường hiện tại, trong khi của Trung Quốc là 5,9 nghìn tỷ USD.
Khoảng cách này có thể thu hẹp nhanh chóng nếu hội đủ 3 yếu tố: tốc độ tăng trưởng GDP thực tại Hoa Kỳ và Trung Quốc tương đương, khoảng cách lạm phát giữa 2 nền kinh tế, và mức tăng hay giảm của đồng nhân dân tệ so với USD.
Tờ Economist đã nghiên cứu các số liệu và thấy rằng, dựa trên các giả định hợp lý về 3 biến này, Trung Quốc có thể vượt Hoa Kỳ trong thập kỷ tới. 10 năm qua, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trung bình hơn 10% mỗi năm. Khi Trung Quốc giàu hơn và dân số trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm, tỷ lệ tăng trưởng có thể sớm xuống 8%. Với nền kinh tế Mỹ, tính toán giả định mức tăng trưởng trung bình năm là 2,5%.
Lạm phát có xu hướng tăng cao hơn tại nền kinh tế mới nổi đang phát triển nhanh chóng so với các nước giàu đang tăng trưởng chậm lại. Tăng trưởng sản xuất nhanh chóng trong các lĩnh vực công nghiệp xuất khẩu làm tăng chi phí lương trung bình trong nền kinh tế, bao gồm cả các dịch vụ phi thương mại với năng suất thấp. Điều đó làm tăng lạm phát trung bình. Dự báo cho rằng tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc sẽ là 4% so với 2% tại Mỹ.
Yếu tố thứ ba là tỷ giá hối đoái. Để đuổi kịp Mỹ, Trung Quốc cần điều chỉnh lại nền kinh tế đang dựa vào xuất khẩu sang chi tiêu dùng, việc sẽ đòi hỏi tăng tỷ giá trao đổi thực tế. Thặng dư tài khoản vãng lai lớn của Trung Quốc và thâm hụt thương mại lớn của Mỹ cũng cho thấy đồng nhân dân tệ sẽ mạnh hơn nữa và đồng USD phải yếu hơn.
Economist tính toán rằng mức tăng trung bình của đồng nhân dân tệ so với USD là 3% với mức đỉnh lạm phát 2%. Điều này cho thấy sự giảm nhẹ trong đợt tăng giá gần đây của đồng nhân dân tệ.
Nếu tất cả những điều này đạt được, nền kinh tế Trung Quốc sẽ lớn hơn Hoa Kỳ vào năm 2020. Với một giả định khác là tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc 6%, của Hoa Kỳ là 3% cùng với mức tăng giá của đồng nhân dân tệ là 2%/năm thì thời điểm giành vị trí số 1 của Trung Quốc sẽ là năm 2024.