Trường nghề gặp khó tuyển sinh

(ĐTTCO) - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là vào thời điểm vàng tuyển sinh năm 2021, khiến kết quả tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) không đạt như kỳ vọng. 
Giá sách tăng cao trong thời gian gần đây gây ra không ít ngạc nhiên lẫn khó khăn cho độc giả
Giá sách tăng cao trong thời gian gần đây gây ra không ít ngạc nhiên lẫn khó khăn cho độc giả

Để nguồn nhân lực qua đào tạo bổ sung cho thị trường lao động không bị đứt gãy, các cơ sở GDNN tại TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp thu hút sinh viên, đào tạo linh hoạt, thích ứng tình hình mới.

Sinh viên Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng trong giờ thực hành trên máy (ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát)

Sinh viên Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng trong giờ thực hành trên máy (ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát)

Chưa thoát vòng luẩn quẩn 

Theo TS Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, thời gian qua, Tổng Cục GDNN (Bộ LĐTB-XH) và TPHCM đã có hàng loạt chính sách nhằm phát triển hệ thống GDNN. Công tác truyền thông qua các nền tảng công nghệ như website, facebook, zalo… được chú trọng đẩy mạnh và tác động tích cực đến xã hội.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà GDNN phải đối diện là một bộ phận không nhỏ phụ huynh vẫn còn tâm lý thích cho con vào đại học, dù biết con em mình học xong có thể thất nghiệp hoặc sẽ phải làm trái ngành và thu nhập thấp hơn lao động có tay nghề cao. Tâm lý chuộng bằng cấp này khiến trường nghề rất khó thu hút học viên. “Mùa tuyển sinh 2021, trường vượt chỉ tiêu tuyển sinh 125%, nhưng vẫn băn khoăn vì hệ cao đẳng tuyển sinh không đạt, chỉ có hệ trung cấp vượt. Rõ ràng, đầu vào thấp sẽ kéo theo chất lượng đầu ra khó đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, tập đoàn lớn”, TS Nguyễn Thị Hằng tâm sự.

Ở khía cạnh trường trung cấp, TS Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt, cho biết, kết thúc mùa tuyển sinh 2021, nhà trường mới đạt 50% chỉ tiêu của 2 hệ cao đẳng và trung cấp (trên 1.000 sinh viên nhập học). “Do dịch bệnh gây khó khăn, những học sinh muốn học nghề sẽ học ngay tại địa phương để giảm chi phí, hạn chế lên thành phố lớn nhằm tiết kiệm chi tiêu.

Ngoài ra, việc có nhiều cơ hội vào đại học đã khiến số học sinh muốn học nghề giảm đi”, TS Lê Lâm băn khoăn. Tương tự, bà Phạm Quang Trang Thủy, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Hùng Vương, chia sẻ, mùa tuyển sinh 2021, trường chỉ tuyển sinh được 80% chỉ tiêu (tương ứng 800/1.000 sinh viên). 

Bên cạnh gặp khó trong tuyển sinh, nhiều cơ sở GDNN còn chật vật trả lương cán bộ, nhân viên; giáo viên lương thấp lại phải ở nhà dạy trực tuyến nên không có thu nhập tăng thêm, khó tạo động lực đầu tư bài giảng. Thậm chí, một số trường nghề ngoài công lập đến nay không còn kinh phí duy trì bộ máy, cơ sở vật chất để tiếp tục công tác tuyển sinh, đào tạo. 

Cần giải pháp đồng bộ 

Trên cơ sở nhận diện một số khó khăn trong công tác tuyển sinh, đào tạo, lãnh đạo các trường nghề đã đưa ra những giải pháp cụ thể để gỡ khó. TS Trần Kim Tuyền, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề TPHCM, cho rằng, mọi khó khăn đều có thể giải quyết nếu việc phân luồng học sinh về trường nghề được thực hiện tốt hơn. Tiếp đó, các cơ sở đào tạo gấp rút triển khai số hóa giáo trình, tài liệu tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh theo hướng chuyên nghiệp hơn; xây dựng cẩm nang nghề nghiệp điện tử ở những ngành nghề mà trường đào tạo, phát hành trên các nền tảng số, giúp các đối tượng dễ dàng tiếp cận, gây được sự quan tâm, chú ý của phụ huynh học sinh. 

TS Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, cho rằng, việc áp dụng mạnh mẽ công nghệ số trong dạy và học sẽ giúp sinh viên có thể học mọi lúc, mọi nơi. Ngoài ra, bên cạnh xây dựng học liệu, đội ngũ giảng viên trường nghề cũng phải sử dụng linh hoạt, hiệu quả các phần mềm dạy và học trực tuyến. Sử dụng công cụ mô phỏng, trực quan để hỗ trợ sinh viên nắm bắt lý thuyết và dễ dàng thực nghiệm thông qua các bài học thực hành tại trường khi được sự cho phép của UBND TPHCM.

Để kết quả tuyển sinh, đào tạo năm 2022 tích cực hơn trong điều kiện sống chung với dịch, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Nguyễn Văn Lâm đề nghị các cơ sở GDNN thành phố thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp trong tuyển sinh, đào tạo. Tự thân cơ sở GDNN vừa phải nâng cao chất lượng đào tạo vừa phải đẩy mạnh truyền thông tuyển sinh; thực hiện biện pháp tuyển sinh đa dạng, đồng bộ từ tuyển sinh trực tiếp gắn với tuyển sinh trực tuyến… “Chỉ có chuyển đổi số mới thay đổi cách quản lý hoạt động GDNN, cách dạy của giáo viên, cách học, cách thực hành kỹ năng nghề của sinh viên tại cơ sở GDNN. Và bản thân quá trình vận động xã hội khi chuyển đổi số sẽ sản sinh ra nhiều ngành nghề mới, lĩnh vực mới. Đây là thị trường mới tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức đối với hoạt động GDNN”, ông Nguyễn Văn Lâm nhấn mạnh.

“Thành phố cần tiếp tục đầu tư, đẩy nhanh xây mới các trường nghề đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Khi đó, trường nghề thu hút nhiều học viên, có nguồn kinh phí để đầu tư trở lại trang thiết bị, nâng cao chất lượng giảng dạy, cung ứng nguồn lao động có trình độ”, TS Trần Kim Tuyền đề xuất.

Theo Sở LĐTB-XH TPHCM, năm 2021, do ảnh hưởng dịch, công tác tuyển sinh của các cơ sở GDNN thành phố chỉ đạt gần 61% chỉ tiêu (tuyển mới 223.643 người học các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên). Tuy nhiên, khi thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, nguồn nhân lực được cơ sở đào tạo kịp thời cung cấp cho doanh nghiệp gần 123.000 người tốt nghiệp các trình độ.

Thành phố cũng đẩy mạnh xây mới nhiều trường nghề với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng như xây khu hành chính, phòng lý thuyết, thực hành hiện đại cho các Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng (trên 180 tỷ đồng); Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (khoảng 200 tỷ đồng); cơ sở 2 của Trường Cao đẳng Nghề thành phố tại TP Thủ Đức (gần 300 tỷ đồng)…

Các tin khác