Chính phủ siết chặt tín dụng đã kích thích hoạt động tín dụng bất hợp pháp. Trong đó, thành phố Ôn Châu tỉnh Chiết Giang nổi lên như một điểm nóng. Đầu năm nay, một phụ nữ đã nhận án tử hình vì huy động vốn bất hợp pháp. tiếp đó, một giám đốc điều hành bị bắt đã dấy lên cuộc tranh luận gay gắt về cho vay tư nhân.
Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã bị cuốn vào guồng máy vay và cho vay tư nhân bất hợp pháp, đặc biệt khi các ngân hàng Trung Quốc hạn chế cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa để hạ nhiệt nền kinh tế.
Trong vụ án cho vay tư nhân bất hợp pháp lớn nhất làm chấn động Trung Quốc, các quan chức tỉnh Chiết Giang đã bắt giữ Chủ tịch Công ty Wenzhou Liren Education Group Co., Ltd. Dong Shunsheng vì vay mượn bất hợp pháp ít nhất 2,2 tỷ NDT trong 9 năm qua, tờ Securities Times cho biết.
![]() |
Ôn Châu - điểm nóng “tín dụng đen” ở Trung Quốc. |
Tháng 10-2011, Liren Group thông báo rằng họ không còn khả năng trả nợ 2,2 tỷ NDT đã vay của 1.000 người, khiến chính phủ phải mở cuộc điều tra. Ngoài số tiền Liren Group còn nợ người cho vay, vẫn chưa rõ công ty đã vay bất hợp pháp tổng cộng bao nhiêu tiền kể từ khi thành lập vào năm 2003.
Lin Caihong, luật sư Công ty Luật King & Bong Bắc Kinh - đại diện người cho vay Liren Group, cho biết số tiền liên quan có thể lớn hơn nhiều so với con số Liren Group thừa nhận. Liren Group chỉ tính khoảng 1.000 người cho vay có đăng ký, nhưng thực tế lên đến khoảng 4.000 người. Liren Group đã trả 3,5 tỷ NDT tiền lãi bằng chính các khoản vay, nâng tổng giao dịch đi vay tư nhân lên ít nhất 5,7 tỷ NDT.
Cùng với việc bắt giữ Chủ tịch Liren Group Dong Shunsheng, Chiết Giang cho biết họ cũng đang điều tra 6 giám đốc khác của Liren Group vì đi vay bất hợp pháp. Ngoài các trường trung học tư, Liren Group còn đầu tư trái ngành vào phát triển bất động sản và công nghiệp than.
Thành phố Ôn Châu tỉnh Chiết Giang, nơi Liren Group đặt trụ sở, khét tiếng với những ổ cho vay nặng lãi, càng trở thành đầu đề cho dư luận khi hàng chục CEO đột nhiên mất tích hoặc lánh ra nước ngoài để trốn trả các khoản vay “tín dụng đen” lãi suất cao.
Hè năm ngoái, chi nhánh của Ngân hàng Trung ương tại Ôn Châu báo cáo tổng số tiền cho vay tư nhân trong khu vực đã đạt 110 tỷ NDT, liên quan đến 89% các cá nhân và gia đình, cũng như 60% các công ty. Tỉnh Chiết Giang cũng là địa bàn của nữ doanh nhân 31 tuổi Wu Ying, từng được Viện nghiên cứu Hurun ca ngợi là người phụ nữ giàu có đứng hàng thứ 6 của Trung Quốc.
Trong phiên xét xử lần hai vào ngày 17-1, Tòa án nhân dân tỉnh Chiết Giang quyết định y án tử hình ban đầu với lý do Wu Ying đã “gây quỹ bất hợp pháp, gây tổn thất rất lớn cho đất nước và nhân dân với các tội lỗi nghiêm trọng, do đó phải bị nghiêm trị”.
Thị trường tín dụng tư nhân rối ren là môi trường phát sinh những hành vi phạm pháp gây thiệt hại lớn đối với người cho vay lẫn kẻ đi vay. Nhằm cải thiện tình hình, thành phố Ôn Châu đã thực hiện chương trình tài chính thí điểm, trong đó nhấn mạnh những biện pháp như phát triển các quỹ đầu tư vốn, thiết lập các hệ thống đăng ký và quản lý cho vay tư nhân. Kinh nghiệm từ Ôn Châu đang được phổ biến ra các tỉnh, thành khác.
Chẳng hạn thành phố láng giềng Quanzhou tỉnh Phúc Kiến đã trình kế hoạch cải cách lên chính quyền trung ương, nhằm thực hiện các cải cách tài chính thí điểm hợp pháp hóa thị trường cho vay/đi vay tư nhân, tăng cường các kênh tín dụng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hình thành thị trường tín dụng công bằng và minh bạch hơn.
Trong tháng 7, tỉnh Quảng Đông cũng đã thông qua những cải cách tài chính thí điểm tương tự tại 11 thành phố vùng đồng bằng Châu Giang - một trong những trung tâm kinh tế chính của Trung Quốc.