Tại tọa đàm, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng TTCK Việt Nam năm 2021 vẫn giữ được đà tăng trưởng song cũng tiếp tục chịu nhiều tác động đa chiều từ bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước.
Những yếu tố tích cực tác động đến TTCK năm 2021 trước hết phải kể đến việc tìm ra vaccine hiệu quả phòng ngừa dịch bệnh Covid-19. Thêm vào đó, xu hướng dịch chuyển dòng vốn quốc tế từ kênh tín dụng ngân hàng - nơi có lợi suất thấp - sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán và các tài sản có giá trị bao gồm vàng, bất động sản, do tác động của chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nới lỏng thông qua cắt giảm lãi suất.
Đồng thời, các gói hỗ trợ tài chính lớn của hầu hết các nước trên thế giới trong năm 2020 và dự kiến kéo dài trong năm 2021 đã, đang và sẽ được xem là những nhân tố tích cực hỗ trợ sự phát triển của TTCK thế giới nói chung, trong đó có TTCK Việt Nam trong năm 2021. Đặc biệt là khi Việt Nam tiếp tục được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng để đầu tư của khu vực và là một trong số rất ít nước khống chế được dịch Covid-19 với việc đạt tăng trưởng dương trong năm 2020.
Tuy vậy, TTCK Việt Nam năm 2021 cũng đứng trước không ít thách thức. Tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp đã cổ phần hoá khá chậm. Ngoài yếu tố do TTCK biến động mạnh, còn có yếu tố quan ngại, sợ rủi ro pháp lý liên quan đến bán tài sản nhà nước. Qua đó, làm chậm quá trình đưa doanh nghiệp lên sàn niêm yết để tạo sự minh bạch và huy động vốn phát triển.
Thêm vào đó, vấn đề nâng hạng thị trường từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vẫn gặp nhiều trở ngại về pháp lý và chính sách, cần nhiều thời gian để tháo gỡ (vấn đề tham gia của nhà đầu tư nước ngoài; tự do hoá tài khoản vốn; quản trị công ty và tính minh bạch về công bố thông tin...). Rủi ro lan truyền từ các khu vực thị trường liên thông (bất động sản; ngoại hối; tiền kỹ thuật số...) gây nên những cơn sốt ảo về bất động sản cũng như về chứng khoán và hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) cho toàn TTCK còn có những trở ngại nhất định cho sự tăng trưởng của thị trường.
Trước những cơ hội và thách thức đan xen nói trên, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, thời gian tới UBCKNN sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp cụ thể để vừa tái cấu trúc vừa nâng cấp TTCK theo hướng bền vững hơn. Trước hết là tập trung vào công tác phổ biến pháp luật, đưa các quy định chính sách mới của Luật Chứng khoán và văn bản hướng dẫn vào thực tiễn, thúc đẩy tính hiệu lực, hiệu quả của chính sách.
Trong năm 2021, UBCKNN sẽ tiếp tục giới thiệu thêm các sản phẩm giao dịch mới trên TTCK đó là ra mắt sản phẩm hợp đồng tương lai (HĐTL) trái phiếu Chính phủ 10 năm (dự kiến quý I-2021), nghiên cứu để sớm đưa thêm sản phẩm HĐTL trên các chỉ số cổ phiếu mới và các loại chứng quyền có bảo đảm, trái phiếu xanh. Nghiên cứu triển khai số hóa các tài sản tài chính trên thị trường chứng khoán, áp dụng các công nghệ tài chính mới (Fintech).
Đồng thời, tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; tăng cường công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán; Xử lý triệt để vấn đề nghẽn lệnh thị trường, đảm bảo thị trường vận hành thông suốt…