Nhân dịp này, ĐTTC đã có cuộc trò chuyện với ông LÊ HẢI TRÀ (ảnh), Phụ trách HĐQT HOSE, xung quanh những vấn đề nóng của TTCK hiện nay.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, ông có thể khái quát sau 20 năm vận hành của HOSE, nhất là việc huy động vốn của các doanh nghiệp niêm yết (DNNY)?
Ông LÊ HẢI TRÀ: - Tính đến ngày 30-6-2020, HOSE có 380 mã cổ phiếu (CP) niêm yết, 3 chứng chỉ quỹ (CCQ) đóng, 4 CCQ ETF, 43 trái phiếu (TP) và 76 mã chứng quyền có bảo đảm đang niêm yết. Tổng giá trị vốn hóa thị trường CP đạt trên 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm trên 90% giá trị vốn hóa thị trường CP cả nước, tương đương 47% GDP. Có 74 CTCK thành viên với hơn 2,4 triệu tài khoản của nhà đầu tư (NĐT).
Các DNNY trên HOSE là công ty lớn, đầu ngành, hoạt động kinh doanh tăng trưởng ổn định. Trong đó, 3 ngành có tỷ trọng cao nhất là tài chính, bất động sản và tiêu dùng thiết yếu (chiếm hơn 80% giá trị vốn hóa toàn thị trường). Có 23 DN có vốn hóa trên 1 tỷ USD, trong đó có 10 ngân hàng, khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của HOSE trong việc thu hút niêm yết và giao dịch CP các DN lớn của nền kinh tế.
Đặc biệt, top 10 DN nộp thuế nhiều nhất theo thống kê của Tổng cục Thuế năm 2019 có đến 5 DNNY trên HOSE, bao gồm GAS (PV Gas), VCB (Vietcombank), TCB (Techcombank), VNM (Vinamilk), BID (BIDV).
Kể từ khi tham gia niêm yết, các DN đã huy động được lượng vốn đáng kể phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổng giá trị huy động thông qua phát hành thêm trên thị trường CP kể từ năm 2000 đến nay ước đạt hơn 295.000 tỷ đồng, với 834 đợt phát hành. Riêng giai đoạn tái cấu trúc nền kinh tế 2010-2015, mức huy động tăng hơn 5 lần so với giai đoạn trước.
DNNY trên HOSE đã thực hiện tăng vốn điều lệ sau khi niêm yết trên TTCK, trong đó một số DN có mức tăng vốn điều lệ cao, như VIC (Vingroup) tăng 43 lần, VCB tăng 33 lần, VNM tăng 11 lần. Nguồn vốn huy động qua TTCK giúp các DN nâng cao năng lực tài chính, đầu tư cho các dự án mới, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động.
- Vậy HOSE đã có những giải pháp gì nhằm triển khai các phương thức giao dịch tiên tiến, các sản phẩm và dịch vụ mới?
Mục tiêu của TTCK là trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, cân bằng giữa thị trường tiền tệ và vốn, hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại DNNN, quy mô thị trường CP 120% GDP vào năm 2025, số lượng DNNY đến năm 2020 tăng 20% so với năm 2017. |
HOSE cũng tập trung các giải pháp phát triển thị trường CP cơ sở. Khởi điểm với 2 mã CP niêm yết vào tháng 7-2000, tiếp theo là TP Chính phủ (TPCP) vào tháng 8-2000 và TPDN vào tháng 11-2000 khi thị trường mới đi vào hoạt động; HOSE đã lần lượt triển khai niêm yết TP đô thị vào năm 2003, CCQ quỹ đóng năm 2004.
Cấu trúc sản phẩm niêm yết của HOSE ngày càng hoàn thiện và tiệm cận hơn với xu hướng quốc tế, khi tiếp tục phát triển và niêm yết các dòng sản phẩm cấu trúc tiên tiến như CCQ hoán đổi danh mục.
Đơn cử, ETF VFM VN30 được niêm yết và giao dịch đầu tiên trên HOSE vào năm 2014, tiếp đến là ETF SSIAM VNX50 niêm yết năm 2017, ETF SSIAM VNFinLead, ETF VFM VNDiamond niêm yết năm 2020 và chứng quyền có bảo đảm (tháng 6-2019), giúp hoàn thiện cấu trúc sản phẩm trên TTCK Việt Nam, đa dạng hóa lựa chọn đầu tư trên thị trường, góp phần tăng thanh khoản trên thị trường cơ sở.
Bên cạnh đó, năm 2005 HOSE đề xuất thực hiện đấu giá bán cổ phần của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cổ phần hóa qua sở giao dịch CK, với cuộc đấu giá đầu tiên và thành công của VNM.
Với mục đích tìm kiếm cơ chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho NĐTNN khi giao dịch các CP hết room, từ năm 2012, HOSE nghiên cứu đề xuất giải pháp chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) và tiếp tục đề xuất giải pháp hoàn thiện đề án vào năm 2019.
- Ông đánh giá thế nào việc thiết lập chuẩn mực về công tác quản trị DN, minh bạch hóa hoạt động của DN trên TTCK hiện nay?
