Trung tâm tài chính, cơ hội doanh nghiệp công nghệ

(ĐTTCO) - Việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là một bước đi chiến lược quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam, thông qua việc nâng cao năng suất lao động dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chiến lược phát triển dựa trên công nghệ

Theo Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS), để đạt được mục tiêu này, trước mắt cần tận dụng nguồn lực nội địa và thu hút vốn đầu tư quốc tế. Trong đó, các doanh nghiệp (DN) công nghệ, đặc biệt là startup và kỳ lân công nghệ, đóng vai trò cốt lõi trong hệ sinh thái khởi nghiệp và sẽ là một trong những động lực chính cho sự phát triển của trung tâm tài chính (TTTC).

Theo bảng xếp hạng Global Financial Centers Index (GFCI), TPHCM hiện xếp thứ 105/121 TTTC toàn cầu, cách xa so với những thành phố đang dẫn đầu như New York, London, Hồng Kông (Trung Quốc) hay Singapore.

Thực tế này cho thấy, mặc dù đang ở vị trí khiêm tốn, nhưng tiềm năng phát triển của TPHCM rất lớn nếu có những cải cách kịp thời và bước đi bài bản. Chia sẻ tại một hội nghị đối thoại với DN về mô hình phát triển TTTC quốc tế TPHCM mới đây, bà Nguyễn Trúc Vân, Giám đốc Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội TPHCM, cho biết đề án sẽ trải qua 3 giai đoạn gồm: giai đoạn 1 (2025-2030) xây dựng nền tảng cho TTTC quốc gia; giai đoạn 2 (2031-2035) phát triển thành TTTC khu vực; giai đoạn 3 (sau 2035) trở thành TTTC quốc tế và toàn cầu.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong các giai đoạn nêu trên, giai đoạn 1 cần tập trung vào việc xây dựng nền tảng cho TTTC quốc gia bằng việc sử dụng các nguồn lực sẵn có trong nước. IDS khuyến nghị, các DN công nghệ, đặc biệt là startup và kỳ lân công nghệ, đóng vai trò cốt lõi trong hệ sinh thái khởi nghiệp và sẽ là một trong những động lực chính cho sự phát triển của TTTC.

Thực tế, việc đặt ra lộ trình phát triển từng bước như vậy là phù hợp. PGS.TS Hồ Quốc Tuấn, Đại học Bristol, Vương quốc Anh, cho rằng tham vọng làm TTTC quốc tế ở Việt Nam không có gì là quá sức, yếu tố quốc tế không quá cao xa so với vị thế đang được xếp hạng trong nhóm “khu vực” hiện nay của TPHCM.

Tuy nhiên, để đi từ vị trí hiện nay lên đến Top 15 (được xếp vào nhóm “trung tâm dẫn đầu toàn cầu” hoặc “trung tâm toàn diện toàn cầu”), thì TPHCM phải vượt qua hơn 50 trung tâm khác thuộc loại quốc tế, trong đó có những cái tên trong khu vực Đông Nam Á như Bangkok, Jakarta, Kuala Lumpur.

“Vì vậy nếu chúng ta chỉ đặt mục tiêu hướng tới những trung tâm dẫn đầu toàn cầu như London, New York, Tokyo ngay trong vài năm, sẽ dễ dẫn đến những sai lầm do nóng vội và đặt mục tiêu sai” - PGS.TS Hồ Quốc Tuấn nhận định.

TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, chỉ ra rằng những tập đoàn lớn như FPT, MoMo, VNG hay VinAI không chỉ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp mà còn góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ sự phát triển bền vững.

Ông Kiên dẫn chứng mô hình hệ sinh thái điện toán đám mây tại Seattle với sự dẫn dắt của Amazon, nơi hội tụ nhiều tập đoàn công nghệ toàn cầu như Google, Facebook và hàng loạt startup đổi mới sáng tạo.

“Hiện nay hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đang có khoảng 3.800 DN hoạt động ở nhiều quy mô khác nhau. Việt Nam cần tận dụng ưu thế này để thu hút vốn đầu tư quốc tế thông qua việc nâng cấp hệ thống tài chính” - TS. Nguyễn Đức Kiên đề xuất.

Gỡ “rào cản” cho DN

Một trong những rào cản lớn đối với sự phát triển của các DN công nghệ tại Việt Nam hiện nay là quy định về IPO. Theo Điều 15 của Luật Chứng khoán, DN muốn niêm yết phải có lãi trong 2 năm liên tục và không có lỗ lũy kế.

Điều này tạo áp lực lớn, bởi lẽ đặc thù của các DN công nghệ, đặc biệt là các startup, thường xuyên ghi nhận lỗ trong giai đoạn đầu do chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) rất cao. TS. Trần Văn, Viện trưởng IDS, cho biết các DN khởi nghiệp với tiềm năng công nghệ thường gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu lợi nhuận ngắn hạn.

Ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế - xã hội TPHCM, nhấn mạnh quy định hiện hành không chỉ cản trở khả năng tiếp cận thị trường chứng khoán của các DN này, mà còn giảm sức hút của thị trường đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Ông Vũ còn lưu ý thêm rằng, nếu thuế chuyển vốn và thủ tục hành chính quá rườm rà, nhà đầu tư sẽ thiếu động lực, dù là đầu tư số tiền tỷ USD hay vài triệu USD, từ đó làm chậm quá trình phát triển của thị trường chứng khoán.

Nhiều quốc gia lớn đã có những bước đi táo bạo trong việc linh hoạt hóa điều kiện IPO để hỗ trợ các DN công nghệ. Ở Mỹ, nhiều ông lớn như Amazon, Uber hay Facebook đã niêm yết mà không bị ràng buộc bởi yêu cầu lợi nhuận ngay từ ban đầu, từ đó giúp họ nhanh chóng huy động vốn và đẩy mạnh quy mô phát triển. Tương tự, các nước châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã nới lỏng điều kiện về lợi nhuận, mở đường cho những DN công nghệ sáng tạo tiếp cận nguồn vốn cần thiết.

Ông Bùi Thành Trung, Phó Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Thiên Việt, nhận định cơ chế này giúp startup chứng minh tiềm năng, xây dựng doanh thu bền vững và thu hút vốn đầu tư. DN công nghệ Việt Nam sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn tầm khu vực và sớm đuổi kịp những cái tên hàng đầu như Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc).

Trên cơ sở đó, IDS đã đề xuất cơ chế “Sandbox IPO”. Theo cơ chế này, các DN công nghệ sẽ được phép huy động vốn qua IPO và niêm yết bất chấp việc còn lỗ lũy kế hoặc chưa ghi nhận lợi nhuận đáng kể. Đây được xem là một hình thức thử nghiệm cải cách trong phạm vi giới hạn, giúp giảm thiểu rủi ro trước khi áp dụng rộng rãi trên toàn thị trường.

IDS đề xuất Sandbox IPO có thể được triển khai tại TTTC quốc tế TPHCM và TP Đà Nẵng từ năm 2026, phù hợp với các mục tiêu của Nghị quyết 57 về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Một trong những rào cản lớn đối với sự phát triển của các DN công nghệ tại Việt Nam hiện nay là quy định về IPO. Tức DN muốn niêm yết phải có lãi trong 2 năm liên tục và không có lỗ lũy kế. Trong khi DN công nghệ, đặc biệt là các startup, thường xuyên ghi nhận lỗ trong giai đoạn đầu do chi phí nghiên cứu và phát triển rất cao.

Các tin khác