Trung Quốc: Quyết tâm cải tổ, cân bằng kinh tế

Tại buổi khai mạc kỳ họp quốc hội thường niên diễn ra hôm qua 5-4, Trung Quốc tỏ dấu hiệu mạnh mẽ cho biết sẽ chấm dứt mô hình theo đuổi tăng trưởng bằng mọi giá, cam kết khởi động “chiến tranh” chống lại ô nhiễm và giảm tỷ trọng đầu tư công xuống mức thấp nhất để hướng tới phát triển cân bằng hơn.

Tại buổi khai mạc kỳ họp quốc hội thường niên diễn ra hôm qua 5-4, Trung Quốc tỏ dấu hiệu mạnh mẽ cho biết sẽ chấm dứt mô hình theo đuổi tăng trưởng bằng mọi giá, cam kết khởi động “chiến tranh” chống lại ô nhiễm và giảm tỷ trọng đầu tư công xuống mức thấp nhất để hướng tới phát triển cân bằng hơn.

Không khoan nhượng tham nhũng, ô nhiễm

Trong bài diễn văn khai mạc, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói Trung Quốc nhắm đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5% trong năm nay, mức cao nhất trong số các nền kinh tế lớn của thế giới, nhưng nhấn mạnh rằng mức tăng trưởng này không đổi bằng hy sinh cải tổ.

Dù đây là mục tiêu không đổi so với năm trước, ông Lý nói nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ gia tăng áp lực cải tổ lên mọi lĩnh vực, từ môi trường cho đến tài chính, cho dù những lĩnh vực đó tạo ra tăng trưởng để hỗ trợ thu nhập và việc làm.

Sau 30 năm tăng trưởng nóng 2 con số đã giúp đưa hàng triệu người ra khỏi đói nghèo nhưng cũng làm ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước và không khí, đồng thời đẩy đất nước tới mức nợ đáng ngại, Trung Quốc đang cố gắng thay đổi chiến lược và tái cân bằng nền kinh tế.

“Cải tổ là ưu tiên số một của chính phủ” - ông Lý nói trước 3.000 đại biểu trong kỳ họp quốc hội kéo dài 10 ngày tại Bắc Kinh. “Chúng ta phải có dũng khí để chiến đấu và phá vỡ xiềng xích trong tư duy và nhóm lợi ích, để tiến hành các cải cách sâu rộng trên tất cả mặt trận. Các nhà máy hoạt động cầm chừng sẽ bị đóng cửa, đầu tư tư nhân sẽ được khuyến khích, và việc nghiên cứu hệ thống thuế môi trường mới sẽ được đẩy mạnh để tạo ra một nền kinh tế xanh hơn và cân bằng hơn dựa trên tiêu thụ chứ không phải đầu tư”.

Tại nhiều khu vực thành thị ở Trung Quốc, đặc biệt Bắc Kinh, ô nhiễm thường xuyên vượt mức giới hạn an toàn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ông Lý thừa nhận lớp khói mù độc hại tại các thành phố Trung Quốc là “đèn đỏ cảnh báo của thiên nhiên về mô hình tăng trưởng không hiệu quả”.

Thủ tướng Lý Khắc Cường đọc diễn văn khai mạc kỳ họp quốc hội.

Thủ tướng Lý Khắc Cường đọc diễn văn khai mạc kỳ họp quốc hội.

Để hỗ trợ công cuộc chuyển đổi, cơ quan hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc, Ủy ban Cải tổ và Phát triển quốc gia (NDRC), báo cáo trước quốc hội rằng chính phủ sẽ nhắm đến mục tiêu tăng trưởng đầu tư tài sản cứng 17,5% trong năm nay, mức thấp nhất 12 năm.

Đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nền kinh tế Trung Quốc những năm qua, đóng góp hơn một nửa trong tăng trưởng 7,7% của GDP năm ngoái, với mức tăng 19,6%, vượt mục tiêu 18% được chính phủ đề ra trước đó.

Ông Lý cũng cam kết sẽ đấu tranh chống tham nhũng “không khoan nhượng”. Điều này phù hợp với những kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình. Từ khi lên nắm quyền vào năm ngoái, ông Tập đã triển khai nhiều chiến dịch chống tham nhũng ở cấp cao. Trong loạt nỗ lực chống tham nhũng mới nhất, các đại biểu đến tham dự cuộc họp quốc hội năm nay bị cấm tổ chức yến tiệc hay nhận quà.

Chiến dịch “khắc khổ” của ông Tập được cho đã ảnh hưởng mạnh đến doanh số các mặt hàng xa xỉ ở Trung Quốc, từ túi Gucci và xe Ferrari đến các loại rượu quý phục vụ ở các buổi tiệc. Chi tiêu cho lĩnh vực này chỉ tăng 2% trong năm 2013, thấp nhất từ năm 2000.

Quyết tâm cải tổ?

Ông Lý, Thủ tướng Trung Quốc đầu tiên có bằng Tiến sĩ kinh tế, nói chính phủ sẽ duy trì mục tiêu lạm phát quanh mức 3,5% trong năm nay, đồng thời tăng cung tiền M2 lên 13% và giữ thâm hụt tài chính ở mức 2,1% GDP. Tất cả những mục tiêu này đều khớp với các dự báo của giới quan sát trước đó.

Tại buổi khai mạc, ông Lý cũng lặp đi lặp lại những luận điểm của chính phủ về cải tổ tài chính, cho rằng việc kiểm soát đồng NDT sẽ được nới lỏng dần dần và cuối cùng tiền gửi sẽ được bảo hiểm, nhưng không đưa ra thời gian biểu cụ thể nào. Giới phân tích cũng kỳ vọng Bắc Kinh sẽ đưa ra được những biện pháp hữu hiệu để kiểm soát lĩnh vực nợ chính quyền địa phương trong kỳ họp này. Đây là một vấn đề từng gây rất nhiều tranh cãi, và là một trong những lý do khiến các nhà quan sát lo ngại về sự sụp đổ của hệ thống tài chính Trung Quốc.

Một số nhà phân tích hoan nghênh kế hoạch tăng trưởng kinh tế cân bằng hơn của Trung Quốc như một dấu hiệu rằng cỗ máy khổng lồ Trung Quốc sẽ tiếp tục là đầu kéo cho tăng trưởng kinh tế khu vực và thế giới. Các thị trường tiền tệ trong khu vực đã phản ứng tích cực với tin tức này, vì trước đó nhiều người lo ngại Bắc Kinh sẽ giảm mục tiêu tăng trưởng xuống 7%, có thể làm ảnh hưởng đến tăng trưởng của khu vực.

“Với tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến 7,5% trong một thời gian nữa, chúng tôi cho rằng mục tiêu này sẽ giúp hỗ trợ khu vực châu Á về thương mại, tiền tệ và hàng hóa nói chung” - Annette Beacher, Giám đốc bộ phận nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương của TD Securities ở Singapore, nói. Tuy nhiên, một số nhà phân tích lo ngại rằng việc Bắc Kinh từ chối hy sinh mục tiêu tăng trưởng có thể là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc vẫn không “thật tâm” muốn cải tổ mạnh mẽ.

“Bằng việc giữ mục tiêu tăng trưởng 7,5%, đó là một dấu hiệu cho thấy có thể họ sẽ không giải quyết tăng trưởng tín dụng nhanh như chúng ta kỳ vọng” - Julian Evans-Pritchard, một kinh tế gia của Capital Economics ở Singapore, nhận xét. 

Các tin khác