Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội Trung Quốc khóa 12 vừa khai mạc hôm 5-3, đánh dấu sự chuyển giao quyền lực 10 năm 1 lần ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Người ta mong đợi một Trung Quốc dưới thế hệ lãnh đạo mới sẽ phát triển bền vững hơn.
Lời người ra đi
Thủ tướng sắp mãn nhiệm Ôn Gia Bảo đã bắt đầu kỳ họp kéo dài 13 ngày bằng bài phát biểu nêu bật những vấn đề nổi lên những năm qua mà những người kế nhiệm thế hệ của ông phải gánh vác: một mô hình tăng trưởng nóng với môi trường bị tổn hại nghiêm trọng, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn, tham nhũng tràn lan đang gây nhiều bức xúc xã hội.
Ông Ôn thừa nhận trách nhiệm của ông và những lãnh đạo sắp về hưu khác, dù họ đã thành công trong việc đưa Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới và là thế lực lớn trên vũ đài chính trị toàn cầu hiện nay.
![]() |
Thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc đối mặt với những thách thức |
Ông Ôn đã vài lần kêu gọi thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm lãng phí, dựa trên việc đẩy mạnh những ngành dịch vụ sử dụng nhiều lao động và chi tiêu nhiều hơn để hỗ trợ nhà ở cùng các chương trình xã hội khác có thể thúc đẩy tiêu dùng.
Đối với cải tạo môi trường, ông Ôn kêu gọi kiềm chế ô nhiễm và giảm tiêu thụ năng lượng. Tuy nhiên, trong tất cả trường hợp ông đều không đưa ra được những biện pháp cụ thể, đặc biệt đối với những vấn đề nóng nhất là ô nhiễm môi trường và tệ nạn tham nhũng.
“Một diễn văn như vậy chẳng khiến tôi nhìn thấy được ánh sáng” - theo nhà sử học Zhang Lifan ở Bắc Kinh. Tương tự, học giả Zhao Chu ở Thượng Hải cho biết ông cảm thấy thất vọng về diễn văn của ông Ôn: “Diễn văn thừa nhận vô số vấn đề xã hội Trung Quốc đang đối mặt, nhưng không giải quyết được gốc rễ của vấn đề và cũng không chỉ thị gì cụ thể cho thế hệ lãnh đạo tới”.
Trong bài phát biểu hôm 5-3, ông Ôn cũng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay là 7,5%, kiềm chế lạm phát ở 3,5%, tạo hơn 9 triệu việc làm mới ở thành thị và duy trì thất nghiệp ở thành thị dưới 4,6%. Chính phủ cũng cam kết bảo đảm thu nhập bình quân đầu người tăng tương đương tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Về ngân sách, ông Ôn đặt mục tiêu thâm hụt 1.200 tỷ NDT (191 tỷ USD) trong 2013, cao hơn 400 tỷ NDT so với năm 2012. Ngoài ra, dự tính chi tiêu quốc phòng tăng 10,7% lên 720 tỷ NDT (114 tỷ USD); chi tiêu cho nội an tăng 8% lên 769 tỷ NDT (124 tỷ USD).
Đây là năm thứ 3 liên tiếp chi tiêu cho nội an lớn hơn chi tiêu quốc phòng. Điều này cho thấy bất ổn xã hội luôn là mối quan tâm lớn của các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh.
Trách nhiệm thế hệ mới
Kỳ họp quốc hội lần này sẽ hoàn tất việc chuyển giao quyền lực đã khởi động từ 4 tháng trước, khi ông Tập Cận Bình và những lãnh đạo khác được cơ cấu vào hàng ngũ lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong kỳ họp này, các đại biểu sẽ bầu các vị trí lãnh đạo chủ chốt, trong đó ông Tập được đề cử chức Chủ tịch nước, ông Lý Khắc Cường vào chức danh Thủ tướng Chính phủ.
Theo giới quan sát, những vấn đề chính thế hệ lãnh đạo mới phải đối đầu là: Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn; môi trường (chất lượng không khí, nước, đất) đang bị tổn hại nghiêm trọng; nạn tham nhũng hoành hành và sự mất cân bằng nghiêm trọng về giới do ảnh hưởng từ chính sách 1 con.
Trong những tháng đầu tiên ở cương vị lãnh đạo Đảng, ông Tập nhen nhóm hy vọng về đổi mới với những bài phát biểu nói về sự bức thiết của cuộc chiến chống tham nhũng và tinh thần thượng tuân pháp luật.
Ông Tập còn có một động thái được giới quan sát nhìn nhận như một “ám chỉ” về quyết tâm cải tổ của ông đối với ngành tài chính, khi đến thăm Thâm Quyến gần đây. Động thái này khiến người ta nhớ cuộc viếng thăm Thâm Quyến của nhà cải cách Đặng Tiểu Bình năm 1992, trước khi ông tiến hành những cải tổ thị trường quan trọng.
Từ kỳ họp quốc hội lần trước, đến nay Trung Quốc đã có nhiều cải tổ đáng chú ý: Ngày 14-11, giới đầu tư nước ngoài có thể đầu tư tối đa 270 tỷ NDT vào Trung Quốc, từ giới hạn 70 tỷ NDT trước đó; từ 15-11, Thượng Hải cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các cổ phần tư nhân; ngày 15-11, Cơ quản quản lý Hối đoái (SAFE) dỡ bỏ một số giới hạn đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI); ngày 28-11, Quốc hội phê chuẩn Luật Quản lý đất đai gia tăng bồi thường cho đất nông nghiệp; ngày 10-12, 3 huyện ở Quảng Đông triển khai chương trình công khai kê khai chi tiết tài sản của quan chức…