Một nhà kiểm toán cấp cao ở Trung Quốc vừa cảnh báo nợ của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã “vượt tầm kiểm soát” và có thể trở thành một cuộc khủng hoảng tài chính còn lớn hơn cuộc khủng hoảng thị trường thứ cấp ở Hoa Kỳ năm 2007.
Nhà kiểm toán Zhang Ke cho biết công ty kiểm toán của ông là ShineWing đã chấm dứt việc mua bán trái phiếu chính quyền địa phương sau kết quả nghiên cứu đáng lo ngại.
“Chúng tôi kiểm toán trái phiếu của một số địa phương và phát hiện chúng quá nguy hiểm, nên đã rút lui. Hầu hết chính quyền địa phương không có khả năng trả nợ lớn. Mọi thứ có thể trở nên rất nghiêm trọng” - ông Zhang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kiểm toán Trung Quốc, nói.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các định chế đánh giá tín nhiệm toàn cầu và các ngân hàng đầu tư trước đó đều nêu quan ngại về nợ chính quyền ở Trung Quốc. Nhưng việc một nhân vật được trọng vọng trong ngành tài chính trong nước như ông Zhang lên tiếng cảnh báo là rất hiếm.
Đặc biệt, ông Zhang dùng ngôn từ khá mạnh mẽ: “Tình hình đã ngoài tầm kiểm soát. Một cuộc khủng hoảng là hoàn toàn có thể. Nhưng vì các khoản nợ là dài hạn và được che dấu, nên thời điểm bùng nổ không chắc lắm”.
![]() |
Những dự án như thế này đã khiến các chính quyền |
Nợ của các chính quyền địa phương Trung Quốc tăng mạnh từ sau năm 2008, khi Bắc Kinh nới lỏng chính sách vay mượn để chống lại tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Chính quyền các tỉnh, huyện, xã ở Trung Quốc ước tính nợ từ 10.000-20.000 tỷ NDT (1.600-3.200 tỷ USD), tương đương 20-40% GDP.
Tuần trước, 1 trong 3 đại gia đánh giá tín nhiệm toàn cầu là Fitch Ratings đã hạ bậc tín nhiệm của Trung Quốc, lần đầu tiên kể từ năm 1999. Hãng này ước tính nợ của các chính quyền địa phương Trung Quốc ở mức 12.850 tỷ NDT (2.057 tỷ USD). Tuy nhiên, dường như Fitch còn lạc quan hơn các quan chức cấp cao Trung Quốc.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Xiang Huaicheng phát biểu trong một hội nghị tuần trước rằng nợ địa phương ở nước này khoảng 20.000 tỷ NDT. Trước đó, Cục Kiểm toán Trung Quốc ước tính nợ các chính quyền địa phương vào khoảng 18.000 tỷ NDT (2.882 tỷ USD). Hôm 16-4, một đại gia đánh giá tín nhiệm toàn cầu khác là Moody’s đã hạ triển vọng tín dụng của Trung Quốc từ “tích cực” xuống “ổn định”.
Theo quy định của luật pháp, các chính quyền địa phương Trung Quốc không được trực tiếp huy động nợ, vì vậy họ dùng các phương tiện đặc biệt (các công ty đầu tư) để lách luật, phát hành trái phiếu dưới tên các công ty này để huy động vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Các công ty đầu tư của các chính quyền địa phương đã bán ra khoảng 283 tỷ NDT (45,3 tỷ USD) trong quý I-2013, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Thông thường, sự gia tăng này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng tăng trưởng GDP Trung Quốc chậm lại ở mức tăng 7,7% trong quý I.
Ông Zhang cho biết nhiều chính quyền địa phương đã đầu tư vào các dự án như quảng trường công cộng, sửa chữa đường sá… Những dự án này có khả năng thu lợi nhuận rất kém, nên rất khó có khả năng trả nợ. “Điều duy nhất họ có thể làm để trả nợ cũ là phát hành thêm nợ mới” - ông Zhang nói.
Ông Zhang cảnh báo tình hình ngày một nguy hiểm do ngày càng nhiều thị trấn và huyện nhỏ lẻ cũng tìm cách phát hành trái phiếu để huy động vốn: “Điều này rất đáng sợ, vì Trung Quốc có tới hơn 2.800 huyện. Nếu huyện nào cũng phát hành nợ, nó sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng, quy mô thậm chí lớn hơn cả cuộc khủng hoảng thứ cấp ở Hoa Kỳ”.
Một điều nguy hiểm nữa là trái phiếu do các công ty đầu tư của chính quyền phát hành luôn được các tổ chức đánh giá tín nhiệm trong nước đánh giá cao vì cho rằng chúng sẽ được chính quyền bảo đảm.
Bắc Kinh từ lâu đã nhận thức được sự nguy hiểm của nợ chính quyền địa phương và có ban hành nhiều chính sách kiềm chế. Thí dụ, tháng 12-2012, Bộ Tài chính cấm các chính quyền địa phương đầu tư vào các công trình công cộng như trường học và bệnh viện.