Truy trách nhiệm về nhiều cái “chậm”

(ĐTTCO) - Chiều 4-6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đăng đàn trả lời chất vấn của ĐB. Ngay từ đầu phiên họp đã có tới 53 ĐB đăng ký chất vấn người đứng đầu ngành xây dựng.
Di dời trụ sở quá chậm
Đề cập đến nhiệm vụ di dời trụ sở cơ quan, bệnh viện, cơ sở giáo dục để giảm áp lực cho nội đô Hà Nội, ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) nhận định, Luật Thủ đô đi vào cuộc sống đã 8 năm, nhưng nội dung quan trọng này trong luật đã không đi vào cuộc sống. Chưa cơ sở giáo dục nào di dời vì chưa đủ cơ sở hạ tầng phù hợp, một số cơ sở di dời không trả lại đất, đi ngược lại mục tiêu ban đầu…
Thừa nhận tiến độ thực hiện chủ trương trên là rất chậm, song Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, ở đây có trách nhiệm của rất nhiều bộ, ngành liên quan và chính quyền Hà Nội. Cơ chế tài chính, nguồn lực cho di dời, việc bố trí quỹ đất để di dời và cơ chế sử dụng quỹ đất trong nội đô sau di dời cũng chưa đầy đủ… Thậm chí có bộ, ngành còn chưa hoàn thành danh mục, tiêu chí cơ sở di dời.
Truy trách nhiệm về nhiều cái “chậm” ảnh 1 ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) phát biểu
Ảnh: Viết Chung
Điều hành phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Việc này thực hiện rất chậm, có trách nhiệm của các bộ, ngành và Bộ Xây dựng, đề nghị sau cuộc chất vấn này bộ trưởng phải ngồi lại với các bộ, ngành để làm rõ chậm ở chỗ nào, khắc phục như thế nào”.
ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) “nhắc nhở” thêm về việc Ủy ban Pháp luật đã giám sát nội dung này và đưa ra nhiều kiến nghị, nhưng đã không được thực hiện nghiêm túc. Đề cập đến các sản phẩm tương đối mới trên thị trường, ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định) hỏi: Tại sao đến nay chưa có quy định pháp lý nào điều chỉnh về đầu tư, xây dựng, cấp giấy chứng nhận đối với các loại hình căn hộ du lịch (condotel) và đề nghị bộ trưởng nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong việc tham mưu ban hành quy chuẩn theo hướng giải quyết nhanh và phù hợp với thực tiễn.
Đây cũng là chất vấn của ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) và một số ĐB khác. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng có trách nhiệm sửa đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan, ban hành quy chế quản lý vận hành đến các loại hình bất động sản mới (condotel, officetel…). Bộ trưởng cho biết đã làm việc với Bộ TN-MT và sẽ có hướng dẫn về chế độ sử dụng đất với condotel hoặc condotel kết hợp nhà ở. Đồng thời cam kết, các quy định này sẽ được hoàn tất trong năm 2019.
Quy hoạch hạ tầng chậm
ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) phát biểu: Nhiều quy hoạch công trình công cộng, cây xanh trong các đồ án quy hoạch chi tiết chậm được thực hiện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm về xây dựng. Bộ có giải pháp nào để đảm bảo quyền sử dụng đất của người dân trong thời gian chờ thực hiện các quy hoạch này.
Nhiều cử tri và nhân dân cho rằng thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng còn phức tạp, mâu thuẫn, chồng chéo, mất thời gian. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận, hiện nay vẫn còn thực trạng quy hoạch nhà không đồng bộ với quy hoạch phát triển hạ tầng và cho biết, trong thời gian tới sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn việc lập, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch.
“Trong năm nay, cũng như sang năm, Bộ Xây dựng trực tiếp cho thanh tra một số quy hoạch chi tiết, đặc biệt là tại trung tâm một số đô thị lớn. Từ đó, có xử lý dứt điểm vấn đề này”, bộ trưởng nói. Tuy nhiên, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết chưa hài lòng: “Xem xét điều chỉnh quy hoạch chưa phải là giải pháp cho vấn đề tôi nêu”. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cũng tiếp tục truy vấn về giải pháp đảm bảo quyền lợi cho người dân trong trường hợp các quy hoạch chậm được triển khai.
Lo lắng về tình trạng người nước ngoài núp bóng mua bất động sản tại nhiều địa phương, ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM) chất vấn: “Với vai trò quản lý nhà nước về thị trường bất động sản, bộ có trách nhiệm như thế nào”? Trong khi đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho biết, nhiều cử tri quan tâm đến việc phát triển một số khu du lịch tâm linh quy mô lớn.
“Cử tri băn khoăn chùa xây dựng vài trăm hecta, nhưng nhà đầu tư được cấp hàng ngàn hecta. Nhà đầu tư xây dựng chùa, nhưng Nhà nước bỏ ra bao nhiêu tài nguyên đất đai rừng biển. Quy hoạch các khu du lịch tâm linh như thế có hợp lý không? Việc khai thác sau đầu tư có hợp lý, hợp pháp hay không”?
Sáng nay 5-6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ cùng giải đáp nhiều vấn đề đã được nêu.
Có thể tiếp tục tăng giá đất nền
Trong văn bản trả lời được gửi đến các ĐB ngay trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định, trong thời gian tới, chưa có dấu hiệu gì cho thấy có “bong bóng” bất động sản. Dự báo thị trường đến năm 2020 ít có nguy cơ xảy ra “bong bóng” bất động sản nhưng có thể tiếp tục xảy ra tình trạng tăng giá đất nền tại các khu vực có quy hoạch trở thành đặc khu, khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; và tình trạng sốt nóng cục bộ tại các dự án nhà ở trong khu vực trung tâm đô thị có tiến độ thi công nhanh, hạ tầng đồng bộ, chủ đầu tư có uy tín, giá cả phù hợp. Thị trường cũng có thể sụt giảm ở một số phân khúc do cung cầu hoặc không có các giải pháp hiệu quả tháo gỡ khó khăn cho một số dự án bất động sản, nhất là tại Hà Nội và TPHCM.
ĐB NGUYỄN THANH HỒNG (Bình Dương): “Xử lý nhà 8B Lê Trực và chung cư HH Linh Đàm là trách nhiệm của Hà Nội. Địa phương có trách nhiệm chính, nhưng vai trò tham mưu cho Chính phủ giải quyết khó khăn ở địa phương của bộ ra sao”?
°Bộ trưởng PHẠM HỒNG HÀ: Đây là trách nhiệm của TP Hà Nội, Hà Nội phải thực hiện. Riêng nhà 8B Lê Trực có vướng ở vấn đề kỹ thuật. Nếu Hà Nội yêu cầu, bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hỗ trợ”.
ĐB NGUYỄN THANH HỒNG tranh luận: “Tôi thấy bộ trưởng khá lúng túng. Sao lại “nếu Hà Nội yêu cầu?”. Như thế không đúng với vai trò bộ quản lý ngành xây dựng. Đúng là địa phương có trách nhiệm chính, nhưng vai trò tham mưu cho Chính phủ giải quyết khó khăn ở địa phương của bộ thì sao?”.
Bộ trưởng PHẠM HỒNG HÀ: Bộ đã có văn bản gửi Hà Nội yêu cầu chỉ đạo thực hiện khắc phục vi phạm ở nhà 8B Lê Trực và đã giao Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng của bộ đánh giá kết cấu chịu lực của tòa nhà này. “Nếu Hà Nội có yêu cầu về chuyên môn, bộ tiếp tục hỗ trợ”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà tái khẳng định.

Các tin khác