- Chất lượng công bố thông tin của DNNY đã có sự cải thiện đáng kể, thể hiện ở tính chuyên nghiệp, minh bạch và kịp thời của thông tin, các vi phạm quy định về công bố thông tin đã giảm rõ rệt. Số lượng DNNY vi phạm giảm dần qua các năm, trung bình trong giai đoạn 2010-2014 là 188 công ty, giai đoạn 2015-2019 là 105 DN (giảm 44%).
Ngoài ra số lượng DNNY chủ động công bố thông tin bằng tiếng Anh cũng tăng lên, tập trung ở các DN quy mô lớn, có đối tác nước ngoài. Tính đến 2019, có khoảng gần 10% DNNY công bố thông tin báo cáo thường niên và tài liệu ĐHCĐ bằng tiếng Anh
Thủ tướng Canada Justin Trudeau ( thứ 5 từ trái qua) sang thăm HOSE và chụp ảnh lưu niệm.
- Bên cạnh những kết quả đạt được sau 20 năm, TTCK vẫn còn nhiều hạn chế, thưa ông?
- TTCK Việt Nam vẫn còn non trẻ, khoảng cách với các sở giao dịch CK trong khu vực vẫn còn khá xa. Quy mô vốn hóa thị trường Việt Nam mới gần bằng 1/5 thị trường Philippines, 1/7 Indonesia và 1/8 Thái Lan.
Quy mô vốn hóa TTCK trên GDP còn khiêm tốn, cơ cấu giữa thị trường vốn còn mất cân đối. Phát triển nhanh, bền vững TTCK, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các thành viên thị trường, đang là thách thức không nhỏ với HOSE và các thành viên thị trường.
Thanh khoản trên thị trường được cải thiện nhưng vẫn tồn tại các yếu tố chưa thực sự bền vững. Giá trị giao dịch (GTGD) còn thấp so với các thị trường trong khu vực. Cụ thể, GTGD bình quân ngày của thị trường Việt Nam đạt 180 triệu USD, chỉ bằng 1/9 thị trường Thái Lan (1,5 tỷ USD), 1/5 Singapore (864 triệu USD), 1/3 Malaysia (544 triệu USD).
Tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước trong nhiều DNNY còn lớn, khiến tính thanh khoản của CP bị hạn chế so với tiềm năng của DN. Sự tham gia của NĐTNN trong tổng giao dịch còn hạn chế.
Tỷ trọng tham gia của NĐTNN trên thị trường Việt Nam theo GTGD còn thấp, giai đoạn 2010-2019 đạt 12-18%, đặc biệt tỷ trọng NĐT tổ chức chưa cao. Tại thời điểm đầu năm 2020, tỷ trọng NĐT cá nhân chiếm 99,34%, số lượng NĐTNN tuy có tăng nhưng chỉ đạt mức 1,45%.
Số lượng sản phẩm mới thực tế được chào bán và niêm yết trên thị trường CP còn hạn chế, vẫn chủ yếu tập trung vào sản phẩm truyền thống là CP. Chất lượng quản trị DN tuy có cải thiện nhưng còn khoảng cách xa so với thị trường khu vực.
Quá trình cổ phần hóa và thoái vốn DNNN trong các năm gần đây diễn ra chậm, ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa cho thị trường. Việc chưa có hướng dẫn cụ thể về niêm yết đối với DN đầu tư nước ngoài (FDI), dẫn đến thiếu vắng DN FDI trên TTCK.
Việc phân định chưa rõ ràng về cấu trúc giữa thị trường CP, TP dẫn đến khó khăn nhất định cho NĐT và thành viên thị trường.
- Theo ông cần có giải pháp đột phá gì để hoàn thành mục tiêu đưa TTCK trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế?
- Để đạt được mục tiêu này, trước mắt phải hoàn thiện bộ máy, mô hình hoạt động và quản trị theo thông lệ quốc tế, nâng cao năng lực tổ chức, vận hành thị trường, hỗ trợ quá trình thành lập Sở Giao dịch CK Việt Nam theo lộ trình và mô hình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 32/QĐ-TTg.
Kế đến, thực hiện phân bảng thị trường theo tiêu chí về quy mô, chất lượng hoạt động, thanh khoản, đa dạng hóa sản phẩm trên TTCK. Triển khai các sản phẩm mới theo hướng từ đơn giản đến phức tạp, các loại chứng quyền có bảo đảm trên chỉ số/ETF, chứng quyền bán, các loại hình quỹ ETF, chứng chỉ lưu ký (DR), chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR), phát triển thêm các chỉ số cơ sở để làm tài sản cơ sở cho TTCK phái sinh.
Song song đó, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động đồng bộ tại 2 sở giao dịch CK và Trung tâm Lưu ký CK phục vụ quản lý, giám sát giao dịch, thanh toán bù trừ cho toàn thị trường. Chú trọng phát triển bền vững và nâng cao minh bạch, chất lượng DNNY, hướng đến chất lượng quản trị công ty trong các DNNY đạt mức bình quân ASEAN-6.
Đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, chú trọng đến quản trị công ty và quản trị rủi ro cho DNNY theo chuẩn mực quốc tế, khuyến khích DNNY có quy mô lớn thực hiện công bố báo cáo tài chính theo chuẩn báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) và thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh.
- Xin cảm ơn ông.