Trả lời báo chí, ông Vũ Văn Điệp cho biết, những cơn mưa vừa qua đã gây ngập 22 tuyến đường thuộc các quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, gồm: Nguyễn Văn Khối, Đào Sư Tích, Lê Văn Lương, Hồ Học Lãm, Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Hữu Cảnh, Điện Biên Phủ, Phan Huy Ích, Ung Văn Khiêm, Quốc Hương, Phạm Văn Chiêu, Bình Lợi, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Tô Ngọc Vân, Kha Vạn Cân, Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Nguyễn Văn Quá, Song hành quốc lộ 22, quốc lộ 50. Mức ngập từ 0,1-0,3m (chiều sâu ngập được đo tại vị trí 1/4 chiều rộng mặt đường). Thời gian nước rút hết trên các tuyến đường sau khi hết mưa từ 10-40 phút.
Ông Điệp giải thích thêm, đầu mùa mưa thường xảy ra những trận mưa cực đoan, cường độ mưa lớn gây quá tải cho hệ thống thoát nước hiện hữu. Tuy nhiên, so với những năm trước, với cường độ mưa 112,3mm, thành phố đã bị ngập ít tuyến đường hơn (năm 2008 là 126 tuyến đường), thời gian nước rút nhanh. Như vậy, với việc thành phố đã hoàn thành đầu tư nhiều dự án chống ngập, tình trạng ngập đã được kéo giảm về số tuyến đường ngập, chiều sâu ngập và thời gian ngập, nhất là khu vực trung tâm thành phố.
Riêng đối với tuyến đường Nguyễn Văn Quá, chiều sâu ngập trong thời gian mưa là 0,15m, nước rút hết sau khi hết mưa là 15 phút; đường Nguyễn Hữu Cảnh chiều sâu ngập trong thời gian mưa là 0,3m, nước rút hết sau khi hết mưa là 15 phút. Hiện nay đang sử dụng hệ thống bơm có công suất 27.000-96.000m3/giờ để tăng cường khả năng thoát nước; đồng thời triển khai thi công dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh. Hiện trên các tuyến đường xuất hiện tình trạng ngập, thành phố đã và đang triển khai các dự án chống ngập.
Về hiệu quả giảm ngập, theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM, mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020, tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm thành phố và một phần của 5 lưu vực ngoại vi (Bắc, Tây, Nam, một phần Đông Bắc, Đông Nam) rộng 550km2 với khoảng 6,5 triệu dân; đồng thời cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị, góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường thành phố. Đối với tuyến đường chính, đã giải quyết được 25/36 tuyến, đạt 69,44% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020.
Đối với các tuyến hẻm do UBND quận huyện thực hiện, đã hoàn thành 179/179 tuyến hẻm ngập, đạt 100% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra đã hoàn thành thêm 1.164 tuyến hẻm kết hợp chỉnh trang, kết nối đồng bộ hệ thống thoát nước với các tuyến đường chính. Kết quả này đạt được do TPHCM đầu tư và hoàn thành nhiều dự án chống ngập. Trong đó, kinh phí đầu tư ở giai đoạn 2016-2020 là 7.047 tỷ đồng; các dự án chống ngập theo hình thức đầu tư đối tác công- tư (PPP) gần 10.000 tỷ đồng; dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 khoảng 9.400 tỷ đồng. Tổng cộng nguồn vốn chống ngập giai đoạn này là gần 26.000 tỷ đồng.
Giải quyết dứt điểm 15 tuyến đường ngập
Đề cập về các giải pháp giảm ngập, ông Vũ Văn Điệp khẳng định, không để tái ngập tại các vị trí đã được giải quyết trong phạm vi 550km2 thuộc giai đoạn 2016-2020; tập trung giải quyết ngập cho vùng trung tâm thành phố rộng 106,41km2 và cơ bản giải quyết thoát nước cho các vùng còn lại. Cụ thể, thực hiện các dự án, nâng cấp cải tạo hệ thống thoát nước cho 15 tuyến đường ngập do mưa còn lại. Xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước tại khu vực chưa có hệ thống thoát nước, đặc biệt là khu vực phía Đông thành phố.
Liên quan đến các dự án nạo vét kênh rạch, TP sẽ đầu tư nạo vét các trục tiêu thoát nước lớn nhằm tăng cường khả năng thoát nước cho khu vực trung tâm thành phố về phía Nam, đồng thời chỉnh trang đô thị; thực hiện dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) nằm trên địa bàn quận Bình Thạnh, Gò Vấp; triển khai các dự án xây dựng hệ thống thoát nước lưu vực Tây Sài Gòn và lưu vực Tham Lương - Bến Cát và cải thiện môi trường nước TP lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 3) nhằm hoàn thiện hệ thống thoát nước, chỉnh trang đô thị cho các lưu vực trên.
Bên cạnh đó, cải tạo 7 trục tiêu thoát nước chính, gồm rạch Bà Tiếng (UBND quận Bình Tân làm chủ đầu tư), rạch Xóm Củi, Bà Lớn, Thủ Đào, Ông Bé, Thầy Tiêu, xây dựng tuyến kè 2 bên bờ kênh Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên (đoạn từ sông Chợ Đệm đến cầu Tham Lương dài 19km), dự kiến khởi công đầu năm sau và hoàn thành năm 2025.
Bên cạnh đó, khởi công xây dựng đoạn đê bao xung yếu thuộc bờ tả quận Thủ Đức (từ rạch cuối đường số 26 đến cuối đường số 3); xây dựng các cống kiểm soát triều Sông Kênh, Rạch Tra, Vàm Thuật, Nước Lên; xây dựng tuyến kè kênh Tẻ dọc đường Trần Xuân Soạn, quận 7… dự kiến khởi công năm 2021, hoàn thành đưa vào vận hành năm 2025.
Nhằm thực hiện chương trình chống ngập nước giai đoạn 2016-2020 và phương hướng nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo 2021-2025, phê duyệt đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2030, UBND TPHCM yêu cầu Sở Xây dựng xây dựng cơ chế thu hút đầu tư trong việc thực hiện đề án chống ngập. Đảm bảo giữ không tái ngập khu vực trung tâm TP và một phần của 5 lưu vực ngoại vi, rộng 550ha (đã được giải quyết ở giai đoạn 2016-2020), đồng thời tập trung giải quyết ngập một cách bền vững cho lưu vực trung tâm TP rộng hơn 100km2. |