Học sinh Trường Tiểu học Phan Đình Phùng (quận 3) trong giờ ăn trưa ngày 2-3
Áp lực
Tuần qua đối với cô Vũ Thị Hồng Ân, giáo viên lớp 3D (nhóm trẻ 3-4 tuổi), Trường Mầm non Tuổi Thơ 7 (quận 3) đầy căng thẳng. Trước tình hình số ca nhiễm ngày càng tăng cao trong trường học, giáo viên phải cập nhật thường xuyên tình hình sức khỏe học sinh. Nếu như trước đây, sĩ số dao động từ 22-30 học sinh/lớp, thì hiện nay mỗi ngày chỉ hơn 10 học sinh đến lớp. Thay cho các hoạt động tập thể như trước đây, giờ cô chủ yếu cho học sinh thực hiện hoạt động cá nhân hoặc sinh hoạt theo từng nhóm nhỏ để đảm bảo quy định về giãn cách.
“Lớp có 14 phụ huynh đăng ký cho con trở lại trường từ ngày 14-2 trên tổng số 21 học sinh, song thực tế mỗi ngày có từ 10-12 học sinh đến lớp. Phòng học trở nên rộng hơn. Mỗi ngày chúng tôi chia đồ dùng, đồ chơi ra thành hai nhóm, luân phiên một nửa cho học sinh chơi trong lớp, nửa còn lại khử khuẩn ở sân trường”, giáo viên này cho biết.
Riêng đối với các lớp trẻ ở nhóm tuổi nhỏ hơn (từ 18-36 tháng), sau thời gian nghỉ học khá lâu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giáo viên phải vất vả rèn lại cho các bé từng kỹ năng giao tiếp và tự phục vụ. Cô Vũ Đỗ Thúy Hiền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Thơ 7, cho biết, nhiều trẻ có biểu hiện rụt rè sau thời gian nghỉ dịch, không quen với việc ăn uống, ngủ trưa trên lớp nên các cô giáo phải tập, giúp trẻ bắt nhịp lại nề nếp sinh hoạt của lớp.
Ở bậc tiểu học, cô Hoàng Thụy Lan Anh, giáo viên chủ nhiệm lớp 4/7, Trường Tiểu học Phan Đình Phùng (quận 3) bày tỏ, thời điểm hiện tại, lớp cô phụ trách có 7 học sinh là F0 cùng nhiều học sinh đang nghỉ học ở nhà do là F1. Sau giờ tan trường, điện thoại của cô giáo trẻ liên tục nhận tin nhắn, cuộc gọi từ phụ huynh hỏi thăm về tình hình lớp. Thừa nhận trong giai đoạn này áp lực công việc khá lớn, song cô Lan Anh nhận định, đây là tình huống bất khả kháng.
“Thời gian đầu bản thân tôi cũng lúng túng, từ sáng đến tối xoay mòng với quá nhiều công việc như soạn giáo án, chấm bài, giao nhiệm vụ học tập cho từng nhóm học sinh, trả lời thắc mắc của phụ huynh, nhưng sau 3 tuần thích nghi, cô lẫn trò dần học được cách sống chung với dịch bệnh”, cô chia sẻ.
Tuy nhiên, lo lắng lớn nhất đối với cô Lan Anh hiện nay cũng như tất cả đội ngũ thầy, cô giáo là vừa làm sao chu toàn công việc, vừa không để bản thân nhiễm bệnh. Bởi một khi giáo viên nhiễm bệnh sẽ ảnh hưởng toàn bộ học sinh trong lớp chuyển qua học online, vừa thiệt thòi cho các em, vừa tạo thêm gánh nặng cho các thầy, cô trong tổ bộ môn.
Vất vả là thế nhưng theo thầy Lâm Hữu Thu, quản lý chuyên môn Trường Quốc tế Việt Úc (cơ sở Him Lam, quận 7), các thầy, cô còn bị phụ huynh chất vấn thiếu công bằng trong giải quyết quyền lợi giữa học sinh trên lớp và học sinh ở nhà học trực tuyến. Nhà giáo này trải lòng: “Khối lượng và áp lực công việc đối với giáo viên giai đoạn này rất nặng, không có sự thông cảm và chia sẻ của phụ huynh khiến giáo viên càng mệt mỏi”.
Nỗ lực dạy học trong hoàn cảnh mới
Không chỉ mầm non và tiểu học, giáo viên ở hai bậc THPT và THCS cũng quá tải do phải liên tục chuyển đổi giữa hai hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến. Cô N.T.M., giáo viên môn tiếng Anh một trường THPT ở quận 3, cho biết, đặc thù công việc của giáo viên trung học là một người dạy nhiều lớp. Do đó, khi các lớp luân phiên xuất hiện F0, lịch làm việc của thầy, cô thay đổi liên tục.
“Tôi dạy tất cả 8 lớp nhưng chia đều hai khối, vừa kết thúc tiết dạy trực tiếp ở khối 10 thì tay xách nách mang laptop, sách giáo khoa, đĩa CD đi bộ hai tầng lầu xuống thư viện tìm chỗ ngồi yên tĩnh dạy trực tuyến cho một lớp 12 đang nghỉ học ở nhà do có nhiều F0. Tuy nhiên, mạng internet của trường chập chờn, hôm nào trống tiết, tôi tranh thủ chạy về nhà để mạng ổn định, dạy học hiệu quả hơn”, cô T.M. cho biết.
Nhằm giảm bớt khó khăn cho giáo viên, tuần qua, Trường THPT Tân Phong (quận 7) đã lắp đặt thêm 2 đường truyền internet bên cạnh 6 đường truyền sẵn có để đảm bảo phủ wifi toàn trường, tạo điều kiện cho giáo viên dạy học trực tuyến. Khi phát hiện giáo viên là F0, tổ bộ môn sẽ phân công người khác, kể cả ban giám hiệu dạy thế. Trường hợp không có giáo viên, trường sẽ cử một giáo viên hoặc nhân viên quản lý lớp, giáo viên bộ môn ở nhà dạy trực tuyến qua màn hình máy chiếu cho học sinh.
Với Trường THCS Minh Đức (quận 1), giải pháp cho tình trạng thiếu giáo viên hiện tại là mời thỉnh giảng các thầy, cô giáo đã về hưu. Hiệu trưởng Trần Thúy An chia sẻ: “Các thầy cô hưu trí không màng nguy cơ lây bệnh, vẫn sẵn sàng dạy thỉnh giảng cho trường. Người này nhiễm thì người kia thay thế. Nhiều người sau khi khỏi bệnh, chưa hồi phục sức khỏe, vẫn nhiệt tình kết nối hệ thống dạy học từ xa cho học sinh”.
Nhờ sự đồng lòng và chung sức, đơn vị đã vượt qua rất nhiều khó khăn để tổ chức dạy học trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng. Tuy nhiên, về lâu dài, các đơn vị kiến nghị chính sách căn cơ hơn từ thành phố, như: chế độ phụ cấp cho giáo viên làm thêm giờ do ảnh hưởng Covid-19, hỗ trợ trang thiết bị dạy học… giúp các thầy, cô hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó.