Sau phiên sáng giằng co và nhích nhẹ, thị trường bước vào phiên chiều không có mấy thay đổi, dù dòng tiền chậm lại, một số bluechip hạ độ cao khiến VN-Index gần như chỉ rung lắc nhẹ quanh tham chiếu và đóng cửa gần như không đổi.
Sau chuỗi hồi phục khá tốt với 100 điểm tăng, kể từ phiên 17/5, dành cho VN-Index, việc xác định xu hướng tiếp theo sẽ là bài toán khó với nhiều nhà đầu tư. Rõ ràng rằng việc phục hồi theo mô hình chữ V ở thời điểm này là khó xảy ra bởi dữ liệu về khối lượng giao dịch các phiên đang ở mức khá thấp so với trung bình phiên 1 năm trở lại đây, dòng tiền vẫn còn những dấu hiệu thận trọng.
Tuy nhiên chiều ngược lại, việc VN-Index rơi mạnh đã khiến giá trị cổ phiếu với định giá của chỉ số P/E trở nên rất hấp dẫn sẽ tạo cơ sở cho các nhà đầu tư trung dài hạn thực hiện chiến lược mua gom.
Trung hòa 2 yếu tố cung và cầu thì nhận định về khả năng thị trường sẽ biến động trong biên độ hẹp có xác xuất xảy ra lớn hơn, tuy nhiên, từng cổ phiếu có thể sẽ có những diễn biến khác với thị trường chung. Khả năng bật mạnh hoặc giảm tiếp vẫn còn xét cả về mặt cơ bản và kỹ thuật, tuy nhiên sẽ có xác suất thấp hơn.
Để thị trường sôi động và tăng điểm, yếu tố duy nhất quyết định vẫn là dòng tiền, tạo niềm tin cho nhà đầu tư thời điểm này có ý nghĩa then chốt, nếu tin thì việc giải ngân vào các cổ phiếu giá trị sẽ là chuyện không quá khó khăn.
Chốt phiên, sàn HOSE có 252 mã tăng và 191 mã giảm, VN-Index tăng 0,14 điểm (+0,01%), lên 1.268,57 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 541,9 triệu đơn vị, giá trị 13.776 tỷ đồng, giảm hơn 17% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 27,55 triệu đơn vị, giá trị 774,8 tỷ đồng.
Tác nhân khiến VN-Index chững lại bởi một số bluechip không còn giữ được mức tăng tốt của cuối phiên sáng, như PLX chỉ còn +2,8% lên 42.550 đồng, SSI chỉ còn +2,3% lên 29.450 đồng, HPG +1,6% lên 45.000 đồng...
Dù vậy, các cổ phiếu giảm cũng không nới thêm đà đi xuống cũng đã giúp chỉ số không biến động mạnh hơn, với MSN -1,7% xuống 108.600 đồng, STB -1,5% xuống 22.400 đồng, MBB -1,4% xuống 27.650 đồng, VPB -1,4% xuống 31.050 đồng...
Thanh khoản tương tự phiên sáng, khi SSI là cổ phiếu dẫn đầu khối lượng khớp lệnh trong rổ VN30, theo ngay sau là HPG với 16,2 triệu đơn vị, STB khớp 15,2 triệu đơn vị. Đây cũng là ba vị trí thanh khoản cao nhất toàn sàn HOSE.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán sau phiên sáng tăng khá, cũng đã phần nào chịu áp lực chốt lời, ngoài ORS và VDS yên vị ở sắc tím tại 17.850 đồng và 22.300 đồng, thì còn lại đều hạ độ cao, như SSI nêu trên, FTS +2,2% lên 37.750 đồng, HCM + 1,9% lên 24.450 đồng, AGR +2,7% lên 13.150 đồng, CTS +2,8% lên 22.300 đồng, VIX +1,6% lên 13.000 đồng, VCI +0,5% và VND chỉ còn nhích 0,2%.
Nhóm cổ phiếu thép giữ được mức tăng khá với HSG +2,4% lên 21.700 đồng, NKG +1,2% lên 30.100 đồng, SMC +2,9% lên 26.950 đồng, TLH +2,1% lên 12.250 đồng, POM +1,7% lên 8.930 đồng, với HSG khớp hơn 7,2 triệu đơn vị, NKG khớp hơn 4,91 triệu đơn vị...
Một số cổ phiếu riêng lẻ như DBC, LGL, PSH, TIP, APH, VNE, NAF, TNN, cặp đôi mía đường SBT và LSS đều đã tăng kịch trần khi đóng cửa.
Không ít các cổ phiếu đã vươn lên mức giá cao với sự góp mặt ở nhiều nhóm ngành như DLG, SAM, HID, HDG, FIT, PTB, REE, HAP, ABT, NHH, MSH, KHG, khi tăng từ 4% đến 5,5%.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu họ FLC vẫn nằm sàn với khối lượng dư bán sàn tại FLC, ROS và HAI vẫn chất đống, với FLC là gần 17 triệu đơn vị, ROS là hơn 19,1 triệu đơn vị, HAI là hơn 4,2 triệu đơn vị...
Các cổ phiếu khác với thanh khoản cao như HQC, HAG, DXG, PVD, CII, ITA, DCM, BCG, DIG, DPM, HBC, ASM đều chìm trong sắc đỏ, với mức giảm của cặp đôi phân bón DCM và DPM khá mạnh, khi mất 3,2% và 3,9%, khớp từ 4,11 triệu đến 10,1 triệu đơn vị.
Trái lại, chứng chỉ quỹ FUEVFVND, GEX, TCH, AAA, HNG, LDG, TTF, KBC, NLG nhích lên, với mức tăng khiêm tốn, khớp từ 2,19 triệu đến 11,2 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index có nhịp lao dốc khá mạnh sau thời điểm 14h khi nhiều cổ phiếu nới đà đi xuống, nhưng nhờ một số cổ phiếu lớn thu hẹp đà giảm đã hãm lại đà rơi của chỉ số.
Đóng cửa, sàn HNX có 100 mã tăng và 102 mã giảm, HNX-Index giảm 1,63 điểm (-0,52%), xuống 313,29 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 81,37 triệu đơn vị, giá trị 1.548 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,53 triệu đơn vị, giá trị 11,8 tỷ đồng.
Hỗ trợ chỉ số đến từ AMV +1,9%, LAS +9,1%, PVL +7,2%, sắc tím tại MAC, VIG và một số mã lớn như VCS +3,2% lên 93.100 đồng, NTP +4,1% lên 45.800 đồng...
Trong khi đó, KLF và ART nằm trong số những mã giảm sâu nhất, với KLF giảm sàn -9,3% xuống 3.900 đồng, khớp hơn 9,2 triệu đơn vị, cao nhất HNX, còn ART -6,6% xuống 5.700 đồng.
Các cổ phiếu giảm khác là CEO -2% xuống 43.300 đồng, PVS -2,7% xuống 28.400 đồng, SHS -1,1% xuống 18.000n đồng, HUT -3,4% xuống 28.200 đồng, PVC -2,5% xuống 23.000 đồng, IDJ -1,9% xuống 21.000 đồng.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index giằng co quanh tham chiếu với biên độ hẹp gần như trong suốt cả phiên, trước khi có nhịp này lên trên sắc xanh ở những phút cuối.
Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,17 điểm (+0,18%), lên 94,95 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 43,77 triệu đơn vị, giá trị 780,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 4 triệu đơn vị, giá trị 52,2 tỷ đồng.
Không quá khác nhiều phiên sáng, khi ở nhóm cổ phiếu giao dịch sôi động nhất, BSR và BVB là những sắc đỏ hiếm hoi, dù vậy, BSR đã vươn lên thanh khoản cao nhất UpCoM với hơn 8,25 triệu đơn vị khớp lệnh, cổ phiếu giảm 2,5% xuống 23.800 đồng.
Trái ngược với đó là LMH, khi đứng vững ở mức giá trần tại 7.200 đồng, FTM +30,8% lên 3.400 đồng, TCI +6,7% lên 11.100 đồng, DRI +5,8% lên 12.700 đồng, VGI +4,7% lên 31.400 đồng, SBS +4,6% lên 9.100 đồng...
Trên thị trường phái sinh, duy nhất VN30F2206 đáo hạn gần nhất tăng điểm, dù mức tăng thấp với +1,6 điểm, tương đương 0,12% lên 1.330,9 điểm, khớp lệnh hơn 279.200 đơn vị, khối lượng mở hơn 29.600 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, ba mã có khối lượng khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị là CFPT2203 giảm nhẹ xuống 4.090 đồng/cq, CHPG2208 giảm 5% xuống 950 đồng/cq và CVHM2204 tăng 3,8% lên 270 đồng/cq.