Người nước ngoài có thể ở bất cứ đâu trong thành phố rộng lớn, nhưng bao giờ cũng phải đến nơi đó để ngó nghiêng và thưởng ngoạn. Khu vực này có cảnh quan đẹp, nhiều công trình kiến trúc ấn tượng, nhiều công sở của bộ máy quyền lực và cơ quan ngoại giao, đặc biệt là có những khu phố mua sắm, nhiều nhà hàng, khách sạn, phố đi bộ, chợ đêm luôn hoạt động náo nhiệt và sầm uất.
Thế nhưng, khu vực trung tâm TPHCM hiện nay lại là bức tranh buồn. Sáng chủ nhật tuần rồi, tôi mất gần nửa buổi chạy xe lòng vòng qua các đường phố ở khu vực trung tâm TPHCM. Một trung tâm vắng vẻ, ít người qua lại, vài du khách quanh nhà thờ Đức Bà. Những con đường một thời sầm uất dầy đặc hàng hóa tràn ra cả vỉa hè, người đi lại chen vai nhau dường như biến mất. Đường Đồng Khởi, Lê Lợi chỉ lác đác vài quán giải khát, các cửa hàng bán đồ lưu niệm, tranh, lụa, đồ gỗ, mây tre, sơn mài hoàn toàn không thấy.
Các con đường dày đặc khách sạn như Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng hầu như đóng cửa hết, chỗ nào cũng thấy treo bảng rao bán, cho thuê mặt bằng. Sau khi dỡ bỏ hàng rào để làm metro, khu vực trung tâm thấy rộng hơn, nhưng vắng lạnh hơn, nắng chang chang, cây xanh không còn. Rõ ràng khu vực trung tâm thành phố đang trong tình trạng buồn tẻ không còn hấp dẫn nữa.
Bà Sukanya Sirikanjanakul, Giám đốc Khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Nam Thái Bình Dương, thuộc Tổng cục Du lịch Thái Lan, cho biết lượng du khách quay trở lại Thái Lan tăng theo từng ngày và chắc chắn sẽ đạt 25 triệu khách trong năm 2023. Bà còn cho biết hơn 500.000 người Việt Nam đã đến Thái Lan trong 6 tháng đầu năm và sẽ đạt đến 700.000, bằng 96% so với trước dịch.
Báo Bangkok Post cũng phỏng vấn một nữ du khách Việt Nam, cho biết bà ấy đã đến Bangkok 11 lần và sẽ còn đến nữa. Tổng cục Du lịch Thái Lan cũng cho biết, 70% du khách Việt Nam quay trở lại Thái Lan lần 2 và hơn 40% lần thứ 3.
Các thành phố ở Đông Nam Á lấy lại sức sống và sự sôi động rất nhanh, trong đó phải kể đến Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur, Manila, Phnom Penh… Sau dịch, tôi đã đến Singapore, Thái Lan và nhìn thấy sự khác biệt rõ rệt này. Quả thật người Thái biết làm du lịch. Năm 2023, người Thái ngoài việc lấy logo du lịch truyền thống chung quốc gia là “Amazing Thailand Always Amaze You” (Thái Lan kỳ diệu luôn làm bạn kinh ngạc), thì Bangkok có thêm logo mới là “Amazing New Chapters”, tức một chương mới đáng kinh ngạc được mở ra (sau dịch).
Họ mở chiến dịch hút khách nước ngoài thông qua 2 chương trình lớn là "Du lịch Thái Lan năm 2023 - Những chương mới tuyệt vời” và Soft Power - Sức mạnh mềm 5F, bao gồm: Food (Ẩm thực) - Film (Phim ảnh) - Festival (Lễ hội) - Fight (Nghệ thuật Võ thuật) - Fashion (Thời trang). Không chỉ Bangkok, những thành phố khác như Phuket, Chiang Mai, Pataya lấy lại sức sống, sôi động 24/24.
Năm 2023, Việt Nam đặt ra chỉ tiêu đón 8 triệu khách du lịch (bằng 50% trước dịch), 6 tháng đầu năm đã đón được gần 5,6 triệu lượt khách quốc tế, đạt 70% mục tiêu, trong đó TPHCM đón được 1,9 triệu khách quốc tế. Đó là cố gắng lớn, nhưng thấp hơn nhiều lần so với các thành phố lớn xung quanh.
Vậy làm thế nào để TPHCM lấy lại sức sống cho khu vực trung tâm? Làm thế nào để các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng mở cửa trở lại?
Điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải thay đổi chính sách nhất thời thuế phí cho các chủ nhà cho thuê mặt bằng ở khu này, có thể giảm hoặc miễn 1 năm trên hợp đồng giúp các gia chủ nhẹ gánh hơn.
Tiếp theo là các gia chủ chấp nhận hạ giá thuê hơn nữa, có thể thời gian đầu giảm tối đa miễn là có khách thuê. Khi có khách chủ cho thuê mới có thu nhập. Như thế người ta gọi là “nước lên, thuyền lên”. Nếu ai cũng muốn có được ngay lợi nhuận cao, kết quả là cùng nhau chết chìm (như hiện nay). Tâm lý nghe ngóng, nhìn nhau xem có khách đến mới trải chiếu sẽ chả bao giờ có khách.
Điều nữa cũng quan trọng không kém là trang trí cho khu vực trung tâm trở nên sinh động hơn, có sức sống hơn. Lẽ ra ngay sau khi trả lại mặt bằng vào hồi tháng 7-2022 Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Sở Quy hoạch-Kiến trúc và Saigontourist, phải bắt tay ngay vào việc tổ chức lại không gian cho khu vực trung tâm, như trồng cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa, làm tiểu cảnh, tượng trang trí, ánh sáng, mái che để hấp dẫn mọi người.
Vậy nhưng, sau 1 năm mọi quang cảnh khu vực này vẫn không thay đổi, dù có lúc dư luận ồn ào bàn tán chuyện khôi phục tượng Trần Nguyên Hãn, Bồn Kèn, mái che suốt tuyến phố Lê Lợi, nhưng sau đó mọi chuyện rơi vào im lặng.
Ông Bada, Phó Chủ tịch Ủy ban Du lịch Penang của Malaysia, thành phố được UNESCO phong tặng di sản cho biết, năm nào trước dịch cũng đưa vài đoàn sang TPHCM nhưng năm nay thì không, TPHCM buồn quá, ngay đường Nguyễn An Ninh nơi được gọi là phố “Mã Lai’’ chuyên kinh doanh phục vụ người Hồi giáo, cũng không còn mở cửa nữa.
Việt Nam sẽ nới lỏng visa du lịch lên 90 ngày, đó là tín hiệu vui cho khách nước ngoài. Nhưng chừng ấy chưa đủ đảm bảo khách nước ngoài sẽ kéo đến Việt Nam nhiều hơn đến Thái Lan, Singapore. Chỉ khi nào họ truyền tin cho nhau trên mạng là TPHCM vui lắm, thích lắm, khi đó mới có hy vọng hút được khách du lịch nước ngoài đến chơi, ở lâu và chi nhiều.